Tăng cường tiết kiệm, chống lãng phí tại các DNNN
- Cập nhật: Thứ ba, 30/7/2013 | 7:52:29 AM
Ngày 29/7, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, vốn, tài sản và lao động tại các doanh nghiệp nhà nước.
Thời gian qua, các ngành, các cấp đã quan tâm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã đạt được những kết quả nhất định.
Các doanh nghiệp nhà nước đang quản lý, khai thác và sử dụng nhiều tài nguyên, vốn, tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Tuy nhiên, tại một số doanh nghiệp, việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên còn lãng phí, chưa tiết kiệm, nhất là tài nguyên đất đai, khoáng sản; tình trạng nợ nần với hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu tăng cao; đầu tư ra ngoài ngành còn lớn nhưng tình hình thoái vốn đầu tư ngoài ngành đang gặp rất nhiều khó khăn; việc tuyển chọn, sử dụng lao động, bố trí cán bộ quản lý còn bất cập; trả lương, thưởng chưa gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trước tình hình trên, nhằm tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên, vốn, tài sản và lao động tại doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước rà soát tình hình sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên rừng, tài nguyên nước để xác định và kịp thời xử lý những bộ phận, đơn vị đang sử dụng lãng phí, không tiết kiệm; Cương quyết xử lý, thu hồi các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định pháp luật; sử dụng đất sai quy hoạch, lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và đất lấn chiếm trái quy định.
Thủ tướng cúng yêu cầu kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép và quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản; đình chỉ hoạt động và thu hồi Giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản của các doanh nghiệp gây lãng phí hoặc không bảo đảm đúng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.
Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp rà soát các quyết định đầu tư, góp vốn mở rộng kinh doanh phải phù hợp với ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp; không đầu tư dàn trải gây lãng phí, thất thoát vốn của Nhà nước; kiên quyết cắt giảm, loại bỏ các dự án kém hiệu quả, không cần thiết đồng thời, nghiên cứu các giải pháp và lộ trình để khẩn trương thoái vốn đã đầu tư vào các ngành nghề không thuộc ngành nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp.
Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư của các chủ đầu tư và công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng đối với các dự án đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm túc công tác công khai việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước như: Công khai các định mức, tiêu chuẩn, chế độ đã ban hành; công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính được giao; công khai việc mua sắm, quản lý sử dụng tài sản công; công khai quy hoạch, kế hoạch, danh mục các dự án đầu tư, nguồn vốn đầu tư.
Bên cạnh đó rà soát, bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật về tiêu hao nguyên, nhiên, vật liệu; định mức khai thác và sử dụng máy móc, thiết bị; đơn giá tiền lương và các chi phí khác trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh doanh và phù hợp với quy định của pháp luật. Doanh nghiệp chưa xây dựng quy chế, tiêu chuẩn, định mức trong lĩnh vực này thì phải khẩn trương xây dựng để thực hiện.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhà nước rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế, tiêu chuẩn về tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ trong doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp chưa ban hành quy chế, tiêu chuẩn trong lĩnh vực này phải khẩn trương xây dựng để thực hiện đồng thời rà soát, sắp xếp lại cơ cấu cán bộ quản lý, chủ chốt trong doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm gọn nhẹ, có hiệu lực, hiệu quả và đúng số lượng theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đảm bảo công khai, dân chủ theo đúng quy định của Nhà nước về tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ; chỉ tuyển dụng thêm lao động, bổ nhiệm cán bộ khi thực sự có nhu cầu.
Đặc biệt, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; kiên quyết xử lý kỷ luật, miễn nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đối với những cán bộ, lao động có hành vi không tiết kiệm, gây lãng phí; kiên quyết xử lý các trường hợp trả lương, thưởng không đúng đối tượng, không gắn với năng suất lao động và kết quả sản xuất kinh doanh.
(Theo TTXVN)
Các tin khác
YBĐT - Vụ xuân năm 2013, nông dân xã Phan Thanh, huyện Lục Yên (Yên Bái) gieo trồng 170ha cây ngô trên đất lấn hồ, chủ yếu là giống NK 4300 và NK 66. Giống cây phù hợp với điều kiện canh tác, thời tiết thuận lợi, gieo trồng và chăm sóc đúng kĩ thuật, khung thời vụ nên ngô xuân ở đây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao.
YBĐT - Cho đến thời điểm này, hiệu quả kinh tế trong sản xuất lâm nghiệp đã được khẳng định rõ, không chỉ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương mà còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, sản xuất lâm nghiệp cũng vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại cần được tháo gỡ, từ phát triển vùng nguyên liệu đến chế biến mới hy vọng phát triển bền vững.
Bộ NN&PTNT vừa thông báo cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh từ ngày 1/9/2013 qua các cửa khẩu tại cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.
7 tháng vừa qua, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 106.800 tỷ đồng, bằng 54,4% kế hoạch năm.