Rà soát từng dự án giao thông trọng điểm
- Cập nhật: Thứ sáu, 2/8/2013 | 8:17:20 AM
Để đảm bảo tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu ưu tiên giải quyết vấn đề GPMB, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn, sớm đưa các công trình đi vào khai thác.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án, công trình trọng điểm ngành Giao thông, sáng 1/8.
|
Sáng 1/8, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước các dự án, công trình trọng điểm ngành Giao thông.
Hiện đang có 30 công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông với tổng kinh phí khoảng 658.000 tỷ đồng, trong đó 19 dự án đường bộ với chiều dài 4.400 km, 6 dự án đường sắt chiều dài 199,93km, hàng không 2 dự án và hàng hải 3 dự án.
Đến nay có 7 dự án đã bàn giao và đưa vào sử dụng, gồm cao tốc TPHCM-Trung Lương, đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1, cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình, Láng-Hòa Lạc, cầu Thanh Trì, tuyến phía Nam Vành đai 3, đường vành đai 3 Hà Nội, Cảng Hàng không Phú Quốc, Cảng Quốc tế Cái Mép-Thị Vải. Trong khi đó, các dự án khác đang triển khai thi công và trong giai đoạn chuẩn bị thực hiện.
Kiểm điểm tình hình tổng thể cũng như rà soát tiến độ từng dự án, vẫn nổi lên những vướng mắc lớn.
Giải phóng mặt bằng (GPMB) tiếp tục khó khăn ở nhiều dự án như đường Nội Bài-Lào Cai, Cầu Giẽ-Ninh Bình, TPHCM-Long Thành-Dầu Giây, Hà Nội-Hải Phòng, cầu Nhật Tân và đường nối, Quốc lộ 3 mới, đường sắt Cát Linh-Hà Đông,…
Các dự án ODA bên cạnh những khó khăn về mặt bằng, cũng vướng nhiều vấn đề thủ tục, giải ngân, bố trí vốn đối ứng. Ở một số dự án khác, tiến độ đấu thầu chậm do những nguyên nhân phát sinh trong quá trình đấu thầu, quá trình chuẩn bị chậm, sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan liên quan. Ngoài ra có những dự án nảy sinh một số vấn đề liên quan đến hợp đồng dẫn tới thanh toán chậm, chuẩn bị và thực hiện dự án chưa kỹ lưỡng và phối hợp không tốt giữa các đơn vị hữu quan.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ rõ những tồn tại mà các thành viên Ban chỉ đạo, các bộ, ngành liên quan cần tập trung ưu tiên như trong khâu GPMB, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn để khai thông, sớm đưa các công trình đi vào khai thác.
Đối với các dự án liên quan đến địa bàn Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội và chủ đầu tư cần đặc biệt quan tâm để đạt các mục tiêu, tiến độ đề ra, kiên quyết không để tình trạng “cầu chờ đường” hoặc chỉ vì một vài "điểm đen" mà cả tuyến cao tốc không thể vận hành như thời gian vừa qua.
Cụ thể, Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường nối phải tập trung xử lý vấn đề mặt bằng trong tháng 9 tới. Tương tự là các “điểm nghẽn” đoạn Ninh Hiệp-Gia Lâm trên Quốc lộ 3, điểm đầu Nội Bài-Lào Cai, cầu Vĩnh Thịnh... xử lý dứt điểm theo ý kiến đã chỉ đạo.
Bộ Giao thông vận tải thường xuyên tiến hành rà soát, đánh giá và giao ban đối với từng dự án, kiểm điểm từ vấn đề kỹ thuật, tiến độ, chất lượng để kịp thời có hướng xử lý hoặc đề xuất cơ chế giải quyết.
Bộ Tài chính rà soát lại các vấn đề kiến nghị, kiểm soát vốn cho các chủ dự án, nhất là nguồn vốn đối ứng tại các dự án ODA, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục những hướng dẫn về cơ chế thu hồi đất, GPMB, Bộ Xây dựng tăng cường công tác nghiệm thu, đảm bảo chất lượng công trình, giải quyết các vấn đề thủ tục xây dựng để tạo điều kiện tối đa cho dự án.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các đơn vị giao thông vấn đề chất lượng công trình, giải quyết tình trạng sụt lún, tạo con lươn trên mặt đường đang gây nguy hiểm cho người và phương tiện như thời gian qua. Mặt khác, cũng cần giải thích rõ những vấn đề kỹ thuật như chờ lún để cho người dân hiểu, chia sẻ.
(Theo Chinhphu)
Các tin khác
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản yêu cầu các ngân hàng, doanh nghiệp được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải báo cáo tình hình kinh doanh hàng ngày, đặc biệt là các giao dịch vàng miếng có giá trị lớn.
YBĐT - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tạ Văn Long - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái tại Hội nghị đánh giá kết quả hoạt động xuất nhập khẩu và các giải pháp triển khai thực hiện trong những tháng cuối năm được tổ chức vào sáng nay 1/8.
YBĐT - Với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 59,14% trong năm 2013, xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã có chủ trương chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng ngô nhằm nâng cao năng suất, sản lượng, tăng thu nhập trên 1 đơn vị canh tác và giúp cho người dân dần thay đổi tập quán sản xuất.
YBĐT - Năm 2013, huyện Văn Yên (Yên Bái) phấn đấu thu 56 tỷ đồng vào ngân sách. Số thu này không phải quá lớn đối với một huyện nhiều tiềm năng và đang trên đà phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục khó khăn thì rất khó hoàn thành nếu như địa phương không có những chỉ đạo, giải pháp kịp thời.