Văn Yên: Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 24/5/2013 | 2:45:13 PM

YBĐT - Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngay từ đầu năm, UBND huyện Văn Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi đồng thời xây dựng lịch tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi...

Tăng cường tiêm phòng vắc-xin và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ là một trong những giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi hữu hiệu.
Tăng cường tiêm phòng vắc-xin và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ là một trong những giải pháp bảo vệ đàn vật nuôi hữu hiệu.

Mặc dù tình hình bệnh dịch gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện từ đầu năm đến nay tương đối ổn định nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, đặc biệt là dịch cúm H7N9 tại Trung Quốc và dịch cúm gia cầm H5N1 trong nước, kết hợp với điều kiện thời tiết bất lợi, việc vận chuyển, giết mổ gia cầm nhập lậu qua biên giới có dấu hiệu gia tăng... Vì vậy, huyện Văn Yên đã chú trọng đẩy mạnh các giải pháp tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân trong phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm để ngăn ngừa không cho các loại bệnh dịch bùng phát và lây lan.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh, ngay từ đầu năm, UBND huyện Văn Yên đã chỉ đạo các xã, thị trấn củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi đồng thời xây dựng lịch tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho vật nuôi; kiểm tra, đôn đốc thú y viên cơ sở thực hiện tiêm phòng triệt để gia súc, gia cầm và chó nuôi của các hộ chăn nuôi theo từng thôn, bản; phối hợp với các trưởng thôn, bản giám sát chặt chẽ bệnh dịch trên đàn gia súc của địa phương, kịp thời xử lý những phát sinh sau tiêm phòng vắc xin...

Bà Vũ Thị Thiết, tổ 2, thị trấn Mậu A cho biết: “Giá lợn hơi xuống thấp trong khi chi phí đầu vào tăng cao, nuôi lợn hiện nay gần như không có lãi nên gia đình tôi chỉ duy trì gần 60 con lợn thịt và 10 con lợn giống. Mặc dù vậy, việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cũng như phun thuốc tiêu độc khử trùng vẫn được gia đình thực hiện thường xuyên theo hướng dẫn của các cán bộ thú y. Do vậy, đàn vật nuôi của gia đình luôn phát triển ổn định và đặc biệt là chưa từng có con nào bị chết do dịch bệnh”.

Theo ông Lý Văn Tiến - Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Văn Yên, đến cuối tháng 4, các xã, thị trấn của huyện đã triển khai tiêm phòng được 12.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; 12.430 liều vắc xin tụ huyết trùng và 12.430 liều vắc xin dịch tả cho lợn; tiêm vắc xin dại cho chó, mèo được 10.276 liều. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn được kiểm soát và ổn định.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của các đơn vị chức năng, tại một số xã, đàn vật nuôi chưa được tiêm phòng triệt để, chưa quản lý tốt đàn chó nuôi; việc tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm còn gặp nhiều khó khăn do địa hình rộng, lực lượng cán bộ thú y mỏng... trong khi ý thức của một số người dân trong phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi chưa cao; tình hình buôn bán gia súc, gia cầm nhập lậu diễn biến phức tạp...

Do vậy, Văn Yên đã ra các văn bản chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn tăng cường tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng trên các phương tiện thông tin về tình hình dịch bệnh, đặc biệt là về nguy cơ lây nhiễm chủng vi rút cúm H5N1 và chủng vi rút cúm mới H7N9 cho người gây tử vong và lây lan dịch bệnh cho đàn gia cầm trên địa bàn; vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn dịch bệnh, mua giống từ các cơ sở có uy tín, đã qua kiểm dịch thú y, chỉ mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng...

Các xã, thị trấn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm và các sản phầm gia súc, gia cầm; kiên quyết tiêu hủy gia cầm nhập khẩu không có nguồn gốc rõ ràng. Các địa phương khi phát hiện đàn vật nuôi có biểu hiện mắc bệnh cần báo cáo ngay cho cơ quan chuyên môn để có hướng xử lý kịp thời và tổ chức tiêu hủy ngay những con chết; tổ chức giám sát chặt chẽ đàn gia súc, gia cầm nghi mắc bệnh, quản lý chặt ổ dịch, nghiêm cấm việc vận chuyển ra ngoài vùng dịch; thường xuyên tổ chức vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ tập trung...

Bên cạnh đó, cán bộ thú y hướng dẫn người chăn nuôi tự tổ chức phun tiêu độc khử trùng 2 ngày 1 lần và tại các chợ buôn bán gia súc, gia cầm. Ban quản lý chợ tổ chức tiêu độc, khử trùng hàng ngày hoặc cuối buổi chợ bằng cách thu gom, xử lý rác thải, rắc vôi bột hoặc phun thuốc sát trùng. Bà Lê Thị Kim Việt - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Yên cho biết: “Song song với những giải pháp trên, Phòng sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi của UBND huyện để duy trì và phát triển tốt đàn vật nuôi”.

Dịch bệnh luôn diễn biến bất thường và khó kiểm soát. Vì vậy, bên cạnh sự chủ động, tích cực của các cơ quan chức năng, mỗi người dân, nhất là người chăn nuôi cần phải nâng cao hơn nữa ý thức tự giác trong phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi của mình như: vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, chủ động tiêm phòng vắc xin và phun thuốc tiêu độc khử trùng, nhập đàn phải có nguồn gốc rõ ràng... Có như vậy, dịch bệnh mới không có cơ hội phát sinh và lây lan.

Hùng Cường

Các tin khác
Trong tháng 4 các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống đã giảm 0,91%.

Sáng nay 24-5, Tổng cục Thống kê (TCTK) đã chính thức công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5-2013. Như dự đoán, CPI cả nước được công bố tháng 5-2013 cũng ở mức - 0,06% so với tháng 4-2013.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân vừa yêu cầu các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp xây dựng và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông kế hoạch triển khai Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020 (Đề án số hóa truyền hình) trước ngày 30/6/2013.

Mức tăng thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng than thuộc nhóm 27.01 và 27.04.

Cán bộ Trạm Khuyến nông Văn Yên trao đổi với nông dân xã Đông Cuông về quá trình sinh trưởng và phát triển của sắn.

YBĐT - Sản xuất nông nghiệp Yên Bái đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Từ một tỉnh có nền nông nghiệp lạc hậu nay đã cơ bản bảo đảm được an ninh lương thực tại chỗ, nhiều nơi còn sản xuất theo hướng hàng hóa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục