Để sản xuất lâm nghiệp phát triển bền vững

  • Cập nhật: Thứ hai, 29/7/2013 | 3:09:02 PM

YBĐT - Cho đến thời điểm này, hiệu quả kinh tế trong sản xuất lâm nghiệp đã được khẳng định rõ, không chỉ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, sản xuất lâm nghiệp cũng vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại cần được tháo gỡ, từ phát triển vùng nguyên liệu đến chế biến mới hy vọng phát triển bền vững.

Khâu chế biến còn nhiều hạn chế, chủ yếu là chế biến thô sản phẩm bán thành phẩm.
Khâu chế biến còn nhiều hạn chế, chủ yếu là chế biến thô sản phẩm bán thành phẩm.

Phát huy thế mạnh của một tỉnh miền núi, nhiều năm qua, Yên Bái đã có nhiều chủ trương, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển lâm nghiệp. Bình quân mỗi năm, nhân dân, các nông - lâm trường, công ty lâm nghiệp trồng mới trên 13.000ha rừng, nâng diện tích rừng kinh tế lên trên 200.000ha. Kinh tế đồi rừng giờ đây đã thực sự trở thành một nghề không thể thiếu với không ít bà con nông dân, đã và đang góp phần lớn vào công cuộc xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất lâm nghiệp, nhất là trong phát triển rừng kinh tế, giá trị mang lại chưa cao, chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị thực. Trồng rừng kinh tế không chỉ dừng lại ở các huyện vùng thấp mà đã phát triển lên cả huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Song song, mỗi năm, bà con khai thác luân kỳ từ 9.000 - 10.000ha. Năm 2012, toàn tỉnh khai thác trên 7.000ha rừng kinh tế, thu trên 370.000m3 gỗ, năng suất bình quân đạt trên 52m3/ha. Qua đó cho thấy, sản lượng gỗ cho thu hoạch là rất thấp, sản lượng thấp đồng nghĩa với giá trị kinh tế không cao. Với 50m3 gỗ thu được bán với giá thị trường được chưa đầy 50 triệu đồng/ha.

Đây là số tiền không hề nhỏ đối với các hộ gia đình ở nông thôn nhưng nếu đem chia cho một chu kỳ trồng rừng 6 - 7 năm thì mỗi năm, người dân chỉ thu được chục triệu đồng, chưa kể chi phí tiền giống, phân bón, công lao động, các chi phí khác. Năng suất, chất lượng rừng rất thấp, nguyên nhân chính do thiếu đầu tư từ khâu tuyển chọn giống đến đầu tư chăm sóc. Diện tích rừng trồng lớn nhưng diện tích được trồng bằng các giống cây lâm nghiệp chuẩn, tiến bộ rất thấp.

Thực tế những năm trước đây, bà con trồng rừng chủ yếu bằng các giống cho năng suất kém như: keo lá tràm, keo tai tượng, bồ đề, bạch đàn thường. Không chỉ vậy, những diện tích rừng cho năng suất thấp là trồng trên đất chu kỳ 2, 3 cùng mức đầu tư thấp nên hiệu quả không cao cũng dễ hiểu.

Một hai năm trở lại đây, tỉnh đã cung ứng các giống cây lâm nghiệp tiến bộ như: bạch đàn mô, keo lai, keo giống nhập nội... có chu kỳ phát triển ngắn lại cho năng suất cao, có thể đạt 130 - 140 m3 gỗ/ha. “Biết là thế nhưng giá giống cao, hơn nữa có tiền cũng khó mà mua được” - ông Hoàng Văn Công, xã Việt Cường (Trấn Yên) nói.

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh, có rất nhiều vườn ươm, cơ sở sản xuất giống nhưng những vườn ươm giống chuẩn, giống tiến bộ rất hạn chế, còn lại đều tự phát, tự ươm gieo không rõ nguồn gốc, thậm chí giống lai tạp và không sạch bệnh. Trước đây, có Trung tâm Giống cây trồng Yên Bái sản xuất giống cây lâm nghiệp theo công nghệ nuôi cấy mô với công suất 1,6 triệu cây giống/năm, đáp ứng khoảng 15% nhu cầu giống trồng rừng toàn tỉnh nhưng cũng đã đóng cửa 2 năm nay.

Ngành nông nghiệp, chi cục lâm nghiệp và các huyện, thị, nông lâm trường, người dân đều biết là giống tốt, giống chuẩn, giống sạch bệnh sẽ cho năng suất cao nhưng khó khăn vì không chủ động được nguồn giống Bên cạnh yếu tố giống, việc trồng rừng, nhất là đối với không ít hộ dân vùng cao, vùng xa trồng không đúng kỹ thuật, không đầu tư chăm sóc nên cây lớn chậm, chất lượng gỗ không cao.

Cũng như trồng rừng, công nghiệp chế biến phát triển khá rầm rộ, nhất là từ năm 2007 trở lại đây. Tính đến hết năm 2012, toàn tỉnh có gần 400 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, trong đó có 2 doanh nghiệp Nhà nước, 26 công ty trách nhiệm hữu hạn, 15 công ty cổ phần, 21 doanh nghiệp tư nhân, 32 hợp tác xã, còn lại 295 hộ cá thể. Các cơ sở doanh nghiệp đã sản xuất 43.700m3 ván ghép thanh, 16.500m3 ván ép, 123.000m3 ván bóc, 461 triệu đôi đũa... tạo việc làm cho trên 4.000 lao động, đóng góp vào ngân sách trên 15 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế mang lại khá lớn và với một khối lượng gỗ rừng trồng lớn như vậy, nếu chúng ta làm tốt khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm thì chắc chắn hiệu quả còn cao hơn rất nhiều.

Việc phát triển tràn lan các cơ sở ván bóc không theo quy hoạch đã và đang là một thiệt hại tới ngành chế biến lâm nghiệp và môi trường. Do bung ra quá nhiều cơ sở chế biến dẫn tới tình trạng tranh mua nguyên liệu và khai thác nguyên liệu một cách tận diệt. Người dân thấy gỗ được giá nên dù rừng chưa đến kỳ khai thác cũng cố chặt để bán (khai thác non), năng suất kém, chất lượng cũng kém.

Một vấn đề nữa, tuy số cơ sở chế biến nhiều nhưng chủ yếu là sơ chế dẫn đến giá trị thấp, vô cùng lãng phí tài nguyên. Có xã chỉ có vài trăm héc-ta rừng nhưng có tới 60 cơ sở ván bóc, chế biến gỗ rừng trồng làm mất cảnh quan, gây ô nhiễm môi trường. Do các cơ sở chế biến chỉ làm duy nhất công đoạn bóc gỗ lại rất nhỏ lẻ nên thường bị các doanh nghiệp, tập đoàn và thương lái ép giá. Toàn bộ sản phẩm ván bóc tập trung tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc. Khi thị trường này “đóng băng” kéo theo giá giảm trầm trọng khiến doanh nghiệp, cơ sở sản xuất điêu đứng. Giá giảm, đương nhiên người thiệt thòi nhất vẫn là nông dân bởi phải bán nguyên liệu giá thấp.

Diện tích rừng lớn nhưng chất lượng chưa cao.

Để ngành lâm nghiệp, nhất là sản xuất rừng kinh tế phát triển, trước tiên, tỉnh phải làm tốt công tác quy hoạch, từ vùng nguyên liệu đến chế biến một cách cụ thể. Đối với phát triển vùng nguyên liệu, Yên Bái phải đưa những cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất, trong sản xuất đòi hỏi phải đầu tư thâm canh để rút ngắn chu kỳ phát triển, tạo năng suất, sản lượng cao.

Muốn làm được việc đó, nhất thiết phải xây dựng thêm những vườn giống chuẩn phục vụ nhu cầu giống  phát triển lâm nghiệp. Tỉnh cũng cần dành một nguồn kinh phí để hỗ trợ cho các chủ rừng có đủ điều kiện xây dựng vườn giống chuẩn. Nếu làm được điều đó, hàng ngàn hộ dân trồng rừng kinh tế có thể mua được giống tốt. Song song là tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật thâm canh, phòng trừ sâu bệnh cho nông dân. Tỉnh cần có những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người trồng rừng về giống, vốn để đầu tư thâm canh. Trong chế biến cần thực hiện và căn cứ vào quy hoạch của tỉnh về chế biến gỗ rừng trồng giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2025; làm tốt khâu khảo sát thị trường.

Bên cạnh đó cần đổi mới công nghệ, thiết bị phù hợp gắn với khả năng cung ứng vùng nguyên liệu, khai thác rừng bền vững; phát triển chế biến theo hướng chiều sâu để tăng giá trị của sản phẩm gỗ, nâng cao hiệu suất sử dụng nguyên liệu; tập trung ưu tiên đầu tư các sản phẩm có giá trị cao, có lợi thế cạnh tranh. Cơ cấu sản phẩm gỗ phải được đặt trong tổng thể quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh, bảo đảm nâng cao khả năng cạnh tranh, lấy đổi mới công nghệ làm nền tảng căn bản cho phát triển.

Vấn đề quan trọng nữa là tỉnh, ngành nông nghiệp, kế hoạch, công thương cần cơ cấu lại sản xuất gỗ rừng trồng, hạn chế và thậm chí không cấp phép đầu tư mới đối với các cơ sở nhỏ lẻ, thiết bị lạc hậu, sản xuất sản phẩm sơ chế; vận động, khuyến khích các hình thức hợp tác kinh doanh theo mô hình các cơ sở nhỏ làm vệ tinh cho doanh nghiệp lớn, cung cấp sản phẩm bán thành phẩm, sơ chế để doanh nghiệp lớn đầu tư chế biến đến sản phẩm cuối cùng, tiến tới không bán sản phẩm thô ra ngoại tỉnh.

Giải quyết tốt những tồn tại đó và có một chiến lược, định hướng phù hợp, chắc chắn sản xuất lâm nghiệp sẽ phát triển bền vững, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người trồng rừng cũng như tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Thanh Phúc

Các tin khác

Bộ NN&PTNT vừa thông báo cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh từ ngày 1/9/2013 qua các cửa khẩu tại cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

7 tháng vừa qua, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 106.800 tỷ đồng, bằng 54,4% kế hoạch năm.

Đồng chí Ngô Thanh Giang - Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải kiểm tra thực tế chuyển đổi từ lúa nương sang trồng ngô ở xã Lao Chải.

YBĐT - Bắt đầu từ vụ xuân năm 2012, huyện Mù Cang Chải tập trung chỉ đạo các ngành chức năng vận động nhân dân các xã: Cao Phạ, Lao Chải, Hồ Bốn, Nậm Có... chuyển đổi 440ha lúa nương sang trồng ngô.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo về việc sắp xếp, điều chuyển một số tuyến vận tải khách liên tỉnh (VTKLT) từ bến xe Mỹ Đình về các bến xe trên địa bàn TP nhằm bảo đảm trật tự ATGT, Sở GTVT Hà Nội đã chính thức thông báo tới Sở GTVT 20 tỉnh, TP liên quan, các doanh nghiệp quản lý bến xe và doanh nghiệp kinh doanh VTKLT.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục