Kinh nghiệm trồng đậu tương đạt năng suất cao
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/5/2013 | 2:49:14 PM
YBĐT - Ở tỉnh Yên Bái, cây đậu tương được trồng chủ yếu trên chân ruộng một vụ không chủ động nước và đất đồi thấp, tập trung ở các huyện Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên các huyện vùng cao, góp phần tăng thu nhập.
Nông dân xã Trạm Tấu (Trạm Tấu) thu hoạch đậu tương.
|
Các giống có năng suất, chất lượng cao được trồng như: DT84, DT 96, DT 99… Để trồng và thâm canh đậu tương đạt hiệu quả, nông dân cần quan tâm đến một số biện pháp kỹ thuật.
1. Chọn giống: Chọn các giống đậu tương năng suất cao như: DT84, DT 96, DT99…
+ Lượng giống: 2kg/sào (360m2).
+ Chuẩn bị giống: Hạt giống đảm bảo tỷ lệ nảy mầm trên 85%, độ thuần trên 98%.
2. Thời vụ gieo hạt: Vụ hè thu gieo từ 25/5 - 30/7 (dương lịch); thu hoạch vào tháng 9 -10.
3. Làm đất và lên luống: Yêu cầu đất phải nhỏ, tơi xốp, sạch cỏ dại, giữ ẩm và thoát nước tốt.
+ Đất trũng: Cày bừa, tạo luống rộng 1,2m - 1,5m, cao 20cm, rãnh rộng 30cm. Rạch hàng theo 3 hàng dọc hoặc hàng ngang luống, rạch sâu 5 - 7cm, hàng cách hàng 35 - 40cm, hàng ngoài cách mép luống 10 - 15cm,
cây cách cây 10 - 12cm (mỗi hốc gieo 2 hạt). Đảm bảo mật độ 45 - 50 cây/m2.
+ Đất soi bãi thoát nước: Cày bừa tạo luống rộng 2 - 3m, rãnh rộng 30cm hoặc rạch hàng trồng thành băng (mỗi băng rộng 5 - 6m khơi một rãnh thoát nước). Rạch sâu 5 - 7cm, hàng cách hàng 35 - 40cm, cây cách cây 10 - 12cm (mỗi hốc gieo 2 hạt). Đảm bảo mật độ 45 - 50 cây/m2.
+ Đất đồi dốc: Chọn đồi có độ dốc dưới 15 độ, làm sạch cỏ, cày nhỏ đất, sau đó cuốc hốc hoặc rạch hàng sâu 5 - 7cm, hàng cách hàng 35 - 40cm, cây cách cây 10 - 12cm (mỗi hốc gieo 2 hạt). Đảm bảo mật độ 45 - 50 cây/m2.
4. Bón phân: Lượng phân bón cho 1 sào như sau:
- Phân chuồng: 200 - 250kg; lân Supe: 12 - 15kg.
- Kali: 4 - 5kg; đạm urê: 3 - 4kg. Nếu trường hợp đất chua, có thể bón bổ sung thêm vôi bột với lượng 12 - 15kg.
* Cách bón:
- Bón lót toàn bộ phân chuồng + Supe lân + 2 - 2,5kg Kali + 1,5 - 2kg đạm urê rải theo rạch, sau đó lấp nhẹ đất, phủ kín phân (vôi bột bón vãi khi cày bừa làm đất).
- Lượng đạm và kali còn lại bón thúc làm 2 lần:
+ Lần 1: Khi cây có 2 - 3 lá thật.
+ Lần 2: Khi cây có 5 - 6 lá thật.
5. Gieo hạt:
- Trước khi gieo nên phơi lại hạt giống dưới nắng nhẹ 3 - 4 giờ. Gieo lúc có mưa nhỏ, đất ẩm, nếu đất khô nên tưới vào rạch để hạt dễ nảy mầm. Gieo hạt cách xa phân bón lót 2 - 3cm, nếu để hạt tiếp xúc với phân, mầm sẽ bị chết. Khi gieo xong cần lấp một lớp đất dày 1 đến 2cm phủ kín hạt.
6. Chăm sóc:
- Sau trồng 3 - 5 ngày, tiến hành kiểm tra trồng dặm những chỗ mất khoảng.
+ Vun xới lần 1: Khi cây có 2 - 3 lá kép, tiến hành tỉa định cây đảm bảo mật độ 45 - 50 cây/m2. Dùng cuốc xới xáo tạo điều kiện cho đất tơi xốp, bộ rễ phát triển thuận lợi, vi khuẩn nốt sần sớm cộng sinh, làm sạch cỏ dại.
Bón thúc lần 1: Bón 1kg đạm/sào + 1 - 1,5kg kali/ sào, bón cách gốc 5 - 7cm, sau đó vun gốc và lấp kín phân (Chú ý: không để phân dính bám trên lá làm cháy lá và chết cây).
+ Vun xới lần 2: Tiến hành trước khi đậu tương ra hoa sau lần 1 khoảng 12 - 15 ngày, xới sâu 5 - 7cm, sạch cỏ dại.
Bón thúc lần 2: Từ 1 - 1,5kg kali/sào + 1kg đạm/sào, bón cách gốc 10 - 12cm kết hợp vun cao, chống đổ cho cây.
+ Tưới tiêu nước: Đậu tương là cây trồng cạn nhưng kém chịu hạn. Nhu cầu nước của cây lớn nhất vào thời kỳ ra hoa, làm quả. Ngoài việc tưới nước cho đậu tương, trong vụ hè, lượng mưa nhiều, cần chú ý thoát nước kịp thời, nếu ngập úng lâu cây vàng héo, hoa quả rụng nhiều, dẫn đến năng suất thấp.
7. Phòng trừ sâu bệnh:
- Sâu hại: Đậu tương thường bị dòi đục thân, lá, sâu khoang, sâu xanh, rệp, sâu đục quả…
Phòng trừ: Sâu xanh, sâu đục quả bằng Bestox 5EC, Ofatox 400EC nồng độ 0,2%. Trừ bọ xít bằng Padan 95SP, Dipterex 0,1 - 0,15%. Thời gian phun khi cây có 2 lá đơn và 4 - 5 lá thật. Phun vào lúc chiều mát.
- Bệnh hại: Bệnh gỉ sắt, sương mai, thối rễ, cháy lá, đốm nâu vi khuẩn…
Phòng trừ: Dùng giống chống bệnh, bón phân cân đối, luân canh cây trồng. Dùng thuốc hóa học trừ bệnh gỉ sắt, đốm nâu phun Zinep 0,5% hoặc Boocdo 1%.
8. Thu hoạch, bảo quản, để giống.
- Chọn cây làm giống: Cần chọn cây có hoa, lông, quả cùng màu.
- Kỹ thuật phơi ủ cây: Sau khi thu hoạch về, rải cây trên sân phơi tái một nắng, đêm ủ đống không quá 1 mét, sau đó đem phơi đập lấy hạt đợt 1, phơi khô trên nong, nia để giống cho vụ sau (nếu vụ đang trồng là giống nguyên chủng, cấp 1 hoặc cấp 2). Số quả còn lại ủ đống tiếp 2 ngày, sau đó đem phơi rồi đập thu toàn bộ hạt.
- Phơi hạt và bảo quản giống:
+ Không phơi hạt giống trên sân gạch, sân xi măng. Không phơi quá nắng, hạt cắn giòn không dính răng, phơi khô để nguội mới đưa vào bao tải hoặc chum vại lót lá chuối khô dưới đáy và trên miệng để bảo quản.
+ Giống đậu tương có thể dùng trực tiếp từ vụ trước sang vụ sau, tạo điều kiện giảm giá giống, tăng tỷ lệ nảy mầm.
Nguyễn Thị Hằng - (Trung tâm Khuyến nông Yên Bái)
Các tin khác
YB ĐT - Cùng với việc đẩy mạnh chăm sóc lúa vụ đông xuân, thời gian qua, huyện Lục Yên thường xuyên chú trọng thực hiện mô hình cánh đồng mẫu lớn. Đây là vụ đầu tiên trồng thử nghiệm, nên công tác chăm sóc, bảo vệ và phòng trừ sâu bệnh hại luôn được huyện quan tâm, giúp nông dân tăng hiệu quả, năng suất trong sản xuất nông nghiệp.
Trong khi cả năm 2012 không có tháng nào lượng ôtô nhập khẩu chạm mốc 3.000 chiếc thì chỉ trong 4 tháng đầu năm nay đã có hai tháng vượt qua mức này.
Ngày 17/5, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam tổ chức hội thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 84 năm 2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Tuyến cầu cạn trên cao dài 6km sẽ kéo dài từ cầu vượt Mai Dịch đến Nam Thăng Long. Cầu có tốc độ thiết kế 100km/h.