Phấn đấu thực hiện xuất sắc các nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính sách tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng KT- XH địa phương
- Cập nhật: Thứ năm, 5/5/2011 | 2:48:01 PM
YBĐT - Trong năm 2011, toàn ngành ngân hàng đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ và giải pháp quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Quầy giao dịch tại trụ sở chính Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Lê Phiên)
|
Cách đây vừa tròn 60 năm, ngày 6 tháng 5 năm 1951, tại Hang Bòng, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam - nay là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đây là mốc lịch sử quan trọng, đánh dấu sự phát triển của cách mạng Việt Nam, là bước ngoặt lịch sử trong sự phát triển nền tiền tệ - ngân hàng của Việt Nam. Lần đầu tiên, nước ta có một ngân hàng của Nhà nước dân chủ nhân dân, là kết quả của quá trình đấu tranh xây dựng hệ thống tiền tệ, tín dụng độc lập, tự chủ.
Từ ngày thành lập đến nay, những dấu mốc lịch sử đã ghi nhận và khẳng định quá trình xây dựng và trưởng thành của Ngân hàng Việt Nam đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, không ngừng lớn mạnh và phát triển, góp phần xứng đáng củng cố nền độc lập, dân chủ, phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và ngày nay là một trong những nhân tố tích cực trong công cuộc đổi mới đất nước, chuyển mạnh sang nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Cùng với quá trình xây dựng và phát triển của toàn ngành, Ngân hàng Yên Bái được thành lập ngày 1.6.1951. Từ khi thành lập đến nay, trải qua 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, sau những lần sáp nhập, chia tách, chuyển đổi cơ chế hoạt động, Ngân hàng Yên Bái luôn phát triển, đổi mới và đạt được những kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào các thành tựu chung của toàn ngành, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Thời kỳ chuyển đổi cơ chế hoạt động từ ngân hàng một cấp thành ngân hàng hai cấp (phân định và tách biệt giữa chức năng quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước với nhiệm vụ kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng của các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng) và từ ngày tái thành lập tỉnh Yên Bái đến nay, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh ngày càng phát huy vai trò quản lý Nhà nước về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; các chi nhánh ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách - xã hội, các quỹ tín dụng nhân dân có những bước phát triển khá toàn diện về mạng lưới tổ chức bộ máy và các dịch vụ ngân hàng. Hoạt động ngân hàng trên địa bàn đã đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Tổ chức loại hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn đã và đang từng bước thực hiện đa dạng hóa với 2 chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước, 1 chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện kinh doanh đa năng, tổng hợp về tiền tệ và các dịch vụ ngân hàng; 1 chi nhánh ngân hàng chính sách - xã hội, 1 chi nhánh ngân hàng phát triển thực hiện tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; 17 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở là loại hình kinh tế hợp tác, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ vì mục đích tương trợ giữa các thành viên.
Mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch, điểm giao dịch ngân hàng không ngừng được mở rộng và phát triển. Đến nay, trên toàn địa bàn, có 90 điểm giao dịch ngân hàng cố định và 152 điểm giao dịch lưu động của ngân hàng chính sách - xã hội trải khắp đến các xã, phường, thị trấn, các khu thị tứ tập trung dân cư.
Đến nay, tổng nguồn vốn của các ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân đạt 6.630 tỷ đồng, tăng gấp 58,67 lần so với năm 1991 (năm đầu tái thành lập tỉnh Yên Bái) và tăng gấp 3,52 lần so với thực hiện năm 2005; tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế đạt 6.415 tỷ đồng, tăng gấp 118,79 lần so với năm 1991 (năm đầu tái thành lập tỉnh Yên Bái) và tăng gấp 3,51 lần so với thực hiện năm 2005, tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm thời kỳ 2005 - 2010 đạt 28,1%/năm.
Vốn tín dụng ngân hàng trong những năm qua đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn cần thiết phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn; cơ cấu tín dụng phù hợp với chuyển dịch cơ cấu và tốc độ tăng trưởng nền kinh tế địa phương trong từng thời kỳ.
Hệ thống thanh toán điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng không ngừng được phát triển theo hướng hiện đại hóa công nghệ, ngày càng tạo điều kiện thuận lợi hơn và đáp ứng yêu cầu của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn; các dịch vụ thanh toán, tiện ích ngân hàng mới, hiện đại đã và đang từng bước được triển khai thực hiện có hiệu quả. Thẻ thanh toán ATM và dịch vụ ngân hàng điện tử được chú trọng phát triển phù hợp.
Đến nay, hệ thống giao dịch điện tử (ATM) trên địa bàn có 16 điểm máy ATM với 23 thiết bị chấp nhận thẻ (POS), tổng số lượng thẻ thanh toán đạt 37.975 thẻ, bước đầu đáp ứng yêu cầu thực hiện việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước và các nhu cầu thanh toán của khách hàng; các dịch vụ ngân hàng khác như bảo lãnh ngân hàng, thanh toán quốc tế, nộp thuế, thanh toán các dịch vụ viễn thông… đã và đang được các ngân hàng tổ chức triển khai thực hiện, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
Công tác tổ chức và cán bộ luôn được củng cố; đội ngũ cán bộ, viên chức, công chức ngân hàng trên địa bàn luôn được đào tạo và đào tạo lại; trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, ngoại ngữ được nâng cao, bảo đảm đáp ứng được yêu cầu đổi mới hoạt động ngân hàng hiện nay theo xu hướng hội nhập.
Quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển 60 năm qua, ngành ngân hàng Yên Bái đã vinh dự được đón nhận các phần thưởng cao quý: 2 Huân chương Lao động hạng Nhì, 9 Huân chương Lao động hạng Ba cho các tập thể và cá nhân; 29 lượt đơn vị tập thể, cá nhân nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 3 cá nhân đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn quốc; 35 lượt đơn vị tập thể nhận cờ thi đua xuất sắc của tỉnh, của ngành; nhiều lượt đơn vị, tập thể, cá nhân được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tặng bằng khen; nhiều lượt cá nhân đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp ngành, cấp tỉnh, cấp cơ sở.
Nhân dân phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái) đến quỹ Tín dụng nhân dân phường để vay vốn. (Ảnh: Quang Thiều)
Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập ngành, ngành ngân hàng Yên Bái xin trân trọng cảm ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; cảm ơn các cấp, các ngành, các đoàn thể đã phối hợp, tạo điều kiện cho ngành ngân hàng Yên Bái hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong suốt 60 năm qua!
Bước vào thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương thời kỳ 5 năm (2011 - 2015) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVII đã đề ra, ngành ngân hàng Yên Bái tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nhằm phấn đấu tăng trưởng tín dụng hàng năm từ 20% trở lên; tổ chức hoạt động thông suốt hệ thống thanh toán, phát triển và mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, các dịch vụ tiện ích ngân hàng phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển của nền kinh tế; đa dạng các loại hình chi nhánh ngân hàng thương mại, phát triển mạng lưới các phòng giao dịch, điểm giao dịch ngân hàng; mở rộng và không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, đa dạng các hình thức huy động vốn, cơ cấu lại nguồn vốn; mở rộng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, quản lý và giám sát chất lượng tín dụng bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn - hiệu quả - bền vững; tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động ngân hàng; đổi mới phong cách, lề lối làm việc; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế và dân cư tiếp cận và hưởng các dịch vụ ngân hàng phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.
Trước mắt, trong năm 2011, toàn ngành ngân hàng đã và đang tích cực triển khai các nhiệm vụ và giải pháp quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm là:
1. Đảm bảo tăng trưởng nguồn vốn tương ứng với mức tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế.
2. Kiểm soát tăng trưởng tín dụng phù hợp, tương ứng với mức tăng trưởng nguồn vốn, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng đối với nền kinh tế từ 16% đến 18%.
3. Tập trung nguồn vốn cho vay phục vụ các nhu cầu sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu, khu vực nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, các dự án trọng điểm; giảm tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tiêu dùng xuống khoảng 8%; chủ động, ưu tiên và cân đối nguồn vốn phù hợp nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn cần thiết phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; đảm bảo tỷ trọng dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn khoảng 59%; đáp ứng các nhu cầu vay vốn của các hộ nghèo và các đối tượng chính sách xã hội.
4. Kiểm soát chặt chẽ cho vay bằng ngoại tệ theo đúng các quy định.
5. Kiểm soát, nâng cao chất lượng tăng trưởng tín dụng, kiểm soát nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ.
6. Thực hiện tiết kiệm chi phí, áp dụng lãi suất cho vay hợp lý.
7. Tăng cường công tác thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là đảm bảo an toàn, hiệu quả, bền vững hoạt động các quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn.
Nhiệm vụ những năm tiếp theo của ngành ngân hàng Yên Bái là rất nặng nề. Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ của các cấp, các ngành, các đoàn thể cùng với tinh thần đoàn kết, tiến lên phía trước, phát huy truyền thống vẻ vang 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển của ngành, cán bộ, công chức, viên chức, ngành ngân hàng Yên Bái sẽ quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu chính sách tiền tệ trong thời kỳ mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương phát triển nhanh trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng Yên Bái trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2015.
Bùi Trung Thu - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Yên Bái
Các tin khác
Tại cuộc họp giao ban trực tuyến vào sáng 4.5, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết có khả năng sẽ điều chỉnh giá điện từ tháng 6 theo Quyết định 24 điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường của Thủ tướng Chính phủ.
Theo báo cáo hoạt động kinh doanh quý I/2011 của các tổ chức tín dụng, hàng chục ngân hàng đã “lỡ" để tỷ trọng cho vay ở lĩnh vực phi sản xuất khá cao, tới hơn 40%. Hiện NHNN đã “treo” hạn từ nay tới 1/7 các NHTM phải hạ tỷ trọng xuống tối đa 22%.
Sáng 5/5, giá vàng trong nước “bay hơi” thêm 16.000-17.000 đồng/chỉ, xuống dưới mức 3,780 triệu đồng/chỉ trong bối cảnh giá kim loại quý trên thị trường thế giới không ngừng lao dốc.
YBDDT - Hai đợt tăng giá xăng, dầu liên tiếp cùng với đó là giá điện cũng tăng làm các mặt hàng trong ngành vận tải tăng giá tác động trực tiếp chi phí vận tải đầu vào.