Xăng dầu tăng giá, các doanh nghiệp vận tải gặp khó khăn
- Cập nhật: Thứ năm, 5/5/2011 | 9:30:06 AM
YBDDT - Hai đợt tăng giá xăng, dầu liên tiếp cùng với đó là giá điện cũng tăng làm các mặt hàng trong ngành vận tải tăng giá tác động trực tiếp chi phí vận tải đầu vào.
Giá xăng dầu tăng, cả doanh nghiệp vận tải và người dân đều gặp khó khăn. (Ảnh: Thanh Chi)
|
Mặc dù đã điều chỉnh giá cước tăng 20% nhưng hiện nay nhiều doanh nghiệp vẫn đang gồng mình vượt qua khó khăn.
Trong lĩnh vực vận tải thì chi phí nhiên liệu chiếm 45-50% giá thành, nên hai đợt tăng giá xăng, dầu vừa qua đã khiến cho nhiều doanh nghiệp vận tải điêu đứng. Để tồn tại được, hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn đã tăng khoảng 20% giá cước tùy theo các tuyến. Vì giá cước tăng nên lượng khách giảm cùng với đó nhiều hợp đồng đi du lịch của các cơ quan, đơn vị bị cắt giảm khiến nhiều xe du lịch không hoạt động.
Theo nhiều đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn thì “cơn bão giá” đã cuốn theo hàng loạt các yếu tố liên quan đến vận tải cũng tăng. Giá điện tăng cao khiến một loạt chi phí khác liên quan đến vận tải như: phụ tùng, săm, lốp phí bảo dưỡng… cũng tăng mạnh từ 15-40% đã đè nặng lên vai các doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
Công ty cổ phần Vận tải Thủy bộ là đơn vị kinh doanh vận tải lớn trên địa bàn. Hiện nay, Công ty có 160 đầu xe, trong đó có 42 xe nội tỉnh và 118 xe liên tỉnh. Xăng dầu tăng giá đã đẩy chi phí vận tải lên cao đối với tuyến Yên Bái - Hà Nội với xe 29 chỗ ngồi mỗi tháng cũng tăng 10 triệu đồng còn các xe loại 47 chỗ ngồi tăng lên khoảng 21 triệu đồng. Trước tình trạng tăng giá xăng, dầu liên tiếp, Công ty đã tăng giá cước lên 20%.
Tuy nhiên theo công ty này thì việc tăng giá cước đó chỉ bù đắp phần nhiên liệu, nguyên liệu và một phần chịu thuế Nhà nước còn Công ty không được hưởng lợi gì. Đối với những xe lớn loại 47 chỗ hiện nay không thể bù đắp được. Ví như xe Universe loại 47 chỗ ngồi với trị giá trên 2 tỷ đồng, mỗi tháng lãi suất không dưới 41 triệu đồng cùng với việc chi phí tăng giá xăng, dầu mỗi tháng thêm 21 triệu đồng thì càng kinh doanh càng lỗ. Loại xe này hiện nay Công ty chưa có giải pháp giải quyết. Bên cạnh đó, do phải tiết kiệm chi tiêu nên các hợp đồng đi du lịch hầu như không có. Nhiều kế hoạch đi du lịch của các cơ quan, đơn vị đặt từ cuối năm trước đến năm nay đều đã bị hủy bỏ.
Ông Đỗ Ngọc Hưởng - Phó Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải Thủy bộ Yên Bái cho biết: "Để vượt qua khó khăn giai đoạn hiện nay, Công ty tạm thời giãn hoãn đầu tư, tính toán những khâu hoạt động kinh doanh không hiệu quả để có biện pháp xử lý.
Đồng thời sắp xếp lại bộ máy quản lý, giảm bớt chi phí hành chính như: dồn phòng, giảm chi phí về điện, nước, in ấn... giảm biên chế, mở rộng dịch vụ ngoài vận tải để đỡ cho chi phí nhiên liệu như: chuyển sang đào tạo, mở rộng dịch vụ sửa chữa ô tô". Tuy nhiên, theo ông Hưởng nếu xăng dầu tiếp tục tăng giá thì sẽ đẩy các doanh nghiệp vận tải vào tình thế rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
Giá nhiên liệu tăng cao trong khi lượng hành khách giảm là khó khăn chung của các doanh nghiệp vẫn tải hiện nay. Tuyến nào lượng khách ổn định thì còn cầm cự được, tuyến nào không có khách thì chỉ nằm một chỗ vì tiền bán vé không đủ trang trải. Xe càng to chi phí vận tải càng lớn nếu không có khách thì khó mà bù lỗ nổi.
Theo quan sát của chúng tôi có nhiều xe đi tuyến Yên Bái- Hà Nội xuất bến chỉ với vài hành khách. Nhiều doanh nghiệp địa bàn nhận xét do “bão giá” trong đó có giá cước vận tải tăng nên nhu cầu đi lại của nhân dân cũng giảm. Cước tăng là điều các doanh nghiệp vận tải không mong muốn vì kéo theo đó là lượng hành khách giảm. Tuy các doanh nghiệp đã tăng hai lần giá cước trung bình là 20% nhưng cũng không bù đắp được chi phí đầu vào.
Khó khăn trên là tình hình chung của các doanh nghiệp vận tải hiện nay. Hợp tác xã (HTX) vận tải Quyết Tiến với trên 50 đầu xe, trong đó có 37 xe nội tỉnh và 15 xe ngoại tỉnh cũng đang gặp những khó khăn nhất định. Không chỉ gặp khó khăn về nhiên liệu, HTX cũng phải chịu tiền cước bến bãi khá cao. Nhiều xã viên của hợp tác xã cho biết từ đầu tháng 4 đến nay, bến xe khách Yên Bái đã tăng thêm phí bến bãi 10.000 đồng/lượt, mỗi xe phải nộp 55.000 đồng/ lượt.
Như vậy, một tháng các xe cũng phải nộp tăng thêm 560.000 đồng. Ông Lê Ngọc Trân, Chủ nhiệm HTX vận tải Quyết Tiến cho biết: “Trước khó khăn chung như hiện nay, HTX vận động xã viên cố gắng tiết kiệm chi phí, chú trọng bảo dưỡng, tiết kiệm nhiên liệu để cùng chia sẻ khó khăn chung của toàn xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, với việc tăng cước bến bãi như hiện nay là điều không hợp lý khiến hợp tác xã đã khó nay lại càng khó thêm”.
Theo các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn, hiện nay kinh doanh vận tải phải tự làm quen với việc nhiên liệu tăng giá. Việc tăng giá cước chỉ bù lỗ một phần còn về lâu dài các doanh nghiệp phải tiết giảm chi phí hoạt động đầu tư phương tiện hiện đại, công nghệ mới để hạn chế chi phí đầu vào, mở rộng dịch vụ kinh doanh… có vậy mới trụ vững được trong cơn “bão giá”.
Văn Thông
Các tin khác
YBDDT - Đoàn công tác của Công ty Sung Chang Enterprise Holding (Hàn Quốc) vừa có buổi làm việc với Ban Kinh tế đối ngoại và Xúc tiến đầu tư tỉnh và các sở, ngành liên quan của tỉnh để tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Yên Bái trong lĩnh vực chế biến, gia công đồ gỗ xuất khẩu.
YBDDT - Hiện nay, Ngân hàng NN&PTNT Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã hình thành mạng lưới rộng phủ kín các huyện, thị, các điểm tập trung đông dân cư trên địa bàn toàn tỉnh với 33 điểm giao dịch, trong đó có 1 chi nhánh loại 1, 10 chi nhánh loại 2 và 22 phòng giao dịch.
YBDDT - Trong vài năm trở lại đây, kinh tế - xã hội Yên Bái có sự phát triển mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt trên 12,31%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng.
YBĐT - Hành trình cùng với truyền thống 60 năm ngành ngân hàng, dù thời gian chưa dài song hoạt động của các quỹ tín dụng đã phát huy hiệu quả là kênh tín dụng quan trọng.