Yên Bái: Kết quả thu ngân sách cao là hợp lý
- Cập nhật: Thứ ba, 23/7/2013 | 9:01:05 AM
YBĐT - Vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng kết quả thu ngân sách năm 2012 của Yên Bái cao là do nhiều tố tức thời chứ không phản ánh đúng tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh. Phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Văn Diểm – Cục trưởng Cục thuế Yên Bái xung quanh vấn đề này.
Cán bộ Chi cục thuế huyện Yên Bình triển khai thu ngân sách 6 tháng cuối năm 2013.
|
P.V: Năm 2012 thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.067 tỷ đồng, có nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ Yên Bái đạt số thu cao như vậy là do bán đất, vận động doanh nghiệp nộp thuế truớc thời hạn và thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (PNN) trước từ 3-5 năm. Ông đánh giá thế nào về những ý kiến trên?
Ông Hoàng Văn Diểm: Năm 2012 được đánh giá là khó khăn nhất trong hơn 10 năm trở lại đây đối với công tác thu ngân sách trên địa bàn nhưng ngành thuế đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các giải pháp thu; liên tục đổi mới và triển khai các quy trình quản lý thuế phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; tăng cường cải cách thủ tục hành chính thuế; phối hợp triển khai có hiệu quả công tác chống thất thu thuế, nhất là đối với lĩnh vực mà Yên Bái có thế mạnh như: khai thác khoáng sản, chế biến nông, lâm sản; phân cấp mạnh mẽ nguồn thu cho các đơn vị cơ sở; tham mưu cho tỉnh sử dụng hiệu quả tài nguyên đá vôi trắng thải mạt…
Đồng thời, có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị nên toàn tỉnh thu ngân sách đạt 1.067 tỷ đồng, bằng 125% dự toán Trung ương giao và bằng 106,7% dự toán của tỉnh, tăng 24,2% so với năm 2011. Trong đó, thuế công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 264,4 tỷ đồng; các nguồn thu từ đất đạt 251 tỷ (trong đó, thu tiền giao đất là 232,8 tỷ; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là 8,5 tỷ; tiền thuê đất là 9,7 tỷ); khối quốc doanh đạt 222,2 tỷ đồng; khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài 73,1 tỷ; thuế thu nhập cá nhân 43,5 tỷ; phí, lệ phí 43,3 tỷ; lệ phí truớc bạ 39,3 tỷ; thuế bảo vệ môi trường 35,3 tỷ; xổ số 12,4 tỷ… Tất cả các chi cục thuế huyện, thị xã, thành phố đều hoàn thành vượt mức dự toán được giao.
Có thể nói, nhìn vào cơ cấu nguồn thu là hợp lý và đúng với tiềm năng phát triển kinh tế của tỉnh. Nếu so với dự toán được lập từ năm 2011 cũng trên cơ sở phát triển cơ cấu kinh tế thì nguồn thu từ bán đất (thu tiền giao đất) chỉ vượt so với dự toán 16,4% (32,8 tỷ đồng) - một tỷ lệ vượt không cao so với dự toán. Nhìn lại năm 2011 thì tỷ lệ thu tiền giao đất vượt so với dự toán là 15% (dự toán thu 150 tỷ, thực hiện đạt 172,5 tỷ); năm 2010 thu đạt 161 tỷ, tăng 79% so với dự toán. Như vậy, nếu so với nhiều năm trở lại đây thì tỷ lệ thu tiền giao đất của tỉnh vẫn ở mức bình thường, không có gì đột biến.
Đối với nguồn thu từ thuế sử dụng đất PNN, ngành thuế huy động người dân nộp trước từ 3-5 năm, do tỷ lệ huy động thuế thấp hơn nhiều so với thuế nhà đất trước đây. Nếu như năm 2011 thực hiện Pháp lệnh thuế nhà, đất thì toàn tỉnh một năm thu vào ngân sách 15,3 tỷ đồng thì năm 2012, toàn tỉnh thu thuế sử dụng đất PNN trong thời gian từ 3-5 cũng chỉ thu được 8,5 tỷ đồng. Để tiết kiệm thời gian đi nộp thuế cho người dân và giảm thiểu các chi phí hành chính, nhân lực cho công tác thu thuế sử dụng đất PNN, do số thu quá nhỏ nên ngành thuế huy động thu trong 3-5 năm là việc làm cần thiết chứ không vì mục tiêu số thu.
Riêng việc huy động DN ứng trước thuế thì trên thực tế, việc nộp thuế của DN là thực hiện theo quy định của Luật Quản lý thuế. Số thuế phát sinh đến đâu thì nộp đến đó, ngành thuế cũng không thể làm trái các quy định của pháp luật thuế hiện hành. Mặt khác, nhìn vào cơ cấu số thu từ các khu vực kinh tế thì không có sự bất thường. Hơn nữa, nếu DN ứng trước thuế thì 6 tháng đầu năm 2013, ngành thuế không thể đạt được kết quả thu cao như hiện nay.
- Cụ thể, kết quả công tác thu ngân sách 6 tháng đầu năm như thế nào? Ông có đánh giá gì về kết quả đó?
Sáu tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh thu ngân sách đạt 436,3 tỷ đồng, bằng 49,7% dự toán Bộ Tài chính giao và bằng 42% dự toán phấn đấu của tỉnh, tăng 45% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó, khối tỉnh quản lý thực hiện 124 tỷ đồng, bằng 30% dự toán, tăng 27% so cùng kỳ; khối huyện, thị xã, thành phố thực hiện 311 tỷ đồng, bằng 49%, tăng 52% (trong đó, thu tiền giao đất đạt 21 tỷ đồng, bằng 51% dự toán và bằng 80% cùng kỳ). Hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đều thu đạt tỷ lệ cao: thị xã Nghĩa Lộ đạt 60% dự toán, Văn Yên 59%, Lục Yên 53%, thành phố Yên Bái 50%, Trấn Yên 47%, Yên Bình 43%, Văn Chấn 36% (do số thu từ thủy điện chưa phát sinh thuế, do chưa phát điện); hai huyện vùng cao Mù Cang Chải 86% và Trạm Tấu 61%.
Như vậy, tiến độ thu ở các địa phương đều vượt so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm. Qua kết quả này có thể khẳng định ngành thuế đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương về các giải pháp thu; tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế (NNT) và quản lý thuế theo chức năng, tạo điều kiện tốt nhất cho NNT tuân thủ pháp luật thuế; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra hồ sơ khai thuế và kiểm tra thực hiện qui trình trong nội bộ ngành, kịp thời xử lý vi phạm; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế; đồng thời bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp cũng như làm tốt công tác thi đua, khen thưởng trong ngành thuế và NNT.
- Được biết, năm 2013 Yên Bái được giao nhiệm vụ thu ngân sách cũng là con số nghìn tỉ. Nỗ lực của ngành thuế Yên Bái để hoàn thành chỉ tiêu này như thế nào, thưa ông?
Đúng vậy, ngành thuế đang nỗ lực phấn đấu để đạt dự toán thu mà tỉnh giao với số thu 1.050 tỷ đồng trong năm nay. Để đạt được mục tiêu này, 6 tháng cuối năm, ngành sẽ tập trung vào một số giải pháp chính sau đây:
Thứ nhất: Tập trung nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với tỉnh và cấp có thẩm quyền các giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp; tiến hành phân tích, đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của DN để dự báo các nguồn thu có khả năng tăng trưởng, nhằm quản lý chặt chẽ, bù đắp cho khoản hụt thu do thực hiện miễn, giãn, giảm thuế theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và các chính sách giãn, giảm thuế khác.
Thứ hai: Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các ngành tập trung vào công tác đấu giá thu tiền sử dụng đất, công tác giải ngân cho các công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn ngân sách, các dự án xây dựng đường giao thông nông thôn, giao đất giao rừng... nhằm giúp DN có vốn hoạt động.
Thứ ba: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chống thất thu; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế và đôn đốc, cưỡng chế thu hồi nợ thuế hiệu quả; tổ chức toạ đàm với DN để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc về chính sách. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế và công tác tuyên truyền, hỗ trợ NNT và triển khai thực hiện tốt các chính sách thuế mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2013.
Thứ tư: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Chỉ đạo thực hiện tốt những tiêu chuẩn cần “xây” và những điều cần “chống” trong công chức thuế, nhằm xây dựng ngành Thuế Yên Bái vững mạnh về mọi mặt và hướng tới các giá trị “Minh bạch, chuyên nghiệp, Liêm chính, đổi mới”, từ đó tạo nguồn lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà tỉnh giao cho.
Quang Thiều (thực hiện)
Các tin khác
Sắp có cao tốc nghìn tỷ nối Hà Nội – Lạng Sơn (VTC News) – Đó sẽ là tuyến cao tốc nối Thủ đô Hà Nội với cửa khẩu Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn, được đầu tư 27.312 tỷ đồng.
Chiều 22-7, Công ty TNHH Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn SJC cho biết, trong phiên giao dịch buổi sáng tại cửa hàng chính đặt tại trụ sở Công ty SJC, công ty đã mua vào một miếng vàng SJC loại 1 lượng bị làm nhái.
Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Phước Thanh làm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ công bố chiều 22/7.
YBĐT - Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Hát Lừu (Trạm Tấu) có 210 hội viên, sinh hoạt ở 7 chi hội cơ sở. Những năm qua, cùng với việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, hội viên CCB tích cực động viên, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống bằng nhiều việc làm thiết thực.