Lãi suất khoản vay cũ sắp về mức 13%/năm
- Cập nhật: Thứ bảy, 11/5/2013 | 8:01:24 AM
Một số ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV và Agribank cho biết sẽ giảm lãi suất các khoản vay cũ về mức 13%/năm kể từ ngày 13-5.
|
Tại buổi họp báo để thông tin về một số giải pháp điều hành chính sách tiền tệ diễn ra ngày 10-5, Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến đã thông báo lời kêu gọi của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đến các ngân hàng thương mại về việc giảm lãi suất các khoản vay cũ về mức 13%/năm. Lời kêu gọi này đã được các ngân hàng lớn đồng loạt hưởng ứng. Được biết, tỷ trọng cho vay ở mức trên 15% đối với các khoản cho vay cũ chiếm 14%.
Có mặt tại buổi họp báo, ông Phạm Quang Dũng, Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, từ ngày 13-5, Vietcombank sẽ giảm tất cả dư nợ cũ xuống dưới 13%/năm. Hiện dư nợ lãi suất 13-15% của ngân hàng này là khoảng 50.000 tỷ đồng, không còn dư nợ lãi suất trên 15%/năm.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng khẳng định, từ 13/5, ngân hàng sẽ điều chỉnh lãi suất cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tối đa là 10%/năm; cho vay trung dài hạn đối với sản xuất tối đa là 11,5%/năm. Đối với các khoản vay cũ, Agribank sẽ giảm lãi suất về dưới mức 13%/năm. Tổng số dư nợ lãi suất từ 13-15%/năm của Agribank hiện đang chiếm khoảng 40% tổng dư nợ.
Theo ông Phan Đức Tú, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), với việc giảm các mức lãi suất điều hành, NHNN đã tạo sự tin tưởng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) khi tham gia cho vay trên thị trường; đồng thời, tạo thanh khoản và nguồn lực nhất định cho các TCTD có nguồn vốn khả dụng để cung ứng vốn cho nền kinh tế với mức lãi suất phù hợp. Trên cơ sở chỉ đạo của NHNN, từ ngày 13-5, BIDV sẽ điều chỉnh giảm lãi suất xuống mức 13%/năm đối với tất cả các khoản vay cũ. “Việc này có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận của ngân hàng nhưng là một hoạt động cần thiết trong thời điểm hiện nay nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp” - ông Tú nói.
Nói đi đôi với làm, chiều tối 10-5, BIDV đã có thông cáo báo chí về việc giảm lãi suất cho vay VND. Theo đó, từ ngày 13-5, BIDV điều chỉnh giảm lãi suất cho vay về mức lãi suất 13%/năm đối với các khoản vay có số dư nợ đến cuối ngày 12-5-2013 có lãi suất vay cao hơn 13%/năm. Ngân hàng này đang khẩn trương rà soát lại toàn bộ dư nợ cho vay tính đến hết ngày trên.
Trước đó vài ngày, các ngân hàng này đã giảm trần lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng đến dưới 12 tháng về mức 7%/năm, thấp hơn mức trần 7,5%/năm mà Ngân hàng Nhà nước quy định.
Phó Thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, việc giảm lãi suất các khoản vay cũ về tối đa 13%/năm sẽ làm giảm lợi nhuận kinh doanh của các ngân hàng nhưng đây là một sự chia sẻ cần thiết của các TCTD đối với những khó khăn của nền kinh tế. NHNN sẽ tiếp tục theo dõi và có đánh giá xem xét khó khăn vướng mắc để có các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp. Các TCTD qua việc giảm lãi suất cũng sẽ có các biện pháp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành.
(Theo HNMO)
Các tin khác
YBĐT - Dù ở nông thôn hay thành thị, ai cũng khát khao làm giàu cho mình, cho xã hội nhưng làm như thế nào, làm ra sao, thực tế đối với mỗi người dân, mỗi địa phương lại muôn hình muôn vẻ.
YBĐT - Vụ đông xuân năm nay, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã gieo cấy 3.955ha. Hiện nay, các diện tích lúa đang trong giai đoạn làm đòng, trỗ bông. Đây cũng là giai đoạn cây lúa dễ bị một số loại sâu bệnh phá hoại.
"Ngân hàng Nhà nước tham gia thị trường vàng với tư cách người mua bán cuối cùng theo giá thị trường, không bao cấp, bù lỗ và tuân thủ đúng quy định bảo đảm lợi ích của Nhà nước".
Phát biểu tại hội nghị hỗ trợ xuất khẩu trái cây vùng ĐBSCL tại Tiền Giang ngày 9-5, tiến sĩ Lương Ngọc Trung Lập (Viện Cây ăn quả miền Nam) cho biết tuy chỉ có khoảng 10% trái cây VN được xuất khẩu với khoảng 40 chủng loại nhưng thị trường đã mở rộng ra 76 quốc gia.