“Ươm mầm” lúa chất lượng cao

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/8/2013 | 8:34:05 AM

YBĐT - So với một số hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp khác, HTX Đại Phác, xã Đại Phác, huyện Văn Yên (Yên Bái) có bề dày truyền thống và cơ sở vật chất tương đối khá. Tuy nhiên, đơn vị vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là về nguồn nhân lực, tiền vốn, đổi mới khoa học công nghệ, tư duy kinh tế thị trường...

Nông dân xã Đại Phác áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.
Nông dân xã Đại Phác áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Theo Chủ nhiệm HTX Ngô Văn Tĩnh, nếu chỉ nhìn vào lợi nhuận kinh tế đơn thuần của HTX thì thấy chưa phải là lớn nhưng để đạt được kết quả lợi nhuận vài trăm triệu đồng của một HTX dịch vụ nông nghiệp và làm thay đổi hẳn tập quán canh tác, lối tư duy làm ăn nhỏ lẻ sang tập quán canh tác mới mang tính hàng hóa là cả một quá trình phấn đấu đi lên kiên trì và khó nhọc.

Nhớ lại năm 1997, khi mới chuyển đổi, cơ sở vật chất của HTX nghèo nàn, thiếu vốn trầm trọng, Ban quản trị HTX vừa huy động vốn của từng ủy viên Ban quản trị, vừa thế chấp nhà riêng vay thêm tiền ngân hàng để làm dịch vụ như cung ứng giống, vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ bà con xã viên nhưng phần lớn xã viên không có tiền trả ngay, phải nợ HTX, còn HTX lại nợ lại ngân hàng và doanh nghiệp, đến mùa thu hoạch mới trả được nợ, thậm chí có những khoản nợ kéo dài nhiều năm, qua nhiều vụ sản xuất.

Trong cơ chế thị trường cạnh tranh gay gắt, khó khăn lại nối tiếp khó khăn khi năm 2008 dịch vụ điện năng và thủy lợi phí chuyển giao cho đơn vị chủ quản khác đã thu hẹp phạm vi kinh doanh của hợp tác xã, và đến nay thì việc cung ứng vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng không còn nắm trong tay. Đứng trên bờ vực phá sản, Ban chủ nhiệm HTX cùng với 178 xã viên đã tìm cho mình một hướng đi mới là chuyển hẳn sang lĩnh vực sản xuất chế biến nông sản với sản phẩm chủ yếu là gạo chất lượng cao.

Từ vụ mùa năm 2012, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đại Phác đã triển khai trồng lúa hàng hóa chất lượng cao trên diện tích 10ha và đến nay đã lên tới trên 46ha, trong đó 10ha chuyên sản xuất lúa giống cung cấp tại chỗ.

Với thế mạnh của địa phương là có giống lúa Chiêm Hương gạo thơm ngon, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng khí hậu và tập quán canh tác của người dân địa phương, nhờ có sự mạnh dạn chuyển đổi trong phương thức sản xuất lúa nước, đến nay, xã Đại Phác đã cơ bản sử dụng giống lúa Chiêm Hương trong sản xuất, chiếm tới 70% diện tích gieo cấy mỗi vụ, qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng gạo. Thông qua sản xuất lúa hàng hóa, nông dân Đại Phác đã tăng thêm thu nhập, đồng thời cũng giúp người dân có tầm nhìn và nâng cao nhận thức trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Trên thực tế, sản xuất nông nghiệp của địa phương còn nhiều khó khăn, nhất là về hạ tầng, song HTX Đại Phác cũng như người nông dân đã biết khai thác tiềm năng đất đai và tận dụng thế mạnh về thị trường, trình độ thâm canh, luôn tìm tòi, sáng tạo nhằm tăng năng suất cây trồng, tăng giá trị, hiệu quả quay vòng đất, nhạy bén trong việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa…

Nhờ vậy mà những năm gần đây, kinh tế nông nghiệp, nông thôn Đại Phác đã có bước tiến rõ nét, đặc biệt là năng suất và sản lượng lúa ngày càng tăng, góp phần đảm bảo an ninh lương thực và có dư thừa để làm hàng hóa. Hai vụ lúa là vụ mùa năm 2012 và vụ đông xuân năm 2013 vừa qua, riêng diện tích lúa hàng hóa của địa phương đã cho nông dân có thu nhập ổn định, bình quân từ 2,2 - 3 triệu đồng/sào. So sánh với sản xuất thông thường thì giá trị tăng từ 25 - 30% /sào.

Anh Hoàng Đình Quang - một hội viên HTX tâm sự: “2 vụ vừa qua, gia đình tôi tham gia mô hình sản xuất lúa hàng hóa Chiêm Hương với diện tích trên 2 sào, năng suất lúa được nâng cao, thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác gia tăng. Bản thân mỗi người nông dân chúng tôi cũng đã cải thiện được tư duy, phương thức làm ăn và từng bước làm quen với việc sản xuất lúa hàng hóa. Trong sản xuất, người dân chúng tôi được Hợp tác xã cung ứng giống, phân bón và được bao tiêu sản phẩm”.

Hợp tác xã Đại Phác đã tổ chức sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao an toàn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật. Ngoài ra Hợp tác xã còn cung ứng vật tư nông nghiệp cho bà con tại địa phương. Từ nền tảng, kỹ thuật sẵn có đã được các ngành khoa học chuyển giao qua nhiều năm, bà con nông dân mạnh dạn ứng dụng quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn nhằm nâng cao chất lượng và giá trị của hạt lúa do chính bà con làm ra. Nhờ đó, đã giảm được chi phí về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động.

Ngoài ra, lúa được sản xuất là lúa chất lượng cao nên bán cũng được giá cao hơn giá thị trường bên ngoài từ 20% - 30% và được hợp tác xã Đại Phác bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Trong sản xuất lúa hàng hóa thương hiệu Chiêm Hương bước đầu đã có sự gắn kết giữa Hợp tác xã với nông dân. Địa phương cũng cố gắng tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi để Hợp tác xã cùng bắt tay với nông dân từ khâu sản xuất tới tiêu thụ.

Mới đây, thương hiệu gạo Chiêm Hương Đại - Phú - An chính thức được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu. Điều này đã mở ra triển vọng làm giàu từ lúa hàng hóa của vùng đất Đại Phác, cũng là động lực lớn cho sự phát triển của Hợp tác xã cũng như khẳng định hướng đi đúng đắn của đơn vị.

Anh Dũng

Các tin khác

Ngày 13-8, Bộ Tài chính cho biết vừa hoàn tất dự thảo nghị định sửa đổi về tín dụng đầu tư và xuất khẩu. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời gian vay vốn lên tối đa là 36 tháng đối với khoản vay vốn tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.

Đồng bào Mông xã Trạm Tấu tách ngô bằng máy.

YBĐT - Tháng 8, các thửa ruộng lưng đồi, ven suối của huyện Trạm Tấu tấp nập người qua kẻ lại. Ngô xuân được mùa, thương lái người đánh ô tô, người đi xe máy về tận thôn bản thu gom hàng. Ngô mang về đến đâu bán hết đến đó, giá cả lại cao hơn năm trước. Người dân phấn khởi, tranh thủ những ngày trời nắng huy động nhân lực thu nhanh gọn ngô xuân đồng thời triển khai gieo trồng ngô hè thu.

Nhu cầu vàng vật chất đang hỗ trợ cho giá vàng đi lên

Gíá vàng thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong gần ba tuần trong phiên giao dịch đầu tuần. Nhu cầu vàng tăng mạnh ở Trung Quốc đã dẫn dắt giá vàng ở phiên thứ Hai. Sáng nay (13/8), vàng thế giới giao dịch ở khoảng 1.335 USD/ounce.

Hiệp hội cà phê Việt Nam yêu cầu các doanh nghiệp phải có báo cáo về tình hình kinh doanh, nợ xấu trước ngày 15/8.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục