Vụ chè mới ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ: Ngổn ngang trăm mối tơ vò

  • Cập nhật: Thứ tư, 4/5/2011 | 2:52:50 PM

YBĐT - Huyện Văn Chấn có diện tích chè lớn nhất tỉnh với 4.330 ha, trong đó gần 4.000 ha chè kinh doanh, tập trung nhiều ở 9 xã vùng ngoài và 3 xã, thị trấn của huyện, hàng năm, doanh thu từ chè đạt từ 150 đến 170 tỷ đồng.

Ông Toản đang phân trần về tình trạng chè đã vào vụ mà chưa có búp vì thiếu phân bón.
Ông Toản đang phân trần về tình trạng chè đã vào vụ mà chưa có búp vì thiếu phân bón.

Được đánh giá là cây trồng thế mạnh trong công cuộc xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân, song mấy năm trở lại đây đời sống của người làm chè gặp vô vàn khó khăn. Đến thời điểm này, vụ chè mới chính thức bắt đầu, nhưng giá cả vật tư phân bón, thuốc trừ sâu đã tăng đến chóng mặt khiến người làm chè đầu tư nhiều mà không có lãi.

Thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, một trong những địa phương có diện tích chè tương đối lớn của huyện Văn Chấn, với 450 ha chè, khoảng 400 hộ dân, chiếm 1/3 dân số toàn thị trấn sống bằng cây chè. Xác định chè là cây trồng thế mạnh và là cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo cho người dân,  những năm qua, địa phương đã đẩy mạnh công tác vận động nhân dân cải tạo giống chè trung du năng suất, chất lượng thấp bằng giống chè lai có năng suất chất lượng cao.

Bằng hình thức huyện hỗ trợ giống, Công ty cổ phần chè Nghĩa Lộ hỗ trợ cho nhân dân vay phân bón trong 3 tháng không tính lãi hỗ trợ nhân dân trồng mới và cải tạo lại.

Đến nay diện tích cải tạo của xã chỉ còn 100 ha, kế hoạch năm 2012 thị trấn sẽ hoàn thành việc cải tạo trồng mới toàn bộ diện tích chè bằng giống mới năng suất, chất lượng cao. Do vậy mới bước vào vụ chè mà sản lượng thu hái toàn thị trấn đã đạt 240 tấn chè búp tươi, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2010.

“Cây chè thực sự đã là cây chủ lực trong công cuộc xoá đói giảm nghèo cho người dân, song nếu để làm giàu từ cây chè trong thời buổi giá cả lạm phát tăng cao như mấy năm trở lại đây quả là một vấn đề vô cùng khó khăn”, ông Lê Ngọc Long - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ phân trần.

Là một trong những hộ dân có thâm niên trong nghề trồng chè, cũng là một trong những hộ dân làm chè giỏi nhất của tổ dân phố 6b, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, gia đình ông Phạm Đức Toản có 1,7 ha chè, chủ yếu là giống chè trung du năng suất chất lượng thấp và đều được trồng từ những thập niên 70 của thế kỷ trước.

Do không có vốn nên mặc dù biết chè cho sản lượng thấp nhưng mãi đến năm 2006, gia đình ông mới dám bắt tay cải tạo để trồng mới một vài diện tích đã quá già cỗi, còn lại những diện tích khác gia đình vẫn tiếp tục chăm bón đầu tư để chờ những diện tích trồng mới bước vào chè kinh doanh mới có vốn để cải tạo nốt những diện tích chè còn lại. Đến nay, cơ bản toàn bộ diện tích chè của gia đình ông đã được trồng mới và cải tạo lại.

Có thể nói, cây chè đã thực sự là cây xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho gia đình ông bởi 2 đứa con của ông đang theo học đại học và cao đẳng ở Hà Nội cũng là nhờ cây chè và ngôi nhà mới xây trị giá bạc trăm cũng từ chè mà có. Tuy nhiên bước vào niên vụ 2011 giá cả leo thang khiến gia đình ông gặp không ít khó khăn. Nói là thời tiết thuận lợi vì mưa nhiều song nếu chỉ trông chờ vào thiên nhiên mà không đầu tư chăm sóc thì coi như không có ăn.

Nắm bắt đúng quy trình chăm bón để đón những lứa chè đầu niên vụ nên ngay từ những ngày đầu năm, tranh thủ thời tiết thuận lợi gia đình ông đã đầu tư hơn 10 triệu đồng từ tiền phân bón, thuốc trừ sâu với mong muốn đầu vụ chè sẽ được giá cao.

Song hiện tại đến thời điểm này, giá thu mua chè của Công ty Cổ phần chè Nghĩa Lộ cũng chưa niêm yết giá cụ thể là bao nhiêu, hiện tại vẫn bấp bênh từ 2.500 đồng/kg - 3.000 đồng/kg, nếu so với năm ngoái thì giá cả cũng chỉ ngang nhau, đầu vụ mà giá còn thấp như vậy thì đến giữa vụ không biết giá cả sẽ rớt xuống mức nào. "Bỏ tiền đầu tư hơn 10 triệu đồng mà gia đình mới thu được chưa đầy 300 ngàn đồng, quả là chẳng thấm vào đâu so với số tiền đầu tư.

Cứ lấy một minh chứng cụ thể là một ha chè phá bỏ trồng mới cải tạo cả giống, vật tư phân bón cách đây 3 năm là 35 triệu đồng, nhưng nếu thời điểm hiện nay 1 ha phải 70 triệu mới đủ" - Ông Toản cho biết. Chỉ vào đám chè kinh doanh hơn 1.000 m2, ông Toản ước ao: “Giá như có được số tiền nữa để đầu tư thêm vài tạ phân NPK chắc chắc năng suất chè sẽ cao hơn rất nhiều và những chỗ lốm đốm vàng này sẽ nhanh chóng được khôi phục lại. Phân có nhưng vay qua Công ty cổ phần chè Nghĩa Lộ sợ đến hạn không trả được, công ty tính lãi cao thì lấy đâu mà trả nợ, trong khi hai đứa con tôi đều đều mỗi tháng phải hơn 2 triệu để chúng ăn học”.

 

Giá nhân công cao bà Bảo đành phải cần mẫn thu hái để vớt vát lại số tiền gần 4 triệu đồng đã bỏ ra đầu tư từ đầu năm.

Gia đình bà Hoàng Thị Bảo tổ 6b thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ cũng có thâm niên gần 20 năm làm chè. Từng là công nhân của Công ty cổ phần chè Nghĩa Lộ đã về hưu, nhà có 2 mẹ con, vì thiếu nhân lực, thiếu vốn nên gia đình bà chỉ nhận khoán có 3.400m2 chè. Bắt đầu từ năm 2005 gia đình mà mới bắt tay vào trồng mới và cải tạo nên đến thời điểm hiện nay toàn bộ diện tích chè của gia đình bà đã cho thu hái, một vài diện tích đã thành chè kinh doanh.

Cứ tưởng đầu vụ vì sản lượng chè thấp bởi lúc này người dân chỉ thu hái ở mức độ vừa phải để tạo tán thì giá cả sẽ cao nên gia đình bà đã đầu tư gần 4 triệu đồng để mua phân bón, thuốc trừ sâu, trong đó riêng tiền phân ứng trước của Công ty Cổ phần chè Nghĩa Lộ gần 2,5  triệu đồng, song giá cả cũng chỉ bằng những lúc chính vụ mọi năm.

Nếu so với tình hình trượt giá như hiện nay quả thật là gia đình bà chẳng dám đầu tư. Giá vật tư, phân bón, thuốc trừ sâu, nhân công tăng bình quân gấp 2 lần  so với cùng kỳ năm ngoái, do vậy nếu làm chè mà phải thuê hái nữa thì coi như không có ăn. Chỉ vào đám chè trồng mới được 5 tuổi chỗ xanh chỗ vàng vì thiếu phân, bà Bảo nói: “Chè đang tuổi sinh trưởng và phát triển rất cần phân bón, giá có khoảng 1 – 2 triệu đồng nữa để mua phân bón cho chè thì cây chè sẽ phát triển khá nhanh và năng suất cũng khá cao. Song thiếu vốn hơn nữa giá chè búp tươi quá thấp nên tôi cũng chỉ dám đầu tư ở mức độ cầm chừng, biết là chè đói phân nhưng cũng đành chịu. Mọi người cứ nói trời nói biển thế nào chứ gần 20 năm gắn bó với cây chè, không phải là người không biết làm chè những mãi đến tận năm 2006 hai mẹ con tôi mới tích cóp để dựng được ngôi nhà cấp 4 trị giá chưa tới 40 triệu đồng”.

Không riêng chỉ ở thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, cây chè mới là cây chủ lực trong xóa đói giảm nghèo mà toàn huyện Văn Chấn có gần 5 vạn hộ dân sống bằng cây chè. Thiết nghĩ, các địa phương, doanh nghiệp cần nghiên cứu và có những cơ chế chính sách phù hợp trong việc mua, bao tiêu sản phẩm đồng thời xây dựng mối liên kết bền vững 4 nhà đó là nhà nông, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý để người nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó lâu dài với cây chè.

Thanh Tân

Các tin khác

YBĐT - Bà con Châu Quế Thượng mong các cấp, các ngành, doanh nghiệp thu mua sắn có những chính sách giữ ổn định giá sắn, để cây sắn góp phần xoá đói giảm nghèo ở vùng cao.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ có các quy định cụ thể để đảm bảo việc mua bán vàng của người dân theo đúng pháp luật.

Sáng nay 3/5, Hội nghị thường niên của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 chính thức bắt đầu tại Hà Nội, với sự tham dự của khoảng 3.600 đại biểu, khách mời đến từ khu vực châu Á và thế giới.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại các nguồn vốn đầu tư trong năm 2011 với tổng số vốn 96.888,3 tỷ đồng, bằng 10% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục