Đại lịch phát huy tiềm năng
- Cập nhật: Thứ tư, 31/7/2013 | 2:57:55 PM
YBĐT - Ngoài lúa, chè và rừng, Đảng bộ xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã lãnh đạo xây dựng những mô hình trồng đồi rừng tổng hợp ở quy mô gia đình, trong đó những cây được chú trọng phát triển là quế, cây ăn quả đặc sản, một số hộ đang thử nghiệm trồng cây thanh long.
Toàn xã Đại Lịch hiện có 500 ha rừng kinh tế.
|
Đại Lịch - xã vùng 2 của huyện Văn Chấn, có 1.150 hộ với gần 4.500 nhân khẩu, gần 60% dân số là người Tày, người Dao và các dân tộc thiểu số khác chung sống. Địa bàn xã rộng 4.346ha, trong đó đất rừng có gần 2.000ha, đất nông nghiệp phân tán đều ở cả 15 thôn, riêng diện tích lúa nước gần 220ha, cùng với đó là 350ha chè kinh doanh.
Để tiềm năng đất đai được phát huy, Đảng bộ xã Đại Lịch luôn xác định rõ tầm quan trọng của tổ chức Đảng ở cơ sở cũng như vai trò của mỗi đảng viên trong việc hướng dẫn nhân dân thực hiện chủ trương, giải pháp phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông - lâm nghiệp. Đảng bộ đã tổ chức tốt việc nghiên cứu, quán triệt nghị quyết đại hội Đảng các cấp, trong đó có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XX. Qua đó giúp cho cán bộ, đảng viên nhìn nhận, đánh giá đúng về điều kiện đất đai, khí hậu cũng như phương hướng phát triển và các giải pháp sản xuất.
Công tác phát triển đảng viên mới được quan tâm, năm 2012, Đảng bộ kết nạp 19 quần chúng ưu tú vào Đảng, sáu tháng đầu năm nay kết nạp 7 đồng chí, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ lên 306 đồng chí. Các đảng viên sinh hoạt ở các chi bộ đều hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao; qua đánh giá, có gần 70% đảng viên đủ tư cách, hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Các đồng chí bí thư chi bộ đã phối hợp chặt chẽ với trưởng thôn để triển khai nhiệm vụ; phổ biến đến nhân dân thực hiện mục tiêu kế hoạch sản xuất đồng thời chính là những nhân tố đi đầu trong thâm canh 2 vụ lúa, sản xuất cây màu, trồng cải tạo và chăm sóc chè, phát triển kinh tế rừng.
Vừa gương mẫu thực hiện, mỗi đảng viên đã cùng các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân gieo cấy đúng lịch thời vụ, vượt kế hoạch diện tích lúa, tích cực đưa các giống lúa tiến bộ vào gieo cấy. Trong quá trình chăm sóc, có 65% diện tích được sử dụng phân viên nén dúi sâu, góp phần cải tạo đất và nâng cao năng suất.
Vụ lúa xuân vừa qua, xã gieo cấy 80% diện tích bằng giống lúa lai, năng suất đạt 65 tấn/ha. Nhân dân đã tận dụng đất soi bãi để trồng trên 100ha ngô, khoai, sắn và rau đậu đỗ, góp phần nâng tổng sản lượng lương thực có hạt của xã trong 6 tháng đầu năm đạt 52% kế hoạch đề ra. Diện tích chè có ở hầu hết các hộ dân trong 15 thôn của xã.
Mặc dù giá vật tư phân bón tăng, giá chè búp tươi bấp bênh, ở một số vùng nguyên liệu người dân thờ ơ với cây chè nhưng Đảng bộ, chính quyền xã Đại Lịch vẫn xác định đây là cây trồng chủ lực của địa phương. Xã động viên bà con nâng cao chất lượng thu hái, cố gắng chăm sóc, giữ vững diện tích thâm canh và trồng cải tạo được gần 13ha trong năm 2012. Năm nay, thực hiện mục tiêu cải tạo 20ha, các hộ dân đăng ký trồng 31ha tập trung vào vụ thu. Do thời tiết khắc nghiệt, năng suất chè giảm nhưng 6 tháng đầu năm, nhân dân đã cố gắng đầu tư chăm sóc và thu hái khoảng 700 tấn chè, phấn đấu đến 30/11 hoàn thành kế hoạch 2.100 tấn chè búp để cung cấp cho 4 nhà máy chế biến trên địa bàn.
Một trong những thế mạnh của Đại Lịch là kinh tế rừng. Ngoài diện tích rừng phòng hộ và rừng tự nhiên sản xuất giao cho 8 tổ quản lý, xã có trên 500ha rừng kinh tế. Hàng năm, công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng được chú trọng; nhân dân khai thác trên dưới 2.500m3 gỗ nguyên liệu chế biến, thu về hàng tỷ đồng. 5 cơ sở bóc gỗ trên địa bàn xã cơ bản đủ nguyên liệu sản xuất, năm 2012 chế biến 427m3 gỗ, doanh thu trên 1 tỷ đồng. Không ít hộ có vài ba chục héc-ta rừng, mang lại hiệu quả kinh tế lớn như hộ gia đình bà Hà Thị Ánh ở thôn 2, ông Hoàng Hữu Hợp ở thôn 4, ông Hoàng Đình Hội ở thôn 6...
Nhận rõ nguồn lợi mang lại từ kinh tế rừng, người dân luôn tích cực trồng và chăm sóc rừng. Từ đầu năm đến nay, xã hoàn thành 150ha trong kế hoạch trồng 400ha rừng, chủ yếu là trồng rừng kinh tế và cây lâm nghiệp xã hội. Đây là điều kiện tốt để đảm bảo chu kỳ khai thác và tận dụng hết quỹ đất cho phát triển kinh tế rừng ở địa phương.
Ngoài lúa, chè và rừng, Đảng bộ xã đã lãnh đạo xây dựng những mô hình trồng đồi rừng tổng hợp ở quy mô gia đình, trong đó những cây được chú trọng phát triển là quế, cây ăn quả đặc sản, một số hộ đang thử nghiệm trồng cây thanh long. Những mô hình mới cùng với hiệu quả kinh tế thiết thực nhờ phát huy tiềm năng đất đai hiện có là điều kiện thuận lợi để Đại Lịch phấn đấu nâng thu nhập bình quân của người dân trong xã lên 12,5 triệu đồng/người/năm và giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 9,39% xuống 8,67% trong năm 2013.
P.V
Các tin khác
YBĐT - Năm nay, Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Xây dựng thành phố Yên Bái được giao triển khai thực hiện 21 công trình dự án xây dựng với tổng vốn đầu tư trên 80 tỷ đồng. Trong đó, dự án chuyển tiếp từ năm 2012 sang là 4 công trình, dự án khởi công mới là 17 công trình. Đến nay, 16/17 dự án khởi công mới đã được khởi công xây dựng, 4 dự án đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng.
Sáng 1/8, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tổ chức đấu thầu bán vàng miếng phiên thứ 49 để chào bán tiếp 1 tấn vàng. Giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 37,85 triệu đồng/lượng.
Đợt thu mua tạm trữ lúa gạo vụ Hè Thu từ 15/6 đến 31/7 với khối lượng 1 triệu tấn quy gạo hôm nay (31/7) chính thức kết thúc.
YBĐT - Nếu như những năm trước đây người dân ở xã vùng cao Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Xuân Tầm, Phong Dụ Thượng... lấy khai thác chặt phá rừng là chính thì nay đã biết bảo vệ và phát triển vốn rừng.