Yên Bái nên có đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/10/2013 | 10:36:08 AM

YBĐT - những người rất quan tâm đến khoa học lịch sử thì đều chung ý nghĩ nên đặt tên con đường này ở thành phố Yên Bái và nên chọn ngay con đường tránh ngập đang thi công.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cộng sự nghiên cứu sa bàn tiêu diệt quân pháp tại Phân khu Nghĩa Lộ trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các cộng sự nghiên cứu sa bàn tiêu diệt quân pháp tại Phân khu Nghĩa Lộ trong chiến dịch Tây Bắc năm 1952.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi về cõi vĩnh hằng đã để lại trong lòng mỗi người dân Việt Nam niềm tiếc thương vô hạn cũng như thấu hiểu sâu sắc hơn về tên tuổi, tầm vóc, ảnh hưởng của ông đối với đất nước và bạn bè quốc tế. Trong niềm tiếc thương vô hạn người anh hùng dân tộc ấy, nhiều địa phương đều muốn có một con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp để tri ân công lao vô cùng to lớn của ông trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước. Thiết nghĩ, ở Yên Bái cũng nên có một con đường mang tên Đại tướng. Bởi vì con đường này không chỉ thể hiện lòng kính trọng của người dân Yên Bái dành cho ông mà Yên Bái còn là nơi Đại tướng đã để lại nhiều dấu ấn lịch sử.

Cụ thể là trong những tháng năm đô hộ của thực dân Pháp, tỉnh Yên Bái nằm trong vị trí chiến lược quân sự đặc biệt quan trọng của chúng nên khắp mọi miền quê từ vùng thấp đến vùng cao dày đặc những đồn bốt của kẻ thù cùng bao nỗi cơ cực của người dân. Chỉ đến khi khởi nghĩa giành chính quyền và thực hiện thành công cuộc kháng chiến 9 năm chống Pháp thì ách đô hộ của giặc Pháp mới thực sự được gỡ bỏ.

Niềm hạnh phúc ấy trên quê hương Yên Bái mang nhiều dấu ấn vô cùng lớn lao của Đại tướng. Đó là trong vai trò Tổng Tư lệnh Quân đội, ông đã cùng với lãnh đạo Đảng và Nhà nước đưa ra những quyết định quan trọng làm nên chiến thắng của Chiến dịch Sông Thao năm 1949, Chiến dịch Lý Thường Kiệt năm 1951 để xóa tan hệ thống đồn bốt của quân Pháp trên dọc tuyến sông Hồng và nhiều địa phương khác của Yên Bái đồng thời làm phá sản âm mưu ngăn chặn mối liên hệ cách mạng, sự chi viện quân sự của nước bạn Trung Hoa với cách mạng Việt Nam; đập tan tuyến phòng thủ theo hành lang Đông - Tây của Pháp nhằm làm giảm mối liên kết quân sự của ta từ đông sang tây và từ miền xuôi lên miền ngược.

Đặc biệt, trong Chiến dịch Tây Bắc năm 1952, Đại tướng - Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ huy chiến dịch, trong đó trực tiếp chỉ huy quân đội đánh tan các đồn địch ở Phân khu Nghĩa Lộ và hệ thống các đồn ở vùng lân cận. Chiến thắng Nghĩa Lộ tháng 10/1952 không chỉ giúp cho Yên Bái trở thành vùng tự do sớm hơn trong số các địa phương ở vùng Tây Bắc mà điều quan trọng hơn là đã mở toang cánh cửa của miền Tây Bắc để quân dân ta làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Đại tướng trò chuyện với những dân quân, du kích tiêu biểu tại Hội nghị quân sự địa phương tỉnh Yên Bái ngày 6/11/1970.

Yên Bái còn là nơi có những địa danh nổi tiếng làm nên chiến thắng này là bến Âu Lâu, đèo Lũng Lô. Khi lên trực tiếp chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng từ Chiến khu cách mạng Tân Trào (Tuyên Quang) đều đã đi qua những nơi này. Ở phía bên kia đỉnh đèo Lũng Lô chừng hơn cây số thuộc địa bàn tỉnh Sơn La bây giờ vẫn có di tích một hang động là nơi Đại tướng từng nghỉ chân trước khi đi tiếp ra mặt trận.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vào đầu những năm 70 của thế kỷ trước, Đại tướng cũng đã có một số lần lên thăm Yên Bái. Ngoài ra, có một số thông tin cho rằng, ngay sau khi giành được chính quyền Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thay mặt Chính phủ lên thăm Yên Bái...

Với những dấu ấn lịch sử ấy, nếu có một con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên quê hương Yên Bái thì thật ý nghĩa! Có người cho rằng nên đặt tên đường Võ Nguyên Giáp ở một con đường của thị xã Nghĩa Lộ.

Theo ý kiến của Tiến sỹ Sử học Nguyễn Văn Quang - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tỉnh Yên Bái, ông Hoàng Việt Quân - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Yên Bái, ông Trần Thi - nguyên lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Yên Bái… là những người rất quan tâm đến khoa học lịch sử thì đều chung ý nghĩ nên đặt tên con đường này ở thành phố Yên Bái và nên chọn ngay con đường tránh ngập đang thi công. Bởi con đường này sẽ là một trong những con đường to và đẹp nhất của thành phố Yên Bái. Đặc biệt, đây còn là con đường mở cửa ngõ thành phố từ đường Nguyễn Tất Thành giữa trung tâm tỉnh lỵ qua cầu Văn Phú trên dòng sông Hồng lịch sử, cắt quốc lộ 32C nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Nếu điều mong muốn này trở thành hiện thực thì trong tương lai gần, những người dân trong và ngoài tỉnh sẽ được đi trên một con đường tràn đầy niềm trân trọng và tự hào về truyền thống quê hương, đất nước. Đồng thời, đây cũng là điều kiện để người dân Yên Bái bây giờ và mãi đến mai sau được bày tỏ lòng thành kính, tri ân son sắt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị Đại tướng của nhân dân.

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Sau năm 2015, từ lớp 11, học sinh sẽ học các chuyên đề tự chọn ngoài 3 môn bắt buộc

Sau 2015, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ thay thế dạy học phân ban ở cấp THPT hiện nay bằng phân hóa theo hướng tự chọn. Tuy nhiên vấn đề đặt ra làm thế nào để học sinh được chọn theo nhu cầu và khả năng của mình.

Bác sỹ tiêm chủng cho trẻ em.

Ngày 27/10, bác sỹ Lê Hoàng San, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và các bác sỹ của viện đã đến huyện Cai Lậy (Tiền Giang) hỗ trợ Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh khảo sát về các trường hợp trẻ bị phản ứng sau khi tiêm vắcxin Quinvaxem 5 trong 1.

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Theo Nghị định số 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giáo dục, từ ngày 10-12-2013, một số vi phạm trong lĩnh vực giáo dục sẽ bị phạt tiền như: dạy thêm học thêm, tuyển sinh, thành lập cơ sở giáo dục, liên kết đào tạo…

Vùng đồng bằng nhiệt độ dưới 19 độ C; một số nơi ở miền núi nhiệt độ giảm nhanh dưới 9 độ C, trời rét đậm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục