Công nghiệp Nghĩa Lộ đối diện nhiều khó khăn
- Cập nhật: Thứ tư, 24/11/2010 | 3:10:15 PM
YBĐT - Bước sang năm 2010, theo kế hoạch thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) phấn đấu nâng con số này lên 54 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm giữa tháng 11, giá trị sản xuất công nghiệp mới chỉ đạt 40 tỷ đồng, bằng 74,1% và dự ước cả năm cũng chỉ đạt 46 - 48 tỷ đồng.
Giám đốc Nguyễn Văn Tuyền đang giới thiệu về dây chuyền sản xuất nước tinh khiết.
|
Năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp của thị xã Nghĩa Lộ chỉ đạt 42 tỷ đồng, bằng 87,5% kế hoạch năm. Bước sang năm 2010, theo kế hoạch thị xã phấn đấu nâng con số này lên 54 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm giữa tháng 11, giá trị sản xuất công nghiệp mới chỉ đạt 40 tỷ đồng, bằng 74,1% và dự ước cả năm cũng chỉ đạt 46 - 48 tỷ đồng. Như vậy có thể thấy việc phát triển công nghiệp ở Nghĩa Lộ đang đối diện với nhiều khó khăn.
Theo đánh giá của Phòng Kinh tế thị xã, từ đầu năm đến nay một số sản phẩm có mức tăng trưởng khá, tập trung chủ yếu ở một số ngành như: sản xuất gia công cơ khí, chế biến nông lâm sản, chế biến lương thực - thực phẩm, đồ uống… Như vậy có thể thấy rõ một thực tế là các sản phẩm có mức tăng trưởng khá đều thuộc lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp còn các ngành công nghiệp phát triển ở mức độ thấp. Hiện nay trên địa bàn thị xã, chỉ có 3 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp.
Đó là Công ty TNHH Minh Quang sản xuất bột sắn, với vốn kinh doanh 32 tỷ đồng; Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Nghĩa Lộ sản xuất gạch tuynel có tổng vốn điều lệ 11,5 tỷ đồng và Công ty TNHH Cấp thoát nước Nghĩa Lộ, vốn điều lệ 13 tỷ 055 triệu đồng. Lý giải cho thực trạng trên, ông Vũ Văn Chung, chuyên viên Phòng Kinh tế, người đã có thâm niên gần 20 năm phụ trách trong lĩnh vực công nghiệp cho biết: Hiện nay, quỹ đất dành cho việc phát triển công nghiệp rất hạn chế.
Với một địa bàn chỉ vẻn vẹn gần 30 km2 nhưng lại có tới 27.500 người dân sinh sống trên 7 xã, phường cùng với những diện tích dành cho nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại hình sản xuất kinh doanh khác thì quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp gần như là cạn kiệt. Đơn cử như diện tích mặt bằng sản xuất của 3 công ty: Công ty TNHH Minh Quang sản xuất bột sắn, Công ty TNHH Cấp thoát nước Nghĩa Lộ và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Nghĩa Lộ sản xuất gạch tuynel cũng chỉ gói gọn trong gần 10 ha.
Thêm vào đó, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế và tình hình lạm phát nên các doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn, một số thời điểm lãi suất vốn vay tăng cao nên ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Cái khó trong phát triển công nghiệp ở thị xã còn phải kể đến tài nguyên khoáng sản hầu như cũng không có. Những khó khăn này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc bố trí mặt bằng cho sản xuất của các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, khó thu hút đầu tư, liên doanh, liên kết với các đơn vị trong và ngoài tỉnh.
Khó khăn chung là vậy, nhưng trong mỗi doanh nghiệp lại gặp những vướng mắc riêng. Công ty TNHH Cấp thoát nước Nghĩa Lộ là công ty THNN Nhà nước một thành viên 100% vốn Nhà nước được thành lập từ năm 2006, hoạt động đến nay khá ổn định, cũng không tránh khỏi những khó khăn. Giám đốc Nguyễn Văn Tuyền cho biết: “Hiện nay Công ty cung cấp nước sạch cho gần hết toàn bộ 7 xã, phường nên việc quản lý, kiểm tra, sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, do các chi phí đầu vào của sản xuất tăng nhưng giá nước bán ra lại không thay đổi nên doanh nghiệp gần như không có lãi để mở rộng sản xuất kinh doanh”.
Tại Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Nghĩa Lộ cũng vậy. Công ty được thành lập năm 2009 với chức năng chính là sản xuất gạch tuynel đến nay đã tạo việc làm thường xuyên cho trên 30 lao động địa phương với mức thu nhập ổn đinh từ 1,7-2 triệu đồng/người/tháng.
Tuy nhiên theo ông Lê Duy Thọ, Giám đốc Công ty, đa phần lao động là người địa phương, trình độ tay nghề và học vấn còn hạn chế đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả công việc và việc thực hiện các chế độ bảo hộ lao động, bảo hiểm cho công nhân. Hơn nữa, do đặc thù là sản xuất gạch xây dựng nên hoạt động sản xuất phụ thuộc vào từng thời điểm, nhất là vào mùa mưa sản phẩm tiêu thụ được rất ít nhưng Công ty vẫn phải duy trì sản xuất.
Cùng chung khó khăn với 2 doanh nghiệp trên, Công ty TNHH Minh Quang sản xuất tinh bột sắn cũng nằm trong tình trạng ngừng sản xuất trong một thời gian do hệ thống xử lý chất thải không đảm bảo, hiện đang trong giai đoạn vận hành thử sau khi đã xây dựng, đầu tư một hệ thống xử lý chất thải với công nghệ hiện đại.
Trao đổi với bà Lê Thị Kim Hoa, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã, chúng tôi được biết, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp thị xã phát triển, mở rộng thu hút đầu tư, liên doanh liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, UBND thị xã Nghĩa Lộ đã xây dựng Dự án đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp tại phường Pú Trạng với diện tích gần 21 ha. Đến nay, Dự án đang trong quá trình phê duyệt và sửa đổi, bổ sung một số hạng mục cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Hiện đã có 10 đơn vị cơ sở đăng ký với diện tích 13 ha tập trung vào một số ngành như: gia công cơ khí, chế biến nông lâm sản, dệt may…
Hùng Cường
Các tin khác
YBĐT - Văn Chấn là huyện rộng, có diện tích rừng lớn với nhiều loại gỗ quý hiếm, lại là huyện "cửa ngõ" và cũng là nơi trung chuyển lâm sản từ các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao của huyện Văn Yên đổ về. Do vậy, tình trạng khai thác, chặt phá, buôn bán, vận chuyển lâm sản trái phép luôn được coi là "điểm nóng" so với các huyện, thị khác.
YBĐT - Do trình độ dân trí hạn chế, tập quán canh tác còn lạc hậu, điều kiện sản xuất vùng cao khắc nhiệt nên những năm qua, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Công tác tuyên truyền tiết kiệm điện (TKĐ) ở ta gần như chỉ được chú trọng vào những thời kỳ thiếu điện. Mà theo lẽ thông thường, khi thiếu điện, giải pháp hữu hiệu nhất là cắt giảm tải để bảo vệ hệ thống. Vì vậy, việc tuyên truyền vào những thời điểm này dễ làm người dân hiểu rằng, nếu cần tiết kiệm ngành điện cứ việc cắt điện theo… lịch luân phiên.
Trong vài tháng gần đây, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đã tăng giá một cách đột ngột, trong đó thị trường hút nhiều hàng nhất chính là Trung Quốc.