Phân viên dúi sâu trên đất Mường Lò
- Cập nhật: Thứ sáu, 1/10/2010 | 2:09:57 PM
YBĐT - Dự án FDP hay còn gọi là Dự án phân viên nén dúi sâu được Hội Phụ nữ thị xã Nghĩa Lộ phối hợp với Trạm Khuyến nông thực hiện với mục đích giúp các hộ khó khăn về kinh tế tăng thu nhập thông qua áp dụng phân viên nén dúi sâu trong thâm canh lúa nước, dần hình thành một vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung tại Mường Lò.
Sử dụng phân viên dúi sâu cho năng xuất bình quân đạt 70 tạ/ha/vụ.
|
Sau 2 năm thực hiện Dự án FDP, có thể khẳng định kỹ thuật phân viên nén dúi sâu rất phù hợp với đa số diện tích đất của Nghĩa Lộ. Cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, hạn chế được sâu bệnh, cỏ dại. Có nhiều hộ từ khi áp dụng FDP không phải dùng đến thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ đã giúp giảm chi phí, bớt độc hại, tăng năng suất từ 15 - 20% so với dùng phân vãi thông thường.
Chị Hà Thị Tân, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ phường Pú Trạng cho biết: “Từ khi áp dụng kỹ thuật phân viên nén dúi sâu cho cây lúa, gia đình tôi đã không phải sử dụng thuốc trừ sâu, vừa giảm chi phí đầu tư lại tránh độc hại”. Một số hộ có năng suất vượt trội với lúa lai 838 đạt 110 -120 tạ/ha/vụ, đối với lúa thuần như Chiêm Hương đạt 76tạ/ha/vụ, lúa TL6 đạt 93 tạ/ha/ vụ. Vì vậy, số hộ sử dụng phân viên dúi sâu trong thâm canh lúa cũng liên tục tăng, đến vụ mùa 2010 đã có 2.300 hộ tham gia, với diện tích 262 ha, lớn hơn rất nhiều so với 308 hộ và 25,83 ha trong vụ đầu tiên.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Thủy, cán bộ Hội Phụ nữ thị xã, khi mới bắt đầu triển khai, FDP đã gặp phải muôn vàn khó khăn. Trước hết, Dự án được triển khai theo hướng "tiếp cận thị trường", khác hoàn toàn với các dự án trước đây. Nghĩa là, người dân phải tự đầu tư về giống, phân bón...chứ không được hỗ trợ. Và cũng chính sự khác biệt này đã dẫn đến sự dè dặt trong tâm lý tiếp nhận, tham gia của người dân. Đa số người dân chưa quen với cách mua phân bón trả trước.
Còn nhớ vụ xuân năm 2009, khi bắt đầu thực hiện Dự án, do giáp Tết nên người dân chú trọng mua sắm nhiều hơn là đầu tư. Trong quá trình thực hiện một số hộ dân vẫn chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật như: cấy quá dầy hoặc quá thưa, cấy mạ già dẫn đến đẻ nhánh kém chất lượng, phân bón là phân chuồng, phân lân chưa đủ, dúi sai kỹ thuật… gây ảnh hưởng đến hiệu quả của phân viên nén. Bên cạnh đó, phải kể đến sự thất thường của thời tiết, mưa nắng nóng kéo dài cũng làm ảnh hưởng đến năng suất cây lúa.
Những người thực hiện Dự án hiểu rằng, chỉ có cho người dân thấy được hiệu quả của phân viên dúi sâu, thấy được sự ưu việt của nó thì mới xóa bỏ được tâm lý dè dặt của họ. Do vậy ngay khi bắt tay vào thực hiện Dự án, Hội Phụ nữ và Trạm Khuyến nông đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, vận động sớm; tham mưu với UBND thị xã đưa kỹ thuật sử dụng phân viên nén vào kế hoạch sản xuất của từng vụ, giao chỉ tiêu cho từng địa phương. Để khuyến khích người dân tham gia, Hội Phụ nữ đã tham mưu với thị xã hỗ trợ giá thóc giống 760kg HYT 100 cho các hộ vụ đầu tham gia đến vụ thứ 2, Thị hội khuyến khích cho mỗi hộ nghèo tham gia được hỗ trợ 1.000đ/kg phân bón. Ngoài ra, nhiều lớp tập huấn, cuộc thi, hội thảo đầu bờ về phân viên nén dúi sâu đã được thực hiện. Chính vì vậy, kỹ thuật dúi phân nén của người dân ngày càng hoàn thiện và được nhiều người áp dụng.
Góp phần vào sự chuyển biến trong nhận thức của người dân với phân viên dúi không thể không nhắc đến vai trò của các cán bộ tuyên truyền dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Điển hình là chị Tân, ngay vụ xuân 2009 đã áp dụng kỹ thuật dúi phân nén trên cả 10 sào lúa của gia đình với các giống lúa lai như: 838, HYT 100, lúa thuần Chiêm Hương, nếp với mục đích vừa khảo nghiệm, vừa tuyên truyền cho hội viên. Chị Tân cho biết: “Kết quả vụ đầu tiên các giống lúa sử dụng phân viên nén đều cho năng suất cao. Lúa lai 838 đạt 85 tạ/ha, chiêm hương, lúa nếp đạt 71 tạ/ha”.
Cũng từ hiệu quả đó, diện tích và số hộ áp dụng phân viên nén dúi sâu ngày càng nhiều. Nếu như ở vụ xuân 2009, mới chỉ có 84 hộ tham gia, với diện tích là 6,94 ha thì bước sang vụ mùa đã có 217 hộ tham gia với diện tích 20,2 ha và đến vụ xuân 2010 diện tích đã được mở rộng lên 34,2 ha với 294 hộ tham gia. Đặc biệt, ở vụ mùa năm nay, số hộ tham gia sử dụng phân viên dúi sâu trong thâm canh lúa đã tăng lên 342/540 hộ, chiếm 63,3% số hộ.
Được biết, để giúp bà con có phân bón kịp thời, chị Tân đã đứng ra nhận phân phối trả chậm cho toàn bộ 1.554 phân viên và 1.000 kg phân lân. Chị Tân vui mừng cho biết: “Hiện nay đã có nhiều hộ dần quen với việc mua phân trả trước. Vụ xuân 2010, có 44 hộ mua trả tiền ngay và có thêm 2 hộ đứng ra cung ứng phân nên hiện gia đình chỉ cung ứng trả chậm khoảng 5.600 kg”.
Thông qua FDP, có lẽ mỗi người dân đã thực sự trở thành nhà đầu tư trên mảnh ruộng của mình. Họ phải tự đầu tư phân bón, giống, nhân công và tính toán sao cho đạt năng suất cao nhất. Qua đó, mỗi người cũng từng bước tiếp cận dần với môi trường sản xuất hàng hoá.
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Nhờ tích cực tìm kiếm việc làm cho công nhân lao động, trong 9 tháng năm 2010, Công ty cổ phần Xây dựng và Kinh doanh nhà Yên Bái đã thực hiện đạt giá trị xây lắp trên 33,6 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch năm và tăng 34% so với cùng kỳ năm trước.
Ngày 30-9, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 9-2010. Chiều cùng ngày, Văn phòng Chính phủ (VPCP) đã tổ chức họp báo tại Hà Nội.
Cá tra Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ lấy Philippines làn căn cứ đánh thuế.
YBĐT - Tính đến hết tháng 8/2010, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã thu được 28,2 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước (đạt 93% kế hoạch được giao và 84% kế hoạch phấn đấu).