Yên Bái tháo gỡ khó khăn cho chăn nuôi những tháng cuối năm

  • Cập nhật: Thứ năm, 1/8/2013 | 9:07:27 AM

YBĐT - Những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy chăn nuôi phát triển. Tuy nhiên, thực tế, đàn đại gia súc đang có xu hướng giảm mạnh trong khi chăn nuôi lợn, gia cầm tăng trưởng chậm, chưa xứng tầm với sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh. Để làm rõ vấn đề này, phóng viên YBĐT đã có cuộc trao đổi với ông Trần Đức Lâm - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn.

Đàn trâu, bò giảm nhưng đàn gia cầm đã tăng trưởng trên 2% so với cùng kỳ do hiệu quả chăn nuôi gia cầm cao.
Đàn trâu, bò giảm nhưng đàn gia cầm đã tăng trưởng trên 2% so với cùng kỳ do hiệu quả chăn nuôi gia cầm cao.

PV: Trong những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ ngành chăn nuôi, tạo cú hích thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển. Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của những chính sách đó? 

Ông Trần Đức Lâm: Từ chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh hàng năm, trong đó có hỗ trợ phát triển sản xuất chăn nuôi, đến nay, toàn tỉnh đã có 862 trang trại, cơ sở chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp. Trong đó, trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp quy mô lớn có 5 trang trại: Trung tâm Chăn nuôi Công nghệ cao Vinashin, quy mô 200 nái và 1.000 lợn thịt; Trung tâm Sản xuất Nông nghiệp Công nghệ cao Hòa Bình Minh, quy mô trên 5.000 con, trong đó trên 600 nái ông bà và bố mẹ; Công ty TNHH Bình An, quy mô 218 nái sinh sản và 1.000 lợn thịt; trang trại chăn nuôi của ông Phùng Quang Hà ở Nga Quán (Trấn Yên), quy mô 600 nái; Hợp tác xã Phù Nham (Văn Chấn) với quy mô 75 con bố mẹ và 500 con thương phẩm. Cơ sở chăn nuôi theo chính sách chăn nuôi hàng hóa 855 cơ sở, gồm: chăn nuôi lợn thịt quy mô từ 50 - 100 con trở lên 383 cơ sở; chăn nuôi lợn nái có quy mô từ 10 đến trên 20 con 277 cơ sở; chăn nuôi lợn nái có quy mô trên 300 con 1 cơ sở; chăn nuôi gia cầm có quy mô trên 1.000 con: 194 cơ sở.

Chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi hàng hóa sau 5 năm thực hiện đã đem lại hiệu quả kinh tế cho sản xuất, tạo bước đột phá cho phát triển chăn nuôi của tỉnh, được người dân hưởng ứng, tạo đà cho phát triển chăn nuôi những năm tiếp theo. Đồng thời bước đầu hình thành các cơ sở chăn nuôi có quy mô lớn, tập trung, mang tính chất hàng hóa tại các địa phương trong tỉnh, các cơ sở chăn nuôi đều tổ chức sản xuất tốt, tuân thủ quy trình phòng, chống dịch bệnh nên không để xảy ra dịch bệnh lớn cho đàn vật nuôi; thay đổi đáng kể về phương thức sản xuất chăn nuôi của người dân, chất lượng đàn gia súc, gia cầm được nâng cao, đưa thêm được giống tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất.

- Tuy nhiên, năm 2012 và 6 tháng đầu năm nay, tổng đàn đại gia súc vẫn giảm, chăn nuôi lợn, gia cầm tăng trưởng không cao. Vậy thì nguyên nhân do đâu, thưa ông?

Đàn trâu, bò giảm so với cùng kỳ chủ yếu là nhu cầu về sức kéo với trâu, bò trong nông - lâm nghiệp giảm mạnh; người nông dân đã sử dụng máy móc cơ giới hóa trong cày bừa, làm đất... Việc sản xuất giống trâu, bò có nhiều khó khăn. Hơn nữa, diện tích bãi chăn thả ngày càng bị thu hẹp do chuyển đổi mục đích sử dụng, quỹ đất cho trồng cỏ ngày càng khan hiếm; không có người chăn nuôi.

Tuy đàn đại gia súc giảm nhưng bù lại, đàn lợn tăng do từ đầu năm đến nay không xảy ra dịch bệnh nên người dân yên tâm tái đàn sau Tết Nguyên đán; công tác phòng, chống dịch bệnh được quan tâm, chú trọng; một số hộ đã tăng đàn nuôi với quy mô lớn tại một số huyện vùng thấp. Đàn gia cầm tăng trưởng trên 2% so với cùng kỳ do hiệu quả chăn nuôi gia cầm cao; nhiều hộ chăn nuôi duy trì đầu đàn thường xuyên; dịch cúm gia cầm nhiều năm không xảy ra tại Yên Bái; sản phẩm gia cầm dễ tiêu thụ; giá thức ăn tăng không ảnh hưởng nhiều đến chăn nuôi do đàn gia cầm chủ yếu chăn nuôi nông hộ, thức ăn tự phối chế đã giảm được giá thành.

- Xin ông cho biết, định hướng của ngành chăn nuôi trong những năm tới như thế nào?

Ngành phấn đấu tăng trưởng đàn gia súc chính đạt mục tiêu 3%/năm trở lên, tập trung phát triển đàn lợn. Với lợi thế tốc độ quay vòng nhanh (2 - 3 lứa/năm), chiếm số lượng lớn trong tổng số đàn gia súc chính (gần 80%) nên sẽ tập trung đầu tư phát triển các cơ sở chăn nuôi lợn hàng hóa.

Đàn trâu, bò cố gắng duy trì đầu đàn, tập trung cải tạo nâng cao năng suất, chất lượng con giống để từng bước tăng sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm; phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại bán công nghiệp, công nghiệp, vùng chăn nuôi tập trung, sản xuất hàng hóa; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đảm bảo hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường; chuyển dịch cơ cấu phù hợp với lợi thế từng vùng, từng bước giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ; nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm chăn nuôi hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thực phẩm đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

- Với định hướng đó, ngành nông nghiệp có những giải pháp như thế nào, thưa ông?

Ngành sẽ tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi của tỉnh và đề xuất xây dựng, điều chỉnh, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi cho phù hợp với tình hình thực tiễn sản xuất trong thời gian tới; tiếp tục thực hiện chương trình cải tạo giống bò, giống lợn nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả trong chăn nuôi; thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ các loại vắc xin, công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ; tăng cường cảnh báo, phát hiện sớm và xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh hoặc tái phát trên địa bàn.

 

Phát triển trâu, bò ở vùng cao ngày càng khó khăn do diện tích đồng cỏ ngày càng bị thu hẹp.

Đối với đàn trâu, bò, đẩy mạnh việc trồng cỏ và cây thức ăn, tăng cường sử dụng nguồn thức ăn tại chỗ; thực hiện các biện pháp phòng, chống mưa lũ, đói rét, bảo vệ đàn gia súc vào mùa đông; hướng dẫn bảo quản, chế biến các loại phụ phẩm nông nghiệp (cỏ khô, rơm rạ, thân cây ngô...) làm thức ăn  cho gia súc.

Đối với đàn lợn, cải tạo chất lượng con giống, nhất là công tác thụ tinh nhân tạo; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống có năng suất, phẩm chất tốt vào sản xuất.

Đối với đàn gia cầm, khuyến khích chăn nuôi tập trung, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ; tăng cường phát triển chăn nuôi những giống có phẩm chất thịt, trứng tốt và áp dụng những hình thức chăn nuôi tiên tiến như nuôi gà thả vườn... đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng; tăng cường cập nhật và thông tin về tình hình chăn nuôi thị trường các sản phẩm chăn nuôi trong, ngoài tỉnh cũng như trên thế giới có liên quan, ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi của tỉnh.

- Như vậy sẽ có nhiều cơ hội cho người chăn nuôi đầu tư phát triển, theo ông,  họ cần phải làm gì để nắm lấy cơ hội này?

Người chăn nuôi phải có ý thức cao trong việc phòng ngừa dịch bệnh và áp dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật vào sản xuất; thay đổi tư duy phát triển chăn nuôi, muốn có hiệu quả cao phải sản xuất thành hàng hóa, thành vùng tập trung, tránh tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Người chăn nuôi muốn phát triển phải chủ động bằng nội lực là chính, không trông chờ ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước. Người chăn nuôi phải định hướng được và được cung cấp đầy đủ thông tin thì có thể đón cơ hội để mở rộng sản xuất. Không chạy theo thị trường mà phải chủ động trong sản xuất, nếu định hướng được tốt thì người chăn nuôi sẽ vững vàng đầu tư và phát triển bền vững.

- Xin cảm ơn ông! 

 P.V (thực hiện)

Các tin khác
Giá điện bình quân sẽ tăng thêm 71,85 đồng/kWh từ ngày 1/8.

Giá bán điện bình quân sẽ tăng từ mức 1.437 đ/kWh hiện nay lên 1.508,85 đ/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), tức là tăng 71,85 đ mỗi kWh (5%), từ ngày 1-8.

Toàn xã Đại Lịch hiện có 500 ha rừng kinh tế.

YBĐT - Ngoài lúa, chè và rừng, Đảng bộ xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã lãnh đạo xây dựng những mô hình trồng đồi rừng tổng hợp ở quy mô gia đình, trong đó những cây được chú trọng phát triển là quế, cây ăn quả đặc sản, một số hộ đang thử nghiệm trồng cây thanh long.

Đẩy nhanh tiến độ thi công dự án cầu Công viên Yên Hòa.

YBĐT - Năm nay, Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng thành phố Yên Bái được giao triển khai thực hiện 21 công trình dự án xây dựng với tổng vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng. Trong đó, dự án chuyển tiếp từ năm 2012 sang là 4 công trình, dự án khởi công mới là 17 công trình. Đến nay, 16/17 dự án khởi công mới đã được khởi công xây dựng, 4 dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.

Chào bán tiếp 26.000 lượng vàng vào sáng mai, 1/8.

Sáng 1/8, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu bán vàng miếng phiên thứ 49 để chào bán tiếp 1 tấn vàng. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 37,85 triệu đồng/lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục