Yên Thành chuyển bước đi lên

  • Cập nhật: Thứ tư, 17/7/2013 | 9:39:40 AM

YBĐT - Là xã vùng 3 đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình, xã Yên Thành hiện có gần 900 hộ với hơn 4.000 nhân khẩu, trong đó chiếm 95% là đồng bào dân tộc Dao quần trắng sinh sống ở 11 thôn. Nhờ phát huy nội lực, chủ động, nhạy bén trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà đời sống của người dân nơi đây đang từng ngày khởi sắc.

Người dân Yên Thành phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình.
Người dân Yên Thành phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập cho gia đình.

Trong ánh hoàng hôn vàng nhạt, những chiếc thuyền nan nối đuôi nhau chở dưa hấu về đất liền. Đưa giống dưa hấu vào trồng trên đảo hồ không chỉ đem lại hiệu quả to lớn về mặt kinh tế cho đồng bào Dao nơi đây mà còn đánh dấu bước đổi thay vượt bậc về nhận thức trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi của nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Bàn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Yên Thành cho hay: "Mặc dù là xã thuần nông nhưng diện tích ruộng cấy lúa của Yên Thành chỉ có chưa đầy 30ha. Hơn nữa, trình độ nhận thức của người dân còn rất nhiều hạn chế. Năm 2013, thấy các xã vùng lân cận trồng dưa hấu trên đảo hồ có hiệu quả, xã đã vận động 50 hộ dân ở thôn 8, 9, 10 tận dụng diện tích đất dưới cốt hồ Thác Bà trồng được 2,5ha dưa hấu. Tuy là vụ đầu tiên nhưng được học tập kinh nghiệm và trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật nên bà con đã giành được vụ dưa hấu bội thu với sản lượng quả đạt gần 25 tấn. Bán ngay tại vườn là 6.000 đồng/kg, mỗi héc-ta dưa hấu đem về cho người dân mức thu gần 50 triệu đồng. Trừ chi phí, người trồng dưa thu lãi từ 30 đến 40 triệu đồng, cao gấp 2 đến 3 lần trồng các loại cây màu khác".

Anh Lý Văn Nguyên ở thôn 8 vui mừng chia sẻ: "Năm nay, gia đình tôi trồng 3,5 sào dưa hấu, thu hoạch được hơn 1 tấn quả. Trước đây chỉ nghe nói, nay nhìn thấy những trái dưa lúc lỉu trong vườn do chính bàn tay mình trồng, chăm sóc, niềm vui được nhân lên gấp bội. Vụ tới, gia đình tôi tiếp tục mở rộng thêm từ 4 đến 5 sào dưa nữa".

Có được kết quả đó là do Đảng bộ, chính quyền xã Yên Thành đã không ngừng đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế; vận động bà con chủ động, nhạy bén chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đến nay, 100% số hộ gia đình trong xã đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh sản xuất, vì thế đời sống được cải thiện hơn nhiều so với trước. Diện tích cấy lúa ít, hàng năm, Yên Thành đã vận động nhân dân chủ động mùa vụ, tận dụng tối đa diện tích đất dưới cốt để đưa các loại cây màu vào trồng.

Những năm trước đây, việc tuyên truyền, vận động trồng cây màu ở địa phương khó khăn bao nhiêu thì nay đã trở thành phong trào được người dân thực hiện một cách tự giác. Trung bình mỗi năm, xã trồng được từ 150 - 250ha cây màu các loại, riêng vụ đông xuân năm 2012 - 2013 trồng hơn 200ha bao gồm sắn, dưa hấu, ngô, khoai, lạc và đậu đỗ.

Ngoài ra, nhân dân còn đưa các loại cây lâm nghiệp vào trồng với diện tích từ 70 - 100ha mỗi năm, trong đó từ đầu vụ xuân năm 2013 đến nay đã trồng được hơn 70ha, nâng tổng diện tích rừng trồng toàn xã lên 1.200ha. Trên 80% số hộ dân trong xã đã và đang có thu nhập từ rừng, nhiều hộ giàu lên từ nghề trồng rừng. Đối với diện tích rừng năm đầu chưa khép tán, xã đã chỉ đạo bà con đưa cây sắn vào trồng xen với diện tích 160ha trở lên mỗi năm. Bằng cách làm này không những mang lại nguồn thu nhập lớn cho người dân  mà còn giúp đất canh tác không bị bạc màu.

Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích người dân phát triển kinh tế có hiệu quả, xã đã tập trung chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên… chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện tăng cường mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, hội viên vay vốn. Hiện tại, tỷ lệ hộ dân được tiếp cận các nguồn vốn vay tại địa phương đạt trên 80%. Có vốn lại thường xuyên được hướng dẫn cách làm ăn nên hầu hết các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Chị Lý Thị Thủy ở thôn 2 chia sẻ: "Được tập huấn khoa học kỹ thuật, gia đình tôi mạnh dạn đầu tư gần trăm triệu đồng xây dựng chuồng trại và mua lợn giống về nuôi. Hiện tại, tôi nuôi 50 con lợn thịt và 4 con lợn nái, mỗi năm xuất bán 3 lứa, trừ chi phí thu lãi vài chục triệu đồng". 

Có tích lũy, chị Thủy tiếp tục đầu tư nuôi hàng trăm con ngan và mở cửa hàng dịch vụ bán vật tư nông nghiệp. Đời sống gia đình chị đã ngày càng khá giả với mức thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm. Còn anh Lý Văn Hạt ở thôn 1 bộc bạch: "Cuối năm 2005, được Hội Nông dân xã bình xét cho vay 5 triệu đồng từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, cộng với số tiền vay của anh em, bạn bè và bán 2 con bò, vợ chồng tôi đầu tư 25 triệu đồng mua máy xay xát về làm dịch vụ".

Tận dụng nguồn cám, anh Hạt chăn nuôi lợn, gà theo phương châm lấy ngắn nuôi dài. Dần dà, anh đầu tư trồng 3ha keo và cải tạo 200m2 ao thả cá để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Thấy chăn nuôi trâu, bò mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh đã mua 8 con trâu, bò về nuôi theo phương pháp bán công nghiệp. Hiện tại, mô hình kinh tế của gia đình đã trở thành điểm đến thăm quan, học tập kinh nghiệm của bà con trong thôn, trong xã. Năm nào gia đình anh Hạt cũng được bình bầu là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi. Một số hộ khác lại mạnh dạn đầu tư đóng lồng và đào ao đắp đập thả cá với số lượng từ 5 đến 6 lồng cá trở lên mỗi năm. Hiện tỷ lệ hộ khá, giàu của xã chiếm trên 20%, đời sống của người dân không ngừng được nâng cao cả về vật chất lẫn tinh thần.

Yên Thành hôm nay đang dần thay da đổi thịt. Mặc dù vậy, địa phương vẫn chưa phải đã hết khó khăn bởi tỷ lệ hộ nghèo còn cao, gần 40%; thu nhập bình quân đầu người ở mức thấp so với mặt bằng chung của huyện. Những năm tới, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, Yên Thành tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực, nhạy bén trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi để một ngày không xa sẽ nhanh chóng ra khỏi danh sách xã nghèo.

Kiều Mười

Các tin khác
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP, chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ đạo, ngày 16/7.

Họp với Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về VSATTP, ngày 16/7, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu đánh giá hiệu quả của 10.000 đoàn kiểm tra VSATTP triển khai trong 6 tháng qua.

Sáng 16-7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì cuộc họp đánh giá công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ngày 16/7/2013, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 17/2013/TT-NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc phát hành trái phiếu quốc tế của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh.

YBĐT- Đến thời điểm này trên 2.400 ha ngô vụ xuân của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) bắt đầu cho thu hoạch với năng suất ước đạt 25 tạ/ha. Hiện nay, cùng với việc thu hoạch ngô xuân hè, nhân dân trong huyện đang chuẩn bị tốt mọi điều kiện để gieo trồng 995 ha ngô vụ hè thu theo kế hoạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục