Phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa: Hướng đột phá ở Văn Chấn
- Cập nhật: Thứ năm, 24/2/2011 | 3:11:48 PM
YBĐT - Mục tiêu chính mà huyện Văn Chấn đề ra là phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp.
Vùng cây ăn quả của Văn Chấn đã đem lại nguồn thu cho nhân dân. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)
|
Tuy nhiên, với một huyện có truyền thống sản xuất nông, lâm nghiệp, Văn Chấn đang chỉ đạo tập trung đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa làm nền tảng phát triển nông nghiệp và nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.
Là một trong những địa phương đi đầu trong mọi phong trào phát triển nông, lâm nghiệp ở Văn Chấn, năm 2009 - 2010, Ban thường vụ Huyện ủy đã chọn thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ làm điểm mở đầu cho kế hoạch dồn điền, đổi thửa ở các xã thuộc cánh đồng Mường Lò. Với mục tiêu giảm độ chênh mặt ruộng và quy hoạch diện tích sản xuất tập trung cho từng hộ gia đình. Năm 2010, thị trấn đã hoàn thành viện dồn điền đổi thửa, chuyển hai cánh đồng 17 ha với 247 thửa ruộng, thành cánh đồng còn 174 thửa, thuận lợi cho việc đưa thiết bị máy móc vào sản xuất và tiết kiệm được hơn 1.000 m2 đất canh tác.
Song song với công tác dồn điền đổi thửa, thị trấn đã vận động bà con đưa toàn bộ diện tích vào gieo cấy lúa chiêm hương hàng hóa, đồng thời phối hợp với các nhà khoa học thử nghiệm sản xuất 5 ha lúa giống. Nhờ đẩy mạnh cơ giới hóa, đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa đã đạt 14 tấn/ha, riêng năng suất lúa giống đạt 6,5 tấn/ha. Giá trị kinh tế mỗi ha trung bình đạt trên 100 triệu đồng, cao hơn so với giống lúa lai ở các địa phương khác từ 35 - 37 triệu đồng/ha.
Ông Vũ Đăng Lư, tổ trưởng tổ dân phố 3B, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ cho biết: “So sánh giữa sản xuất lúa giống và sản xuất lúa thịt thì chúng tôi có 3 cái lợi: thứ nhất là lợi nhuận về mặt kinh tế, thứ hai là người dân địa phương chủ động được giống, thời vụ và thứ 3 là chúng tôi rút ngắn được thời vụ sản xuất để làm vụ ba”.
Là huyện có điều kiện thuận lợi về phát triển nông, lâm nghiệp, trước năm 2009, tỷ trọng nông, lâm nghiệp của Văn Chấn luôn dẫn đầu trong cơ cấu kinh tế của huyện. Thực hiện mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, những năm gần đây huyện Văn Chấn đã chú trọng nâng cao chất lượng các sản phẩm nông, lâm nghiệp, xây dựng các vùng nguyên liệu có chất lượng cao phục vụ sản xuất công nghiệp.
Hiện nay toàn huyện có trên 4.000 ha lúa nước, trên 4.100 ha chè kinh doanh, trên 1.100 ha cây ăn quả và hơn 64.000 ha rừng. Để đạt được năng suất chất lượng ngày càng cao, hàng năm ngoài các chương trình phát triển nông, lâm nghiệp, huyện còn chủ động phối hợp với các nhà khoa học, nghiên cứu, khảo nghiệm lựa chọn ra bộ giống tối ưu phục vụ cho sản xuất.
Trong 5 năm gần đây đã có trên 1.400 ha diện tích chè chất lượng cao được trồng mới và trồng cải tạo, trên 150 ha cam, quýt được trồng bằng những giống cam mới chất lượng cao. Nhiều giống cây trồng mới được đưa vào trồng thử nghiệm đã và đang cho hiệu quả kinh tế cao như chè Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, cam đường canh, cam V2, khoai tây Atlantic...
Hiệu quả thực tiễn từ các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học kỹ thuật, cây, con giống mới là tiền đề để chính quyền các địa phương đưa ra giải pháp vận động nhân dân ứng dụng các tiến bộ vào sản xuất, nâng cao chất lượng hiệu quả mỗi sản phẩm nông, lâm nghiệp. Cùng với lĩnh vực trồng trọt, công tác chăn nuôi cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Bên cạnh chương trình bảo vệ và tăng đàn gia súc, trong năm 2010, huyện Văn Chấn đã chú trọng các giống vật nuôi đặc sản như: nhím, ba ba, đà điểu...
Trong năm 2010, thông qua chương trình hỗ trợ chăn nuôi thủy đặc sản, huyện Văn Chấn đã có 29 hộ gia đình được hỗ trợ xây dựng mới mô hình thả ba ba. Đến nay, toàn huyện đã có 19 xã, thị trấn có mô hình nuôi ba ba, nhím, tiêu biểu như thị trấn Nông trường Trần Phú, xã Cát Thịnh, giá trị thu nhập từ ba ba và nhím đạt trên 10 tỷ đồng. Một trong những bước đột phá trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp năm 2010 là việc triển khai, thực hiện kế hoạch trồng 15 nghìn ha cây cao su của tỉnh Yên Bái. Đây là loại cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao, được huyện và nhân dân Văn Chấn hết sức quan tâm.
Để triển khai dự án, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đến nhân dân, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào triển khai dự án. Mặc dù thời gian triển khai ngắn, nhưng với quyết tâm cao, huyện Văn Chấn đã hoàn thành việc trồng 220 ha cao su trước mùa khô năm 2010.
Thực tế cho thấy, nông, lâm nghiệp là lĩnh vực luôn chịu nhiều rủi ro bởi biến động của thời tiết và giá cả thị trường. Tuy nhiên với truyền thống sản xuất, nhân dân Văn Chấn luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất nông nghiệp hàng năm. Kết quả đó đã khẳng định những chính sách và hướng đi đúng đắn trong sản xuất nông, lâm nghiệp của huyện. Tiếp tục mục tiêu nâng cao chất lượng, dần đưa các sản phẩm nông sản, lâm sản chủ yếu của huyện thành hàng hóa chất lượng cao.
Trong năm 2011, ngoài các chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp của Nhà nước, HĐND huyện đã phê duyệt 4 đề án hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp để hỗ trợ phát triển giống khoai tây, giống lúa tại chỗ, thực hiện ươm trồng, mở rộng các diện tích chè Shan theo phương pháp giâm cành và sản xuất giống cây rừng tại chỗ đáp ứng yêu cầu về thời vụ và chất lượng giống cho nhân dân trên địa bàn huyện sản xuất.
Ông Nguyễn Hợp Đoàn - Phó chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết: “Thực hiện chủ trương về phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa, tranh thủ các chương trình, dự án, huyện Văn Chấn đã phối hợp với các viện khoa học để nghiên cứu, chọn tạo những giống cây trồng, vật nuôi đặc sản, có chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường. Ngoài các đề án hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, huyện cũng đang xúc tiến xây dựng trung tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật tại huyện, để sản xuất các cây, con giống chất lượng phục vụ sản xuất của nhân dân và phổ biến khoa học, kỹ thuật cho nhân dân các huyện, thị phía tây của tỉnh”.
Có thể nói, sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa là hướng đi quan trọng và cần thiết trong sản xuất hiện nay. Với một huyện có trên 80% dân số làm nông, lâm nghiệp thì việc nâng cao chất lượng hàng hóa sẽ tạo ra bước đột phá trong nông nghiệp, vừa nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi vừa giải phóng sức lao động và tăng hiệu quả sản xuất trên diện tích canh tác.
Thực hiện tốt công tác này sẽ góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ 19 đề ra với tổng sản lượng lương thực đến năm 2015 đạt trên 60 nghìn tấn, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 15 triệu đồng/người/năm.
Văn Trường - Trần Van
Các tin khác
YBĐT - Hiện nay, xã có 4 công ty đang hoạt động sản xuất và khai thác thăm dò đá hoa trắng với mức vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng. Điều này hứa hẹn, Liễu Đô sẽ trở thành một khu công nghiệp tiềm năng của huyện.
Dù giá vàng thế giới tiếp tục tăng mạnh, nhưng giá vàng trong nước sáng 24 - 2, vẫn ổn định, thậm chí giảm nhẹ so với giá đóng cửa hôm 23/2.
Bộ Tài chính sáng 24/2 quyết định cho phép doanh nghiệp được tăng giá bán mỗi lít xăng từ 16.400 đồng lên 19.300 đồng, vượt cả kỷ lục năm 2008. Một số người biết tin sớm đang kéo đến các cây xăng để mua.
YBĐT - Trước diễn biến phức tạp của dịch lở mồm long móng (LMLM) khi mà số địa phương có dịch và gia súc mắc dịch đang tăng lên từng ngày, UBND tỉnh đã có Quyết định chính thức công bố dịch LMLM gia súc trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái từ ngày 14/2.