Yên Bái: Cây ngô tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/10/2010 | 2:38:10 PM

YBĐT - Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVI nhiệm kỳ 2005 - 2010, nhằm tăng năng suất, hiệu quả trên một diện tích canh tác nên phong trào chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở Yên Bái đã có bước chuyển dịch mạnh mẽ.

Nông dân Suối Giàng (Văn Chấn) chăm sóc ngô.
(Ảnh: Thanh Miền)
Nông dân Suối Giàng (Văn Chấn) chăm sóc ngô. (Ảnh: Thanh Miền)

Những loại cây truyền thống và cũng là thế mạnh của địa phương như: ngô, đậu tương, lạc, khoai tây... được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung. Trong đó, đến đầu năm 2009, cây ngô được xây dựng thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tuy thời gian chưa dài, nhưng qua thực tế bước đầu cây ngô đã có những kết quả khả quan.

Từ khi được đưa vào thử nghiệm mô hình trồng ngô vụ đông năm 1997 tại xã Hạnh Sơn, huyện Văn Chấn, đến nay, cây ngô đã được người nông dân trong toàn tỉnh chấp nhận và coi là cây xóa đói nghèo hiệu quả. Các địa phương đã tập trung chỉ đạo tốt việc quy hoạch mở rộng diện tích trồng ngô. Nhờ đó, cây ngô không chỉ phát triển mạnh ở những vùng đất đai bằng phẳng, giao thông thuận tiện mà đã được đưa lên trồng ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong toàn tỉnh. Cây ngô đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần giảm mạnh diện tích lúa nương và tăng hiệu quả sử dụng đất.

Nhiều mô hình thâm canh tăng năng suất đã được triển khai và nhân rộng với năng suất trung bình 2,6 tấn/ha, có nơi đạt 4 - 5 tấn/ha. Mặc dù mức đầu tư thâm canh còn thấp, song phù hợp với năng lực đầu tư của người dân. Hiệu quả kinh tế từ sản xuất cây ngô đã đóng góp một phần không nhỏ trong sự phát triển kinh tế – xã hội, có ý nghĩa quyết định đến tốc độ phát triển chăn nuôi tại các địa phương.

Có thể nói, từ việc đưa giống mới, áp dụng các quy trình kỹ thuật tiên tiến đã làm cho sản lượng và chất lượng ngô hàng hóa ngày càng tăng. Đến nay, tỉnh Yên Bái có trên 22 ngàn ha ngô, trong đó riêng diện tích ngô hàng hóa là 6.000 ha; gần 100% diện tích gieo trồng bằng các giống ngô lai, năng suất bình quân đạt xấp xỉ 3 tấn/ha và sản lượng đạt khoảng 27 nghìn tấn. Cùng với tăng nhanh về sản lượng ngô hàng năm, khâu chế biến, bảo quản ngô cũng được hình thành. Các cơ sở chế biến của tư nhân rộng khắp, tạo ra thị trường ngô ngày càng sôi động.

Phát triển mạnh về diện tích và năng suất cây ngô phải kể đến huyện Văn Chấn. Ở Văn Chấn diện tích ngô cả năm chiếm 25% diện tích ngô toàn tỉnh (4.200 ha). Người nông dân đã quen dần với cách thức sản xuất theo hướng hàng hoá. Đồng chí Lò Pạu - Chủ tịch UBND xã Gia Hội cho biết: “Ở Gia Hội có nhiều hộ dân trồng ngô trên 10 ha, thu nhập hàng chục triệu đồng. Người nông dân đã biết cách sơ chế để bảo quản ngô chờ được giá mới bán. Hiện nay, các gia đình trồng nhiều ngô thường bán cho các nhà máy chế biến thức ăn gia súc từ các tỉnh đồng bằng, giá cả rất ổn định”. Bên cạnh phát triển cây ngô ở các huyện vùng thấp, Yên Bái còn đặc biệt quan tâm phát triển cây ngô ở vùng cao.

Phương châm chuyển đổi một phần diện tích lúa nương kém hiệu quả sang trồng ngô đã đem lại kết quả tích cực cho đồng bào các dân tộc vùng cao. Nổi bật hơn cả là ở Trạm Tấu, có những cuộc họp Hội đồng nhân dân huyện, đại biểu các xã đã tranh luận gay gắt vì cho rằng cây ngô không phù hợp. Kỳ họp tháng 6 năm 2008, nhiều chủ tịch xã đã khẳng định không trồng được ngô ở xã mình nên không chỉ đạo trồng. Tuy nhiên, khi ngành nông nghiệp chắc chắn hoàn toàn có thể trồng được ngô trên đất Trạm Tấu thì Ban thường vụ Huyện ủy đã quyết tâm thực hiện.

Đầu nhiệm kỳ, cây ngô trên đất nương của toàn huyện chỉ thực hiện được 618 ha thì năm 2010, diện tích ngô đã tăng lên 2.000 ha, trong đó ngô hè thu 700 ha, diện tích lúa nương từ 1.700 ha nay giảm chỉ còn 1.200 ha. Qua vài vụ sản xuất kết quả cho thấy, cây ngô sinh trưởng tốt, năng suất đạt trên 2,8 tấn/ha, hiệu quả từ trồng ngô cũng cao hơn gấp 3 lần trồng lúa nương. Tiên phong đi đầu trong phong trào trồng ngô của huyện vùng cao Trạm Tấu lại chính là xã đặc biệt khó khăn Tà Xi Láng.

Tới năm 2015, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp & PTNT cả nước sẽ cần 5 triệu tấn ngô hạt làm thức ăn chăn nuôi. Còn trong tỉnh, theo ngành nông nghiệp, đến năm 2015 nhu cầu của các nông hộ cần 15 nghìn tấn ngô làm thức ăn chăn nuôi, chiếm khoảng 25% tổng sản lượng sản xuất tại địa phương, còn lại 75% sản lượng là hàng hóa.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Hà - Bí thư Đảng ủy xã Tà Xi Láng cho biết: "Vụ hè thu năm 2010, toàn xã trồng 220 ha ngô, riêng thôn Làng Mảnh trồng 100 ha. Trong thôn có nhiều hộ trồng trên 2 ha, có hộ trồng tới 5 ha, mỗi năm cho thu nhập trên 40 triệu đồng. Cây ngô đang là cây trồng thế mạnh của xã, đặc biệt phù hợp để thay thế diện tích lúa nương kém hiệu quả".

Tiềm năng mở rộng diện tích ngô của Yên Bái còn rất lớn, tuy nhiên việc mở rộng diện tích ngô có nguy cơ ảnh hưởng đến việc bảo vệ rừng do một số xã vùng cao người dân đã tự ý phát nương vào khu vực rừng phòng hộ. Đây là vấn đề rất cần được các địa phương quan tâm. Qua thực tế cho cho thấy, việc sản xuất ngô giống, thử nghiệm và chọn một bộ giống ngô phù hợp với điều kiện từng vùng là cần thiết.

Bà Vũ Thị Lưu - Trưởng phòng Trồng trọt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Hiện nay, ở vùng thấp cơ bản đã lựa chọn được bộ giống thích hợp, năng suất đạt khá như các giống: LVN 10, C919, NK 4.300, B06, nhưng ở vùng cao vẫn chưa có được một bộ giống mang lại hiệu quả cao nhất. Đi đôi với mở rộng diện tích, việc nâng cao năng suất là vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay. Một thực tế là năng suất ngô của tỉnh hiện còn thấp, bình quân chỉ đạt 2,6 tấn/ha, trong khi tỉnh Sơn La từ nhiều năm trước năng suất đã đạt 4 - 5 tấn/ha.

Sản phẩm ngô hạt đang có một thị trường rộng lớn đầy tiềm năng. Trong những năm qua cây ngô đã khẳng định là loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Đẩy mạnh việc thâm canh tăng năng suất, tăng sản lượng, chất lượng ngô hàng hóa; quan tâm đặc biệt quy hoạch phát triển sản xuất ngô giống sẽ tạo bước đột phá mới trong chiến lược phát triển cây lợi thế, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Anh Dũng

Các tin khác
Mô hình chăn nuôi lợn nái và lợn thịt của gia đình chị Vương Thị Yên hội viên Câu lạc bộ “Khoa học kỹ thuật nhà nông” mỗi năm cho thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm.

YBDDT - Xã Tân Thịnh (thành phố Yên Bái) có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hoá, song thế mạnh này nhiều năm qua lại chưa được phát huy hiệu quả do trình độ và phương thức sản xuất nông nghiệp của người dân còn nhiều hạn chế.

Các doanh nghiệp sẽ được lựa chọn làm đầu mối xuất khẩu sang thị trường châu Phi và sẽ có cơ chế riêng hỗ trợ. Nội dung này vừa được Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên phê duyệt trong đề án “Phát huy khả năng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tổng hợp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Phi”.

Giá kim loại quý đã hạ nhiệt theo đà giảm của thế giới, mất 60.000 đồng cả chiều mua lẫn bán.

Được mùa.
Ảnh: Sùng A hồng

YBĐT - Sản xuất vụ đông năm 2009, huyện Lục Yên đã đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch cả về diện tích, năng suất, sản lượng và giá trị thu được trên đơn vị diện tích. Là năm có diện tích cây vụ đông đạt cao nhất từ trước tới nay, toàn huyện gieo trồng gần 2.200 ha cây vụ đông, bằng 110% kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục