Để sản xuất vụ đông trở thành chính vụ ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ hai, 24/9/2012 | 2:47:59 PM
YBĐT - Làm gì để đưa cây vụ đông, nhất là cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa đạt giá trị kinh tế cao và trở thành chính vụ luôn là vấn đề trăn trở trong sản xuất nông nghiệp ở Yên Bái nhiều năm trở lại đây.
Thu hoạch lúa đến đâu bà con nông dân tranh thủ làm đất trồng cây vụ đông đến đó.
|
Có lẽ sản xuất cây vụ đông không còn xa lạ với bất cứ người dân nông thôn nào bởi vụ đông năm nay là vụ thứ 12 cây vụ đông đứng chân trên đất 2 vụ lúa và diện tích cũng tăng theo mỗi năm. Tuy nhiên, bên cạnh tăng về diện tích thì năng suất, giá trị cây vụ đông vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của địa phương và vẫn chưa thực sự trở thành chính vụ.
Làm gì để đưa cây vụ đông, nhất là cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa đạt giá trị kinh tế cao và trở thành chính vụ luôn là vấn đề trăn trở trong sản xuất nông nghiệp ở Yên Bái nhiều năm trở lại đây. Nói như vậy không có nghĩa là sản xuất cây vụ đông ở Yên Bái kém hiệu quả mà nó đã đóng góp tích cực vào công cuộc xoá đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.
Vụ đông 2011-2012 là vụ đông sản xuất gặp nhiều khó khăn, giá cả vật tư, phân bón tăng cao, diễn biến thời tiết bất thường, sâu bệnh phát sinh nhưng nhân dân trong tỉnh vẫn đưa vào gieo trồng được 8.392 ha cây vụ đông, trong đó có trên 4.551 ha ngô, trên 1.124 ha khoai lang và trên 2.684 ha rau đậu các loại. Bằng sự nỗ lực của ngành nông nghiệp, các huyện thị, bà con nông dân vẫn sản xuất vụ đông giành nhiều thắng lợi từ năng suất đến sản lượng, giá trị thu nhập cây vụ đông đạt trên 220 tỷ đồng (26 triệu đồng/ha).
Rõ ràng hiệu quả kinh tế từ sản xuất cây vụ đông mang lại không hề nhỏ nhưng mức thu nhập trên mỗi ha canh tác mới chỉ đạt chưa đầy 26 triệu đồng/ha là chưa tương xứng và vẫn chưa thực sự trở thành chính vụ. Nguyên nhân đạt giá trị thấp là cơ cấu cây trồng chưa hợp lý, vẫn cây ngô là chủ yếu, không chỉ có vậy mà người dân chưa thật tích cực đầu tư thâm canh cho cây vụ đông. Không ít người vẫn coi thường sản xuất vụ đông nên có làm nhưng thiếu đầu tư, chăm sóc dẫn đến năng suất ngô chỉ đạt 26,9 tạ/ha.
Đối với diện tích rau màu cũng không có nhiều lựa chọn và nhiều giống rau có giá trị kinh tế cao mà vẫn là su hào, bắp cải và một ít khoai tây. Cũng đã có nhiều vùng của thị xã Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình bà con đưa các loại cây như: hành, ớt, súp lơ xanh vào trồng đạt giá trị 35-40 triệu đồng/ha nhưng diện tích này không nhiều bởi không có thị trường.
Vụ đông 2012-2013, toàn tỉnh phấn đấu gieo trồng trên 11 ngàn ha, trong đó: Yên Bình 1.614 ha, Lục Yên 850 ha, Trấn Yên 1.530 ha, Văn Chấn 2.450 ha, Văn Yên 2.650 ha còn lại là thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái. Phấn đấu tổng giá trị đạt đạt trên 300 tỷ đồng, bình quân một ha đạt 28 triệu đồng.
Qua đó cho thấy mục tiêu trong sản xuất vụ đông được ngành nông nghiệp xây dựng vẫn không có gì khác so với mọi năm. Cơ cấu giống cũng vậy, cây ngô vẫn là chủ lực, bên cạnh đó là khoai lang, khoai tây và rau đậu các loại. Để sản xuất cây vụ đông thực sự trở thành chính vụ, thiết nghĩ ngành nông nghiệp và các huyện thị phải mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng.
Theo thông tin từ thị trường thì giá ngô năm nay đã và sẽ tăng 20-30 % đó là một tín hiệu tốt, thế nhưng vấn đề cốt lõi là bà con cần tích cực đầu tư, thâm canh tăng năng suất ngô làm sao đạt bình quân 35-40 tạ/ha thì mới có lãi lớn. Vẫn là ngô nhưng trong năm nay và những vụ trước thị xã Nghĩa Lộ đã chọn đưa vào gieo trồng giống ngô ngọt mang lại giá trị kinh tế cao gấp 1,5 lần giống ngô tẻ.
Khi nói về vấn đề này ông Chu Quốc Tuấn - Phó chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ khẳng định: “Thị xã Nghĩa Lộ có phong trào sản xuất cây vụ đông từ khá sớm, qua các mùa vụ cho thấy trình độ sản xuất của bà con cũng rất khá, tuy nhiên cũng như các địa phương khác là chưa tìm ra được giống cây sản xuất cho giá trị kinh tế cao. Vụ đông này, thị xã sẽ đưa vào gieo trồng 80% diện tích lúa ruộng, trong đó tập trung sản xuất ngô nếp và ngô ngọt, năng suất không cao nhưng giá trị kinh tế lại cao gấp 1,3-1,5 lần so với trồng ngô tẻ".
Bên cạnh đó tiếp tục xây dựng các mô hình trồng rau cao cấp, an toàn đồng thời phối hợp với một công ty để trồng thử nghiệm 1.000m2 ớt. Quan điểm chỉ đạo của thị xã là lấy giá trị trên mỗi ha canh tác làm thước đo hiệu quả trong sản xuất vụ đông và phấn đấu giá trị đạt trên 30 triệu đồng/ha” - ông Tuấn cho biết.
Quyết tâm là điều dễ nhận thấy ở bất cứ địa phương nào, người dân nào nhưng vấn đề khó khăn nhất vẫn là thị trường và đầu ra cho sản phẩm. Chỉ khi nào chúng ta tìm được đầu ra ổn định cho sản phẩm thì sản xuất cây vụ đông mới thực sự trở thành chính vụ và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để làm được điều đó, ngành nông nghiệp, các huyện thị phải làm tốt công tác quy hoạch và hình thành vùng sản xuất hàng hoá. Làm sao sản xuất vụ đông phải tạo khối lượng và tỷ xuất hàng hoá cao mới có sức hút thị trường.
Thanh Phúc
Các tin khác
Việc tăng giá thuốc, dịch vụ y tế và một loạt các mặt hàng trọng yếu trong rổ tính giá đã tác động mạnh tới CPI tháng 9, khiến chỉ số này bất ngờ tăng mạnh. So tháng 8, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng trên 17%, dịch vụ y tế tăng 23,87%.
YBĐT - Thời gian qua, phong trào chăn nuôi gia súc ở Văn Yên (Yên Bái) được duy trì và có sự tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ của địa phương. HĐND huyện Văn Yên đã phê chuẩn Đề án hỗ trợ phát triển chăn nuôi của huyện giai đoạn 2012- 2015.
YBĐT - Phong trào “Ba xanh” được phát động và triển khai đã mang lại nhiều ý nghĩa bởi mục tiêu cụ thể, thiết thực với những việc làm gắn liền với đời sống kinh tế - xã hội vùng cao, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Theo thông báo của Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam, atiso, hồng và dâu tây Đà Lạt nằm trong Top đặc sản nổi tiếng Việt Nam năm 2012. Thế nhưng, ít người trồng ba loại cây này, thậm chí đang chặt bỏ hàng loạt.