Mối quan hệ cần thiết hướng đến sản xuất bền vững
- Cập nhật: Thứ tư, 29/5/2013 | 3:02:33 PM
YBĐT - Trong thực tế, sự phát triển của ngành chè những năm qua đã để lại những bài học đắt giá cho bản thân mỗi doanh nhân, mỗi doanh nghiệp. Những “cây đại thụ” một thời của ngành chè Yên Bái giờ chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí đang đứng trên bờ vực phá sản.
Trên 60 % người dân thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ (Văn Chấn) sống bằng thu nhập từ cây chè.
|
Câu hỏi đặt ra là tại sao nhà máy đặt ở giữa một vùng nguyên liệu rộng lớn lại không có nguyên liệu sản xuất, thậm chí ngay cả khi nhà máy có vùng nguyên liệu vài trăm héc-ta của riêng mình nhưng vẫn thiếu nguyên liệu…
Trong sự hỗn độn, bát nháo của hoạt động sản xuất, chế biến chè những năm qua vẫn có những điểm sáng tuy chưa thật sự nổi bật nhưng cũng âm thầm góp phần ổn định tâm lý cho người làm chè. Cơn mưa rào thoáng chốc cuối tháng 4 như trút bỏ nỗi lo hạn hán hơn tháng qua của bao nông dân làm chè cũng như ông chủ doanh nghiệp chè Nghĩa Lộ.
Niên vụ 2013, Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ đã đầu tư 2,1 tỷ đồng cho nông dân vay mua trên 500 tấn phân bón để thâm canh giai đoạn đầu vụ. Sự đầu tư này đã kéo dài nhiều năm nay và đầu tư không chỉ cho 328ha vùng nguyên liệu của nhà máy vốn đã giao trực tiếp cho nông dân canh tác mà toàn bộ diện tích 270ha chè của thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ cũng được nhà máy đầu tư.
Việc đầu tư không phân biệt diện tích do nhà máy quản lý hay địa phương quản lý, doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ toàn bộ sản phẩm cho nông dân và điều quan trọng là nhà máy đầu tư không lấy lãi và chỉ vào lứa hái thứ 3 trở đi mới bắt đầu thu lại gốc. Từ đó, nhà máy đã có được một vùng nguyên liệu tương đối ổn định với sản lượng gần 6.000 tấn mỗi năm. Sản lượng này sẽ còn tiếp tục tăng lên trong những năm tới khi toàn bộ diện tích trên 500ha đã được cơ bản cải tạo bằng các giống chè nhập nội.
Ông Nguyễn Thành Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ cho biết: "Nếu như năm 2010, chúng tôi phải mua từ bên ngoài 1.500 tấn chè sơ chế thì năm 2011 chỉ còn 1.000 tấn và năm 2012 vừa qua còn 700 tấn. Kết quả đó có được là do nhà máy đã từng bước ổn định được vùng nguyên liệu".
Ông Vinh cũng thừa nhận, trong những tháng đầu vụ hay cuối vụ vẫn có nhiều tư thương “nhảy” vào đẩy giá lên cao để thu mua nguyên liệu, một bộ phận người dân vì cái lợi trước mắt mà phá vỡ hợp đồng với nhà máy, bán nguyên liệu ra ngoài. Vấn đề này, nhà máy cũng rất khó can thiệp, chỉ có thể tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân.
Ông Vinh khẳng định: "Người làm nông nghiệp, đặc biệt là làm chè, muốn tồn tại và phát triển thì trong quan hệ nhà máy với nông dân phải có trách nhiệm với nhau. Qua đầu tư ứng trước, nông dân cũng thấy được doanh nghiệp có trách nhiệm với họ và ngược lại, nông dân cũng phải có trách nhiệm với nhà máy".
Nói như vậy không phải là nhà máy này đã thực sự làm chủ được vùng nguyên liệu bởi trong vùng nguyên liệu nay đã xuất hiện thêm một cơ sở chế biến khác là doanh nghiệp Thành Hương cũng như tư thương nhiều nơi vẫn đổ về, dùng đủ “chiêu bài” để thu mua.
Ông Hoàng Trung Dũng - Phó chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ cho biết: "Nhà máy đầu tư cho nông dân vay vốn thâm canh, nông dân bán lại sản phẩm cho nhà máy cũng là điều tất yếu. Nhưng giá thu mua của nhà máy không thể thấp hơn giá thị trường quá nhiều, khi đó cũng khó trách nông dân bán sản phẩm ra ngoài".
Cũng với cách làm như vậy, Công ty cổ phần Chè Liên Sơn cũng đang hướng đến sản xuất, chế biến chè một cách bền vững. Diện tích chè do nhà máy quản lý được giao cho nông dân canh tác và hưởng lợi, nhà máy chỉ kiểm soát về chất lượng và bao tiêu sản phẩm.
Trên nương chè xanh bạt ngàn được nhà máy đầu tư đường bê tông đến từng nương chè, chị Phạm Thị Thắm, tổ 10, thị trấn Nông trường Liên Sơn cho biết: "Làm chè bây giờ không còn vất vả như trước nhưng lại yêu cầu nghiêm ngặt hơn trong quy trình chăm sóc và thu hái. 1,6ha chè của gia đình chỉ có hai vợ chồng tôi làm, nếu là trước đây thì không kham nổi nhưng hiện tại công việc nặng nhọc, tốn nhiều công nhất là hái chè đã có máy, do vậy giảm đáng kể công sức, nâng cao thu nhập. Điều quan trọng hơn cả là sản phẩm chè búp tươi được nhà máy thu mua toàn bộ, giá cả tương đối ổn định và sát với giá thị trường".
Đã 30 năm làm chè, chị Thắm ý thức được cái lợi, cái hại trước mắt cũng như lâu dài của người làm chè. Tuy nhiên đôi lúc, chị cũng không tự chủ được mà bán sản phẩm cho tư thương bên ngoài vì giá tư thương đưa ra cao hơn từ 1.000 - 1.200 đồng/kg.
Ông Đoàn Quang Kỳ - Phó chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Liên Sơn cho biết: "3 năm trước, xã có chủ trương không cho dân bán nguyên liệu ra ngoài nhưng giá của nhà máy thấp hơn giá thị trường quá nhiều, không đáp ứng được yêu cầu nên nông dân phải bán ra ngoài".
Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Văn Tú - Phó giám đốc Công ty cổ phần Chè Liên Sơn cho biết: "Giá cả thị trường chè những tháng đầu vụ luôn có sự dao động và chỉ ổn định vào tháng 6, tháng 7. Chính vì thế, giá thu mua của nhà máy phụ thuộc lớn vào giá thị trường trong khi các cơ sở chế biến không có vùng nguyên liệu “nhảy” vào làm lũng đoạn thị trường chè búp tươi. Nhiều khi, họ đẩy giá lên cao vọt nhưng chỉ mua 2 đến 3 xe thì “lặn” mất tăm, gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp".
Có thể thấy, ngay cả khi đã có vùng nguyên liệu nhưng các nhà máy vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn và “cuộc chiến” nguyên liệu trở thành sự sống còn của mỗi doanh nghiệp chè. Nhiều người làm chè đều nói rằng, xây dựng được vùng nguyên liệu đã rất khó nhưng khi có được vùng nguyên liệu thì cần phải có trách nhiệm với vùng nguyên liệu của mình. Trách nhiệm với vùng nguyên liệu ở đây không chỉ là đầu tư cho nông dân vay vốn không lấy lãi hay ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trách nhiệm thực sự phải là trách nhiệm với đời sống của người làm chè. Nông dân không thể biết doanh nghiệp mua với giá đó thì sản xuất lãi cao hay thấp vì chẳng doanh nghiệp nào nói thật với họ mà họ chỉ so sánh trực tiếp với giá thị trường, nếu có sự chênh lệch quá lớn thì họ bán ra ngoài là điều tất yếu.
Anh Dũng
Các tin khác
Theo mức thuế suất thuế tài nguyên đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến, thuế suất các loại khoáng sản sẽ tăng cao. Trong đó, mức thuế suất vàng sẽ tăng kịch trần là 25%, titan tăng từ 11% lên 16%...
YBĐT - Đối với vùng cao Mù Cang Chải (Yên Bái), thế mạnh từ trước đến nay vẫn là chăn nuôi đại gia súc và đối với bà con người Mông nơi đây, con trâu vẫn là “đầu cơ nghiệp”.
Các tỉnh này cần tập trung vào những con vật nuôi lợi thế và có khả năng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Hoàng Xuân Nguyên tại Hội nghị về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diễn ra sáng ngày 28/5.