Hiệu quả từ mô hình sản xuất nhân giống tại chỗ
- Cập nhật: Thứ sáu, 8/4/2011 | 9:25:11 AM
YBĐT - Ở Trấn Yên đã và đang xây dựng nhiều mô hình trong sản xuất thâm canh như mô hình cải tạo và thay thế chè già cỗi, trồng dâu nuôi tằm, sản xuất lúa chất lượng cao, trồng tre Bát độ lấy măng, chăn nuôi gà an toàn sinh học, chăn nuôi lợn hàng hóa…
![]() |
Chị Hoàng Thị Kiếm, thôn Khe Chè xã Y Can (Trấn Yên) chăm sóc tre măng bát độ.
(Ảnh: Hà Linh)
|
Tuy nhiên, hiện nay sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa vẫn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện thời tiết khí hậu, thị trường tiêu thụ nông sản, tư duy, nhận thức của người sản xuất.
Đặc biệt là việc phải nhập nhiều loại giống cây trồng vật nuôi từ nước ngoài cũng như các địa phương khác nên đã ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả và khả năng mở rộng các mô hình. Do đó, để sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững thì việc sản xuất nhân giống tại chỗ là yếu tố cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Năm 2000, mô hình trồng tre Bát độ lấy măng được huyện Trấn Yên triển khai thực hiện tại xã Hòa Cuông với số lượng 20 gốc tre. Đến nay diện tích tre Bát độ đã được mở rộng và tạo thành vùng nguyên liệu tập trung ở 10 xã trọng điểm với diện tích 1.225 ha, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến và thị trường, tạo sự gắn bó giữa nông dân các xã trong vùng nguyên liệu với doanh nghiệp, nâng cao thu nhập có nông dân tiến tới làm giàu.
Trong giai đoạn tiếp theo, chương trình trồng tre Bát độ lấy măng trên địa bàn huyện tiếp tục được duy trì, phát triển và ổn định bền vững với diện tích 1.500ha gắn với phát triển vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm ổn định lâu dài cho nông dân.
Để chủ động được giống tre khai thác tại chỗ, năm 2006 huyện Trấn Yên thực hiện khai thác giống tại chỗ ở vườn giống tre từ 4 - 5 tuổi tại xã Kiên Thành. Việc làm này đã giảm đáng kể giá thành, nếu như trước kia mỗi củ giống được nhập từ Trung Quốc đến tay người dân với giá 11.000đồng/củ thì nay chỉ còn 4.000đồng/củ.
Lãnh đạo xã Kiên Thành - ông Dương Kim Hưng cho hay: “Việc khai thác giống tại chỗ tạo nên chất lượng củ giống tốt, đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, sau khi trồng 1 năm cho thu hoạch măng, vừa không ảnh hưởng đến năng suất lại có tác dụng vệ sinh vườn tre”. Thực hiện chủ trương của huyện, từ năm 2008 đến nay củ giống tre Bát độ đã được khai thác tại Kiên Thành, đã giúp nhân dân chủ động về giống góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển diện tích tre Bát độ.
Cùng với chương trình trồng tre Bát độ, sản xuất lúa chất lượng cao đã trở thành một trong những chương trình phát triển kinh tế của huyện Trấn Yên, hàng năm duy trì ổn định diện tích là 1.500ha, năng suất trung bình 45 - 46 tạ/ha. Huyện cũng hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung 400ha/năm tại 10 xã trên địa bàn.
Để chủ động giống lúa chất lượng cao đúng chủng loại, đảm bảo chất lượng, giá thành hạ, huyện đã thực hiện mô hình sản xuất giống tại địa phương với các giống lúa thuần chất lượng cao đã qua khảo nghiệm và đưa vào cơ cấu giống lúa hàng năm, tập trung chủ yếu ở các xã trong vùng sản xuất lúa chất lượng cao, diện tích sản xuất từ 25 - 30ha, lượng giống 60 - 70 tấn/năm. Mô hình này có ý nghĩa và hiệu quả rất tốt đối với việc phát triển diện tích lúa chất lượng cao đồng thời giúp nhân dân chủ động được giống lúa đúng chủng loại, đạt hiệu quả cao trong sản xuất.
Bà Lê Thị Lụa - Chủ tịch UBND xã cho biết: vụ đông xuân năm nay, xã Việt Thành là một trong những địa phương được chọn để triển khai nhân giống một số giống lúa chất lượng cao. Trong đó có mô hình giống lúa mới là nhân giống lúa DS1 với diện tích 1,5 ha xã đã giao cho 13 hộ thực hiện.
Bước đầu cho thấy giống DS1 phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xã, hiện cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Kết quả của mô hình này sẽ tạo điều kiện để Việt Thành tiếp tục sản xuất lúa chất lượng cao trong vụ mùa tới đây và những năm tiếp theo.
Thực tế đã cho thấy các mô hình sản xuất nhân giống tại chỗ đã và đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Chính vì vậy, huyện Trấn Yên đang tiếp tục triển khai nhiều mô hình nhân giống khác như thực hiện mô hình nuôi tằm con tập trung, nuôi tằm dưới đất tại 2 xã Tân Đồng, Việt Thành; đồng thời ươm cây dâu giống tại các xã Tân Đồng, Báo Đáp và Việt Thành. Các mô hình này đều có ý nghĩa lớn trong việc đưa tiến bộ kỹ thuật mới vào áp dụng, góp phần hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng kén tằm đồng thời giảm công lao động, mang lại hiệu quả cao.
Như vậy, trong nhiều năm qua cùng với việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình phát triển kinh tế theo mục tiêu kế hoạch đề ra, Trấn Yên đã xây dựng được nhiều mô hình mẫu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mô hình sản xuất nhân giống tại địa phương góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các chương trình phát triển kinh tế trên địa bàn huyện ngày càng ổn định và bền vững.
Thanh Tiến - Kim Oanh
Các tin khác

YBĐT - Để giảm thiểu thiệt do thiên tai gây ra, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững đòi hỏi chúng ta phải chủ động phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Tin từ Tổng Công ty Đường sắt cho biết, bắt đầu từ hôm nay, 8-4, vé tàu Thống Nhất sẽ áp dụng giá mới, theo đó giá vé các loại ghế ngồi cứng, giường nằm cứng không điều hòa tăng 5%, giá vé các loại ghế ngồi, giường nằm cứng, giường nằm mềm có điều hòa tăng từ 10% - 18%.