Mù Cang Chải: Chỉ đạo quyết liệt sản xuất vụ đông xuân

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/2/2011 | 9:26:29 AM

YBĐT - Đợt rét đậm, rét hại và dịch lở mồm long móng kéo dài đã làm công tác triển khai sản xuất vụ đông xuân 2010 - 2011 của huyện vùng cao Mù Cang Chải gặp rất nhiều khó khăn.

Vào vụ cấy. (Ảnh: Thu Trang)
Vào vụ cấy. (Ảnh: Thu Trang)

Hiện nay, các cấp, các ngành trong huyện đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, với mục tiêu phấn đấu hoàn các chỉ tiêu sản xuất vụ đông xuân (gieo trồng 2.270 ha các loại).

Đến xã Chế Cu Nha - một trong những xã gần trung tâm huyện, giao thông đi lại thuận tiện, công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng cũng được coi là nhanh nhất, vậy mà đồng đất vẫn khô, nhân dân không hăng say, tấp nập sản xuất vụ xuân như những năm trước, thậm chí một số hộ vẫn bình chân chưa chịu ủ giống để gieo mạ. Anh Hờ A Ký - bản Dề Thàng tâm sự: “Trời rét thế này, cây mạ được che chắn mà còn không lên nổi huống chi là cây lúa. Cấy khó mà được ăn!” .

Còn anh Hờ A Dủ - bản Dề Thàng thì lấy lý do: “Tôi đã nhận được 10 kg giống hỗ trợ của Nhà nước để gieo  cấy 1.000 m2 vụ xuân này nhưng con trâu nhà tôi đã bị dịch lở mồm, long móng. Hiện tại nó đang bị nhốt để chữa bệnh không có trâu cày ruộng nên tôi không gieo cấy lúa vụ đông xuân”.

- Thế anh không mượn được trâu của anh em họ hàng à? Tôi hỏi.

 Trâu nhà anh em tôi cũng bị dịch bệnh và bị chết rét hết rồi.

- Tự cuốc bằng tay vậy?

Anh Dủ thản nhiên:

- Trời rét quá không làm được!

 Thiết nghĩ, những khó khăn này vẫn có thể khắc phục được nếu người dân thực sự muốn làm vụ đông xuân bởi vì không phải tất cả đàn trâu, bò của xã bị ốm hoặc bị chết rét và thời tiết hiện nay đang ấm áp, thuận lợi cho cây trồng phát triển.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải, xã Chế Cu Nha mới chỉ có 16 con gia súc bị mắc bệnh lở mồm long móng, 60 con trâu, bò bị chết rét. Những lý do trên chỉ là để biện minh cho bệnh lười lao động của một số nông dân trong xã. Không chỉ riêng những người chúng tôi được gặp gỡ có tư tưởng ỉ lại, trông chờ mà trên địa bàn xã Chế Cu Nha còn rất nhiều hộ thuộc diện đói nghèo nhưng vẫn có có tư tưởng “Nếu trời ấm ấp thì làm, còn rét thì thôi” như các hộ gia đình: Lý A Sàng, Hờ A Páo, Hờ A Khua, Lý Gà Lù, Giàng Thị Máy - bản Chế Cu Nha, Hờ Cháng Dê ở bản Chống Tông.

Anh Sùng A Chinh - cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện được tăng cường giúp xã trong đợt rét đậm, rét hại cho biết về những khó khăn gặp phải: “Nếu nhiệt độ thời tiết không xuống thấp quá như vậy thì người dân cũng rất thích làm đông xuân. Trời lạnh đã làm cho những người vốn đã lười lao động lại càng có lý do để không sản xuất. Chúng tôi đã đến tận nơi hướng dẫn kỹ thuật, thậm chí còn giúp mà họ vẫn không chịu làm...”.

Anh Giàng A Của - Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha nói trong lo lắng: “Thời gian qua, do rét đậm, rét hại cộng với dịch bệnh lở mồm long móng khiến việc triển khai sản xuất vụ đông xuân trên địa bàn xã vô cùng khó khăn. Một số hộ dân lười lao động đã lấy lý do là thời tiết không ủng hộ nên đã không gieo cấy vụ đông xuân. Chính vì vậy mà đến thời điểm trung tuần tháng 2/2011, Chế Cu Nha vẫn còn 698 kg (trong tổng số 2.450 kg giống lúa được Nhà nước cấp đợt I) chưa được ngâm ủ, gieo mạ...”.

 

Mù Cang Chải phấn đấu hoàn thành gieo cấy 860 ha lúa đông xuân trong tháng 2. (Ảnh: Thái Hoàng)

Cả xã Chế Cu Nha mới chỉ gieo cấy 35 ha mà đã gặp muôn vàn khó khăn như thế thì những xã có diện tích cấy nhiều như: Nậm Có (200ha), Cao Phạ (180ha), Lao Chải (115 ha), Khao Mang (120 ha) khó khăn sẽ còn nhiều hơn gấp bội. Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn đến thời điểm hiện nay trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đã có 1.023 con gia súc bị chết do rét và 5 xã trong huyện đang có dịch lở mồm long móng trên đàn gia súc, với 452 con gia súc bị mắc bệnh (trong đó 38 con đã chết và được tiêu huỷ).

Trước những khó khăn đó, Huyện ủy Mù Cang Chải đã có công văn chỉ đạo tăng cường công tác chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân, trước mắt đáp ứng cho bà con nông dân về giống, phân bón và vật tư. Qua đó giao cho các đồng chí ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ huyện, lãnh đạo các cơ quan đỡ đầu xã trực tiếp xuống chỉ đạo ở cơ sở các xã, thị trấn; chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cung ứng đủ 40.000 kg giống lúa thuần (Khang Dân đột biến và HT1), 13.800 kg giống lúa lai (Nhị Ưu 838, P404) và 1.100 kg nilon che mạ cho 12/14 xã, thị trấn có diện tích cấy lúa đông xuân xong trước ngày 19/12/2010.

Đồng thời, thông báo khung lịch thời vụ, hướng dẫn nhân dân kỹ thuật gieo cấy lúa tập trung vào 2 trà chính: trước tết Mông (tức 25 đến 30/12/2010) tại các xã khu II, khu III, khu IV và các xã còn lại gieo cấy sau tết Mông (từ ngày 10 đến 20/1/2010).

Tuy nhiên trong quá trình chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân trên địa bàn đã gặp một số khó khăn làm chậm tiến độ sản xuất vụ đông xuân. Đồng chí Nguyễn Thành Nho - Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cho biết: “Do điều kiện nhiệt độ liên tục xuống thấp, thời gian rét đậm kéo dài đã làm chậm tiến độ gieo mạ và gây ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của cây lúa.

Qua kiểm tra sau đợt rét đậm từ 6 tháng 1 đến 2 tháng 2.2011, toàn huyện đã có 42% diện tích mạ bị chết rét, tương đương với diện tích lúa cấy 230 ha. Để đảm bảo đủ mạ sản xuất vụ đông xuân, đầu tháng 2/2011, Phòng đã khẩn trương bổ sung 6.915 kg giống lúa Nhị Ưu 838 và cứ mỗi xã cử một cán bộ kỹ thuật trực tiếp phụ trách hướng dẫn làm mạ bổ sung để cấy hết diện tích lúa theo kế hoạch…”.

Đến trung tuần tháng 2/2011 toàn huyện đã cấy được  35% diện tích lúa trà sớm và gieo được 80% lượng giống. Các đơn vị chỉ đạo làm tốt vụ đông xuân như: thị trấn Mù Cang Chải đã cấy được 100% diện tích lúa (22ha), xã Khao Mang cấy được 80% diện tích trong tổng số 120ha và xã Nậm Khắt cấy được 60% trong tổng số 45ha.

Để hoàn thành kế hoạch gieo cấy 860 ha lúa, 1.100 ha ngô, 210 ha đậu tương, 100 ha lạc vụ đông xuân năm nay, huyện đã có các giải pháp chỉ đạo quyết liệt, đồng chí Hoàng Văn Thông - Phó chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: “Thời gian tới cùng với việc chăm sóc tốt diện tích mạ đã gieo, huyện đã cấp thêm giống bổ sung để đảm bảo đủ mạ gieo cấy hết diện tích lúa đông xuân. Ngoài ra, huyện còn tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc việc sản xuất vụ đông xuân đến tận thôn bản, từng hộ dân.

 Đối với các hộ chây ỳ, lười lao động sẽ bị thu lại giống hỗ trợ của Nhà nước và cấp ngay cho các hộ tích cực sản xuất. Với những hộ muốn làm vụ xuân nhưng lại không có trâu bò để cày kéo, huyện chỉ đạo các xã vận động các hộ khác hỗ trợ trâu bò, hoặc dùng máy cày để khẩn trương cày ruộng, làm đất, đồng thời, cử cán bộ kỹ thuật hướng dẫn gieo mạ trên nền đất cứng, sau 10 ngày sẽ đưa mạ xuống đồng để gieo cấy”.

Đến ngày 15/2/2011, huyện đã chỉ đạo nhân dân gieo hết lượng giống được cấp; phấn đấu hoàn thành 860 ha lúa đông xuân vào cuối tháng 2/2011 để kịp thời vụ, đồng thời, cấp phát giống, vật tư đúng thời vụ để nhân dân gieo trồng hết diện tích ngô, đậu tương và lạc vụ đông xuân theo kế hoạch đề ra. Đến trung tuần tháng 3 huyện sẽ gieo trồng hết diện tích cây vụ đông xuân năm 2010 - 2011.

Với việc chỉ đạo sát sao, quyết liệt của huyện, sự chủ động vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền các xã, thị trấn và của các cấp, các ngành, tin rằng huyện Mù Cang Chải sẽ vượt qua được khó khăn hoàn thành thắng lợi sản xuất vụ đông xuân năm nay.

Thanh Xuân

Các tin khác
Hạ tăng trưởng tín dụng được xem như là một trong những giải pháp kiềm chế lạm phát.

Ngày 24/2 Chính phủ chính thức ban hành Nghị quyết số 11 về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

Ảnh minh họa

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, ngày 25-2 sẽ trình Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) phương án điều chỉnh giá vé ngồi cứng tàu Thống Nhất. Theo đó, mức giá cước mới vé ngồi cứng tàu khách Thống Nhất sẽ tăng 5% và có thể áp dụng từ ngày 1-4.

Dự án đã góp phần nâng độ che phủ của rừng từ 34% năm 1998 lên 53% năm 2010.

YBĐT - Thực hiện dự án 5 triệu ha rừng, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã chủ động trong công tác quy hoạch, thiết kế các hạng mục trồng rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh, chăm sóc rừng trồngvà bảo vệ tốt vốn rừng hiện có.

Vùng cây ăn quả của Văn Chấn đã đem lại nguồn thu cho nhân dân. (Ảnh: Tuấn Nghĩa)

YBĐT - Mục tiêu chính mà huyện Văn Chấn đề ra là phát triển kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ thương mại, giảm tỷ trọng nông, lâm nghiệp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục