Trả nợ rừng
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/5/2013 | 9:33:38 AM
YBĐT - Trong nhiều năm trở lại đây, trồng rừng kinh tế được chính quyền và nhân dân huyện Văn Chấn (Yên Bái) quan tâm đầu tư. Hướng đi này không những xóa bỏ tập tục đốt rừng làm nương rẫy, khai thác rừng trái phép của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số mà còn báo hiệu cuộc sống no đủ từ những cánh rừng do chính bàn tay đồng bào trồng nên.
Cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng cho đồng bào Mông xã Suối Bu, huyện Văn Chấn.
|
Theo chân cán bộ kiểm lâm huyện Văn Chấn, chúng tôi đến thăm mô hình trồng rừng của gia đình anh Phạm Hữu Khánh ở tổ 1, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ. Những năm 90 trở về trước, Khánh từng được biết đến như là một tay buôn gỗ lậu có tiếng. Nhưng rồi sau nhiều năm làm ăn thua lỗ, Khánh trở về nhà với đôi bàn tay trắng.
Với quyết tâm trả nợ rừng, năm 2004, chỉ với con dao phát, cái cuốc, Khánh bắt tay vào trồng rừng kinh tế. Khánh đặt ra mục tiêu mỗi ngày cuốc 400 hố trồng cây, không xong không về. Đôi bàn tay rớm máu, đôi chân bị chè vè, lau lách cứa nát nhưng với ý chí, nghị lực của mình, anh quyết tâm biến đồi hoang thành rừng vàng. Ngày nào cũng như ngày nào, đầu tắt mặt tối, sáng vào rừng trồng cây, chiều tối mới về. Vừa trồng vừa học hỏi và đúc rút kinh nghiệm, cứ thế năm tiếp năm, những diện tích đồi hoang đã được anh phủ kín bằng các giống cây nguyên liệu. Giờ rừng của Khánh có ở các xã: Phù Nham, Suối Giàng, Suối Quyền và thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ với tổng diện tích lên trên 200ha được phủ xanh bằng keo lai, bạch đàn.
Khánh cho biết: “ Để có tiền trồng rừng, hàng năm gia đình tôi ươm cây giống bán cây con phục vụ bà con trong xã, trong huyện, cứ thế được bao nhiêu tiền tôi lại đầu tư cho trồng rừng. Có nhiều doanh nghiệp đến hỏi mua cả cánh rừng hàng chục tỷ đồng nhưng gia đình không bán”. Được biết, trang trại rừng của anh chẳng những cho giá trị kinh tế cao mà còn giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Rời nhà “vua rừng” Phạm Hữu Khánh chúng tôi đến thăm mô hình trồng rừng của gia đình anh Đặng Thanh Thủy ở thôn Văn Thi 4. Năm 2006 gia đình anh Thủy nhận đất trồng rừng theo Dự án 661, được Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón và kỹ thuật chăm sóc. Qua nhiều năm triển khai trồng rừng đến nay gia đình anh đã có hơn chục ha rừng kinh tế. Đến thời điểm này, diện tích rừng trồng 5 năm tuổi đã cho tận thu khai thác.
Mỗi năm tiền bán gỗ tỉa thưa cũng được 15 - 20 triệu đồng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, bán thu được đồng nào gia đình anh tiếp tục đầu tư vào rừng đồng ấy. Anh Thủy cho biết: “Cũng như nhiều hộ dân khác trong thôn, trước đây gia đình chưa nhận thức được giá trị của việc trồng rừng kinh tế. Thế rồi được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón, cán bộ kiểm lâm địa bàn xuống tận nhà tuyên truyền vận động giải thích về tác dụng của rừng và hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng nên hiện nay nhiều bà con trong thôn đã sống được bằng nghề rừng”.
Hiện nay, ở Văn Chấn, những mô hình trang trại trồng rừng từ 5-10ha như gia đình anh Thủy khá nhiều. Tuy nhiên, có được hàng chục nghìn ha rừng keo, bạch đàn, quế xanh mướt như bây giờ là những cuộc vận động tuyên truyền dài hơi của các cấp, các ngành để khai thông tư tưởng của người dân.
Những năm 2003 trở về trước, ở Văn Chấn có vài chục nghìn ha đất có thể trồng rừng nhưng bỏ trống. Người dân sống gần rừng nhưng vốn chỉ quen với đốt nương làm rẫy, họ đi hết khu rừng này đến khu rừng khác rồi những cánh rừng cũng không kịp xanh lại sau những cuộc khai phá. Trồng rừng kinh tế còn rất xa lạ với người dân, hầu hết chỉ do mấy lâm trường đóng trên địa bàn đảm nhiệm. Đồng bào người Dao, người Mông, Thái coi việc trồng rừng là cho nhà nước, kiểm lâm.
Cùng với đó, chu kỳ trồng rừng thì dài trong khi người dân chỉ thấy cái lợi trước mắt nên họ ăn bám vào rừng tự nhiên. Với quyết tâm đưa tiềm năng lâm nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2006, huyện đã đưa trồng rừng kinh tế vào chương trình phát triển kinh tế địa phương. Để tạo bước đột phá trong trồng rừng kinh tế, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo trồng rừng kinh tế, huy động các đơn vị, cơ quan và nhân dân hưởng ứng.
Ông Vũ Thanh Bình – Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Chấn cho biết: “Hàng năm chúng tôi đã tham mưu cho chính quyền xây dựng kế hoạch trồng rừng cho các xã, đồng thời tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn đôn đốc chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành công tác thiết kế chuẩn bị tốt các điều kiện, tháo gỡ những khó, khăn vướng mắc cho người trồng rừng; chuẩn bị 2 triệu cây giống phục vụ nhu cầu trồng rừng hàng năm. Vào vụ trồng rừng, cán bộ kiểm lâm xuống các bản làng để giao cây giống, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng”.
Với sự tham gia tích cực các cấp, các ngành cùng với những chính sách hợp lý của huyện, của tỉnh người dân đã hiểu rõ lợi ích từ rừng mang lại. Từ đó, đã đưa diện tích rừng trồng mới của Văn Chấn ngày một nâng cao. Bình quân mỗi năm toàn huyện trồng mới 3.000ha rừng các loại, trong đó trồng rừng tập trung từ 1000- 1.500ha.
Trong vòng 7 năm qua, diện tích rừng kinh tế của toàn huyện đạt gần 9.000ha. Ở một số xã, người dân đã sống và làm giàu được bằng nghề rừng như Thượng Bằng La, Chấn Thịnh, Sơn Thịnh, Nghĩa Tâm… Quan trọng hơn từ những mô hình trồng rừng hiệu quả đã làm thay đổi nhận thức của người dân. Bà con đã biết trồng và phát triển vốn rừng, không phá rừng đốt nương làm rẫy như những năm trước.
Trồng rừng đang là hướng đi tích cực xóa đói nghèo của người dân Văn Chấn, rừng chính là cuộc sống là tương lai của người dân nơi đây. Như lời của Hạt trưởng Vũ Thanh Bình thì: “Cái gì đã đi vào lòng người rồi thì không phải tuyên truyền nhiều. Rừng lên xanh là đời người được no ấm, có rừng là có việc làm cho người dân”. Giờ đây, bà con người Mông người Thái, người Dao ở Văn Chấn mong muốn có nhiều đất hơn nữa để trồng rừng, trả lại những gì trước kia mình đã vô tình đánh mất.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Từ khi bắt đầu áp dụng cách quản lý các hoạt động sản xuất nương rẫy một cách triệt để, trong 3 năm gần đây, Trạm Tấu không xảy ra những vụ cháy rừng nghiêm trọng. Kết quả đó khẳng định hướng đi đúng đắn của địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ rừng.
YBĐT - Trong những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Văn Yên (Yên Bái) có bước phát triển khá, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Kết quả đó có sự góp phần không nhỏ của chương trình phối hợp giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội với Hội Phụ nữ huyện về ủy thác vay vốn.
YBĐT - Luật thuế Giá trị gia tăng (GTGT) và Luật Thuế thu nhập doanh nghiêp (TNDN) được Quốc hội thông qua ngày 3/6/2008 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009 để thay thế cho Luật GTGT năm 2007 và Luật thuế TNDN sửa đổi năm 2003.
Bắt đầu vào mùa du lịch, các hãng hàng không đã tranh thủ cơ hội tung ra các chiêu khuyến mãi với việc bán vé máy bay siêu rẻ, thậm chí chỉ 200.000 – 300.000 nghìn cho chặng bay quốc tế.