Văn Yên: Tưng bừng mùa quế

  • Cập nhật: Thứ sáu, 21/5/2010 | 3:16:26 PM

YBĐT - Vụ quế năm nay được giá, giá quế tươi mua 7.000 đồng/kg, tăng hơn một đến hai giá so với năm trước khiến bà con trồng quế mừng. Tháng 5 đi trên vùng quế Văn Yên (Yên Bái) thấy nhà nhà lên đồi bóc quế, quế phơi la liệt trong sân, quế ùa ra đường, khắp mọi nẻo đường tư thương về các bản làng để thu mua quế…

Nông dân xã Đại Sơn khai thác quế.
Nông dân xã Đại Sơn khai thác quế.

Với trên 15.235 ha quế và có sản lượng quế vỏ chiếm khoảng gần 70% tổng sản lượng của cả tỉnh, huyện Văn Yên được coi là thủ phủ của quế. Cây quế từng là nỗi “cay lòng” của bao người dân khi giá quế xuống thấp không bù lại đủ công chăm sóc đầu tư, thậm chí có lúc giá 3kg, quế không đổi được 1kg gạo, người trồng quế lâm vào cảnh khó khăn. Trái ngược với cảnh trầm lắng của vụ quế 2009, năm nay quế được giá, tuy không cao như thời vàng son nhưng cũng đủ khiến bà con nông dân mừng ra mặt.

Giá  quế tươi trung bình 6.500 - 7.000 đồng/kg, quế khô loại B, C có giá từ 12.000đồng - 14.000đồng/kg... đặc biệt quế bào vỏ bán rất chạy. Khắp các ngả đường vào vùng quế đâu đâu cũng thấy quế, quế vỏ phơi la liệt ở hai bên đường. Dọc tuyến đường từ An Thịnh vào Đại Sơn, hai bên đường nhà nhà bào quế, phơi quế, chẻ quế, quế phơi trong nhà ngoài sân, quế tràn ra đường. Nhà chị Phương, ở thôn Chè Vè xã An Thịnh có 4 người đang chế biến quế. Vừa ôm vỏ quế mang ra đường phơi chị cho biết: “Quế năm nay đắt hơn 2 đến 3 giá so với năm trước. Đặc biệt, hàng “ống sáo” giá cao chót vót 25.000đồng/kg, thế mà bán chạy lắm!”.

Về vùng quế Đại Sơn nhà nào cũng đóng cửa vắng tanh, hỏi ra mới biết họ lên đồi bóc quế. Xã Đại Sơn có trên 1.800 ha quế. Ở đây, nhà ít cũng có 1-2 ha quế, nhà nhiều có đến cả chục ha. Cây quế phát triển ở Đại Sơn từ những năm 1965, dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng người dân Đại Sơn vẫn không bỏ quế. Quế là cây trồng chủ lực của người dân trong xã, từ chuyện dựng vợ gả chồng, làm nhà cửa, đến của ăn của để dành cho con cháu cũng đều từ quế. Chẳng thế mà quế được ví như kho vàng xanh để dành lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác ở nơi đây. Mỗi cô gái dân tộc Dao khi đi lấy chồng được cha mẹ cho vài chục đến cả trăm cây quế làm của hồi môn.

Ông Bàn Phúc Minh - Bí thư Đảng ủy xã Đại Sơn cho biết: “ Năm nay, quế được giá bà con phấn khởi lắm. Hàng năm, nhân dân trong xã thu hoạch hai vụ (vụ tháng 3 và vụ tháng 8) được trên 700 tấn quế vỏ khô, tận thu gỗ, lá, cành cũng đem về cho người dân gần chục tỷ đồng. Hiện nay, đa số người dân trồng quế bóc tỉa dần mỗi ha trồng 5.500 - 6000 cây, hai năm đầu trồng bổ sung, đến năm thứ 5, thứ 7 bóc tỉa dần đem bán. Lá, cành thì bán cho nhà máy chưng cất tinh dầu quế với giá 500 - 1.000đồng/kg, gỗ quế thì trung bình cũng có giá 600.000 đồng/m3. Quế cứ về miền xuôi thì ti vi, xe máy lại lên miền ngược, ở đây nhiều hộ xây được nhà cũng từ tiền bán quế”.

Trong ngôi nhà khang trang ông Lý Kim Thanh (thôn 2, Đại Sơn) vừa bán đồi quế trên 210 cây với giá 62 triệu, ngồi nhẩm tính ông nói: “Nhà tôi còn 6 ha quế nữa nếu tính giá trị thì cũng lên đến bạc tỷ”. Ông cho biết thêm: quế có tuổi trên chục năm ở Đại Sơn còn rất ít, vì bị chết vì sâu bệnh. Hiện Đại Sơn đang tiến hành bảo tồn 30 cây quế lâu năm để lấy hạt làm giống và tiến hành quy hoạch vùng quế trên 10 năm tuổi để bảo tồn. Nhiều người Dao Đại Sơn có cuộc sống ổn định cũng từ quế.

Không riêng gì Đại Sơn mà đi trên các làng quê từ Xuân Tầm, Quế Hạ, Quế Thượng... đều bắt gặp những xe chở đầy quế. Ông Trần Xuân Trường ở thôn 3 Đại Sơn cho biết: “Nhà có 3 ha quế gia đình vừa thu hoạch vừa thu mua gom quế của bà con về bán cho các tư thương dưới xuôi”. Theo nhẩm tính của ông, 1kg quế tươi loại B,C giá 6.500 - 7.500 đồng/kg mua về nạo vỏ, phơi khô làm hàng ống sáo bán giá 24.000 - 25.000 đồng/kg, trừ chi phí, tiền thuê nhân công cũng lãi 1.700đồng/kg. Ông cho biết thêm: mùa này ở đây tấp nập lắm, dù đã là cuối vụ quế rồi nhưng tư thương ở các nơi vẫn đổ về thu gom quế, có người ở Quảng Ninh còn định mượn nhà ông làm đại lý thu gom quế nhưng gia đình ông không đồng ý.

Để phát triển thị trường, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm quế, huyện Văn Yên đã xác lập quyền chỉ dẫn địa lý Văn Yên cho sản phẩm quế bao gồm các xã: Châu Quế Hạ, Xuân Tầm, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Tân Hợp, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Viễn Sơn; quy hoạch lại vùng trồng quế tập trung vào các xã vùng cao; xây dựng đề án giữ lại diện tích quế đường kính trên 30 cm chiều cao 15m ở các xã Đại Sơn, Mỏ Vàng, Viễn Sơn, Xuân Tầm nhằm bảo tồn nguồn giống quế. Đặc biệt, việc gắn cây quế với du lịch sinh thái sẽ là hướng đi mới đầy tiềm năng cho quế Văn Yên.

Văn Thông

Các tin khác

YBĐT - Với mục tiêu đưa sản xuất kinh, doanh chè trở thành ngành kinh tế mạnh, từ năm 2006 trở lại đây, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có nhiều giải pháp và cơ chế đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu chè có năng suất, chất lượng, đáp ứng cho chế biến chè chất lượng cao.

Ngày 20-5, dòng xe ô tô phục vụ nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam do Tập đoàn ô tô và xe máy Đức Phương (Nam Định) sản xuất được đưa ra thị trường. Đây là kết quả bước đầu của Chương trình nghiên cứu sản xuất, lắp ráp và tiêu thụ thí điểm loại xe 4 bánh có gắn động cơ dạng CKD, SKD trên địa bàn cả nước.

Sáng nay (21.5), giá vàng trong nước tiếp tục điều chỉnh giảm mạnh, đồng hành theo đà giảm của giá vàng thế giới.

YBĐT - Theo dự báo, nhiều đợt nắng nóng dữ dội kéo dài sẽ diễn ra trong mùa hè năm nay, cộng với việc ngành Điện đã bắt đầu thực hiện việc cắt điện luân phiên tại nhiều địa bàn trong tỉnh Yên Bái nhằm tiết kiệm điện, khiến người dân lo lắng. Ngay từ đầu hè, nhiều người dân đã phải tìm đến các cửa hàng điện máy để mua quạt tích điện, bóng đèn tích điện, đặc biệt là các máy kích điện nhỏ, mang lại sự sôi động hiếm thấy cho thị trường này trong thời gian gần đây.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục