Rủ nhau học bán trú

  • Cập nhật: Thứ ba, 5/11/2013 | 10:03:54 AM

YBĐT - Nhờ Nhà nước đầu tư xây dựng nhà bán trú mà nhiều học sinh dân tộc thiểu số, học sinh nghèo vùng có kinh tế khó khăn của xã Minh Tiến, huyện Lục Yên (Yên Bái) có thêm cơ hội cắp sách đến trường học chữ, quyết tâm đuổi đói nghèo.

Học sinh bán trú tại Trường THCS Nguyễn Du tự nấu ăn tại trường.
Học sinh bán trú tại Trường THCS Nguyễn Du tự nấu ăn tại trường.

Trong 56 học sinh đến học bán trú tại Trường THCS Nguyễn Du, xã Minh Tiến, chúng tôi rất ấn tưởng bởi những cặp đôi là 2 anh, chị em trong một gia đình. Em Đặng Đức Nam, lớp 9A2 - dân tộc Dao, chững chạc hơn rất nhiều so với cái tuổi 14 “ăn chưa no, lo chưa tới” của mình. Là con một hộ nghèo ở bản Sắc Phất cách trường 15 km, không có xe đạp và đường đi lại khó khăn nên trong suốt những năm theo học tại đây em vẫn đi bộ đến trường. Học kỳ I năm lớp 6 (năm 2010), do nhà trường chưa có khu bán trú nên Nam phải ở trọ nhà người quen gần trường. Học kỳ II, khi nhà trường hoàn thành khu bán trú, em đã đến đăng ký ở ngay.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mỗi lần đi học bố, mẹ chỉ chuẩn bị cho em bó củi, ít gạo, con cá, con tôm hay mớ rau rừng… phục vụ sinh hoạt cho 1 tuần Nam ở trường. Hơn 3 năm theo học cấp II, em vẫn không hề nản lòng, quyết tâm bám trường, bám lớp. Trong các năm học, Nam đều đạt học sinh tiên tiến.

Bước sang năm nay, cậu em út của Nam bắt đầu vào lớp 6. Do hay ốm đau, xa nhà, bố mẹ rất lo lắng, tỏ ý không muốn cho em đi học nhưng Nam đã thuyết phục bố mẹ và dắt em đến trường cùng học chữ. Vậy là không chỉ làm anh, Nam còn thay bố, mẹ quan tâm, chăm lo cho em từ bữa cơm, giấc ngủ, chăm em lúc ốm đau, động viên em học tốt để sau này có tương lai tươi sáng.

Trò chuyện với chúng tôi, Nam tâm sự: “Bản em nghèo lắm, bố mẹ em không biết chữ. Dù khó khăn đến mấy, em cũng sẽ vượt qua. Em trai em ngày đầu đến trường nhớ nhà, nó khóc đòi về nhưng em động viên không cho nó bỏ học. 2 anh em phải học để sau này có thể đi công tác xã hội, giúp bản làng và gia đình vươn lên thoát nghèo”.

Còn với cô học sinh dân tộc Tày Trịnh Thị Chiến, học lớp 8A1, em cũng đang phải gánh vác “trọng trách” của một người chị, người mẹ khi kèm đứa em đang học lớp 6. Chiến là con của một hộ nghèo ở thôn Làng Ven, người dân làng em chỉ biết dựa vào con cá, con tôm trên hồ Thác Bà nên cuộc sống rất lam lũ. Nhà cách trường hơn chục km nhưng hàng tuần hai chị em vẫn dắt nhau đi bộ đến trường.

Nhìn cảnh bố mẹ, những người dân trong bản khổ cực kiếm ăn nhưng vẫn đói, vẫn nghèo,  đường đến trường rất khó, Chiến quyết tâm nung nấu rèn chí học hành sau này trở thành một cô giáo mang cái chữ đến với những đứa trẻ nghèo như mình. Nhờ ý chí vượt khó mà những năm qua, em đều đạt học sinh tiên tiến. Chiến tâm sự: “Mới đầu xa nhà em rất bỡ ngỡ và lo sợ nhưng được thầy cô quan tâm động viên em thấy tự tin và cố gắng học thật tốt, để không phụ lòng mong mỏi của bố mẹ và thầy cô”.

Với đặc thù là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân còn nhiều thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn, để khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, năm 2010, Trường THCS Nguyễn Du, xã Minh Tiến đã được đầu tư xây dựng nhà bán trú với 4 phòng ở, bếp ăn và hệ thống nhà tắm nhà vệ sinh kiên cố, tạo điều kiện cho học sinh nhà xa trường đến ở và học tập.

Thầy Trần Văn Dũng - Phó hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những năm đầu, thầy cô rất vất vả đến tận nhà học sinh để vận động, khuyến khích các em đến học bán trú tại trường. Đến năm học này, học sinh đã tự đến đăng ký và hiện tại đã có 56 em ở và học tập tại đây. Khu nhà bán trú đã bắt đầu trở nên chật chội”.

Do học sinh bán trú chưa được hưởng chính sách đặc thù mà nhà trường chỉ nhận được 960kg/năm cho tất cả các em đến ở bán trú nên các em phải tự nấu ăn, bố mẹ phải sắm đồ. Nhà trường cũng không có kinh phí để chi trả cho nhân viên trực và quản lý các em bán trú, do vậy, 2 cán bộ là nhân viên y tế và nhân viên thiết bị trường học phải trực luân phiên.

Anh Hoàng Văn Chinh - nhân viên y tế nhà trường cho biết: “Khi gắn bó với các em, thấy các em nhỏ lam lũ vào bếp, nấu ăn, rồi lúc ốm đau phải tự chăm sóc lẫn nhau, mình đã động viên, giúp đỡ, chăm sóc các cháu như những người cha, người mẹ. Công việc trực bán trú đòi hỏi rất nhiều thời gian, mình phải làm bằng tâm huyết, bằng sự nỗ lực của bản thân, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh nghèo học chữ”.

Triệu Huấn

Các tin khác
Khu trung tâm thành phố Yên Bái hôm nay đã hình hài rõ một đô thị sinh thái. (Ảnh: Thanh Miền)

YBĐT - Đô thị sinh thái là một đô thị mà trong quá trình tồn tại của nó không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, không làm suy thoái môi trường, không gây tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng và tạo điều kiện thuận tiện cho mọi người sống, sinh hoạt và làm việc trong nó.

YBĐT - Cầu Khe Dầy Km9+580 đường Đại Lịch - Minh An (ĐT.173) là cầu bản lắp ghép có tải trọng H13-X60 thuộc địa bàn thôn Khe Dầy, xã Chấn Thịnh, huyện Văn Chấn. Do xe chở quặng quá tải trọng của cầu lưu thông qua đã gây sập 01 bản mặt cầu (bản giữa thứ 2 tính từ hạ lưu).

Sáng 4/11, tại Bộ Y tế, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến về “Công tác quản lý Nhà nước về hành nghề y, dược tư nhân”. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; PGS. TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế và đại diện các sở, ban, ngành; cơ quan thông tấn báo chí cả nước.

Công đoàn viên cơ sở xã, phường ở Nghĩa Lộ là hạt nhân trong bảo tồn văn hóa dân gian.

YBĐT - Nhiều năm qua Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thị xã Nghĩa Lộ và ban chấp hành công đoàn các cấp luôn coi trọng phổ biến, tuyên truyền Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH về thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở xã, phường tới đội ngũ cán bộ làm công tác công đoàn, đoàn viên, công nhân viên chức, lao động.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục