Văn Yên phát huy thế mạnh lâm nghiệp

  • Cập nhật: Thứ ba, 28/5/2013 | 9:20:28 AM

YBĐT - Những năm trở lại đây, trồng rừng luôn là hướng thoát nghèo và đi lên giàu có của nông dân huyện Văn Yên (Yên Bái).

Rừng quế Văn Yên. (Ảnh: Thanh Thủy)
Rừng quế Văn Yên. (Ảnh: Thanh Thủy)

Xác định trồng rừng là kinh tế mũi nhọn, huyện đã vận động nhân dân nhận đất trồng rừng, tuyên truyền và hướng dẫn người dân phát triển vốn rừng. Diện tích rừng và đất rừng được giao cho nhân dân quản lý và sử dụng. Hàng năm, huyện xây dựng kế hoạch trồng rừng cho các xã, đồng thời tăng cường cán bộ kỹ thuật xuống địa bàn đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành công tác thiết kế, chuẩn bị tốt các điều kiện cho người trồng rừng; phối hợp với Trung tâm Giống cây trồng cung cấp cây giống, vật tư kịp thời vụ, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc đến từng hộ.

Trung bình hàng năm, toàn huyện trồng mới được trên 2.000ha rừng. 5 tháng đầu năm 2013, toàn huyện đã trồng trên 2.300ha rừng, trong đó chủ yếu là các giống quế, keo, bồ đề.

Văn Yên (Yên Bái) là huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh với trên 93 nghìn ha, trong đó gần 57 nghìn ha là rừng tự nhiên, trên 36 nghìn ha rừng trồng. Rừng không chỉ đóng vai trò là “lá phổi xanh” bảo vệ môi trường sống mà trồng rừng còn trở thành nghề chính của bà con nông dân, đã và đang là một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Theo ông Khổng Giang Lam - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thì: “Mỗi ha cây lâm nghiệp như keo trong một chu kỳ 8 năm, sẽ cho sản lượng gỗ trung bình 80m3, với giá bình quân hiện thời hơn 1triệu đồng/m3 người làm rừng cũng có thu nhập cả trăm triệu đồng/ha. Trung bình hàng năm huyện đã khai thác được gần 32.000m3 gỗ vườn rừng, trên 18 nghìn tấn nguyên  liệu giấy thu về vài chục tỷ đồng”.

Nói đến trồng rừng Văn Yên thì quế vẫn là cây chủ lực. Với trên 15.000ha, Văn Yên được mệnh danh là “thủ phủ” của cây quế. Quế được trồng tập trung chủ yếu ở xã: Đại Sơn, Viễn Sơn, Xuân Tầm, Phong Dụ Hạ, Dụ Thượng... Cây quế đã gắn liền với đời sống của nhân dân các dân tộc Văn Yên từ bao đời nay. Từ những thập niên  60 của thế kỷ trước, đồng bào người Dao Văn Yên đã có phong trào trồng quế.

Hàng năm cứ vào mùa xuân là phong trào trồng quế phát triển mạnh mẽ. Quế đã trở thành nguồn thu nhập chính, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Xuất phát từ lợi ích thiết thực về kinh tế của cây quế nên huyện Văn Yên đã có chủ trương mở rộng phát triển vùng quế, phong trào đưa quế sang sông được người dân đồng tình hưởng ứng, đến nay cây quế có mặt ở tất cả các xã trên địa bàn huyện.

Vào xã Đại Sơn, là bạt ngàn rừng quế nhiều thế hệ. Theo thống kê của UBND xã  Đại Sơn, toàn xã có hơn 500 hộ thì hộ nào cũng trồng quế, trong đó hơn 40% số hộ có 5ha trở lên, còn lại mỗi hộ cũng có tới 2- 3ha.

 Anh Đặng Kim Thanh - một hộ dân trồng quế lâu năm ở Đại Sơn cho hay: “Giờ đây trồng quế khi thu hoạch chẳng phải bỏ đi thứ gì cả, từ lá, thân, gốc đều bán được. Mỗi vụ quế gia đình tôi thu được trung bình trên 40  triệu đồng từ vỏ cây quế, chưa kể bán thương phẩm các bộ phận khác. Từ cây quế, gia đình có thu nhập ổn định, đủ tiền cho con cái đi học hay sắm sửa đồ đạc”.

Tuy nhiên, theo các hộ dân thì trồng quế giờ không sợ ế nhưng giá cả bấp bênh. Với người dân trồng quế, đầu ra của sản phẩm vẫn là nỗi lo nhất. Cây quế gặp nhiều thăng trầm vì thị trường tiêu thụ còn hạn chế, chưa thể xuất khẩu trực tiếp. Chính vì vậy, việc tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm là vấn đề luôn được Đảng bộ, chính quyền huyện quan tâm. Để nâng cao đời sống cho người trồng rừng, huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp, đến nay đã hình thành một số nhà máy chế biến gỗ rừng trồng tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với đó, trên địa bàn huyện có hàng trăm cơ sở chưng cất tinh dầu quế bằng phương pháp thủ công với nguyên liệu là các cành nhỏ và lá quế được tận dụng.  Ngoài ra còn có 4 nhà máy chế biến tinh dầu quế: Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Đạt Thành có 2 nhà máy đặt tại xã Đông Cuông và xã Hoàng Thắng, tổng công suất 200 tấn/năm; Hợp tác xã Bách Lẫm, xã Xuân Tầm công suất 100 tấn/năm; Công ty TNHH Trường An ở xã Phong Dụ Hạ (hai nhà máy) 170 tấn/năm. Các nhà máy trên góp phần tiêu thụ một lượng lớn nguyên liệu  cành nhỏ, lá, góp  nâng cao đời sống của nông dân trồng quế.

Với những ưu thế vượt trội, cây quế tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế của Văn Yên trong những năm tiếp theo. Huyện cũng đã chủ động hướng nguồn lực tập trung vào để phát triển công nghiệp chế biến sản phẩm từ cây quế ngay tại chỗ, giúp bà con yên tâm phát triển cây lâm nghiệp giàu giá trị này. Đồng thời, quảng bá đưa sản phẩm quế Văn Yên có mặt  trong và ngoài nước góp phần nâng cao thu nhập người trồng quế.

Văn Thông

Các tin khác
Thu hái chè Suối Giàng.  Ảnh: Thanh Miền

YBĐT - Nói đến chè Yên Bái không thể không nhắc đến thương hiệu chè Suối Giàng. Được chọn lọc từ những búp chè Shan, sinh trưởng tự nhiên ở vùng núi Suối Giàng, chè mang vị thơm, tinh khiết, làm say đắm lòng người.

Ngay tại xã Suối Giàng - quê hương của loại chè đặc sản này cũng đã có tới cả chục cửa hàng treo biển với đủ loại đặc sản chè Suối Giàng: chè đặc sản Suối Giàng, chè tuyết cổ thụ Suối Giàng, đặc sản chè tuyết sơn trà Suối Giàng...

Hành khách chuẩn bị lên máy bay của VNA ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) cho biết sẽ tăng chuyến bay phục vụ nhu cầu của hành khách trong giai đoạn cao điểm hè 2013.

Ngày 27-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chính thức ban hành thông tư mới để sửa đổi, giãn lộ trình thực hiện Thông tư 02.

Đồng chí Nguyễn Phi Long - Phó chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam (trái) trao 300 triệu đồng hỗ trợ từ nguồn vốn vay 120 - phát triển kinh tế trang trại cho Tỉnh đoàn Yên Bái.

YBĐT - Trong 2 ngày 26, 27/5, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã phối hợp với Tỉnh đoàn Yên Bái tổ chức Hội nghị “Chủ trang trại trẻ khu vực miền núi phía Bắc năm 2013”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục