Lung linh sắc màu thổ cẩm
- Cập nhật: Thứ bảy, 1/2/2014 | 9:04:39 AM
YBĐT - Tôi tìm đến gia đình chị Lò Thị Tuyên ở phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, được giới thiệu là nơi tụ hội rất nhiều bàn tay khéo léo trong nghề dệt thổ cẩm của đất Mường Lò.
|
Vừa vào đến đầu nhà đã nghe lách cách tiếng thoi đưa rộn ràng, rồi hiện hữu ngay trước mặt tôi là hình ảnh những người con gái Thái trong áo cỏm, khăn piêu đang khéo léo miệt mài bên khung cửi, kiên nhẫn từng đường chỉ, từng hoa văn với đủ màu sắc độc đáo mà trong tưởng tượng của tôi trước đây chưa bao giờ đẹp được đến thế. Thực sự là rất đẹp và ấn tượng! Qua câu chuyện với chị Lò Thị Tuyên và những bậc cao niên nơi đây, tôi phần nào hình dung ra được những công đoạn để dệt nên một tấm thổ cẩm của người con gái Thái. Để rồi thương hiệu thổ cẩm của người Thái đã trở thành biểu tượng văn hóa đẹp, mang nét đặc trưng riêng cho vùng đất Mường Lò thơ mộng.
Từ bao đời nay, dệt thổ cẩm đã trở thành nét văn hóa cổ truyền và không thể thiếu trong đời sống vật chất cũng như tinh thần của người Thái Mường Lò. Để có được một sản phẩm đẹp người con gái Thái phải trải qua một quá trình lao động, sáng tạo và tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Ngay từ thủa lên sáu, lên bảy, các cô bé Thái đã được các bà, các mẹ chỉ bảo, làm quen với việc nhặt bông, se sợi và lớn hơn một chút thì bắt đầu làm quen với việc dệt vải. Theo quan niệm của người Thái, người phụ nữ giỏi thêu thùa và có kỹ thuật dệt tinh xảo sẽ được đánh giá là người phụ nữ giỏi giang và được nhiều chàng trai để mắt tới.
Để dệt được một tấm thổ cẩm đẹp, người phụ nữ Thái phải trải qua rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự khéo léo và vô cùng tỉ mẩn. Trước đây, để có được những gam màu chủ đạo, người Thái thường nhuộm vải theo cách truyền thống bằng màu mực của các loại cây rừng. Mỗi màu sắc kết hợp với nhau để dệt nên tấm thổ cẩm đều thể hiện sự tinh túy của đất trời. Màu đen cho đất, màu xanh cho trời, màu vàng biểu hiện cho sự kết hợp hài hòa giữa con người với thiên nhiên, màu đỏ tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người. Vì thế mà người con gái Thái phải mất nhiều tháng để trồng bông, trồng dâu, rồi sau nhiều công đoạn mới se được sợi vải để dệt nên tấm thổ cẩm truyền thống. Do mất nhiều thời gian như vậy nên hiện nay đa phần người Thái mua những sợi tổng hợp đã qua xử lý của ngành công nghiệp dệt được bày bán ở chợ.
Người Thái có hai kiểu dệt, đó là dệt trơn và dệt hoa văn. Hoa văn Thái bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động của đồng bào nên mỗi tấm thổ cẩm mà người Thái dệt nên chính là một bức tranh sống động phản ánh đời sống, sinh hoạt hàng ngày, được hình thành bằng trí nhớ và tưởng tượng của người dệt. Trên những tấm thổ cẩm ấy có sự kết hợp hài hòa, cân đối giữa đường nét, màu sắc và hoa văn được người phụ nữ Thái xử lý khéo léo, tài tình. Hoa văn của người Thái chủ yếu là hình tượng động vật, thực vật, những hình ảnh trong cuộc sống đời thường. Qua những hình tượng đó, người con gái Thái khéo léo gửi cả tâm hồn mình trong mỗi đường thêu nên rất khó có thể lẫn với hoa văn của dân tộc khác.
Để ca ngợi đôi bàn tay tài hoa và sự siêng năng của người phụ nữ Thái, tục ngữ Thái có câu:"Úp tay thành hoa đào nở/ Mở tay nở bừng hoa gạo". Mỗi người con gái Thái đều có nghệ thuật trang trí độc đáo, thể hiện được phong cách riêng của mình qua từng tấm vải thổ cẩm dệt thêu.
Những sản phẩm thổ cẩm không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Thái và nó lại càng trở nên quan trọng hơn trong đám cưới. Người con gái, trước khi về nhà chồng phải tự tay làm tặng bố mẹ chồng những bộ chăn, đệm, gối thật đẹp bày tỏ sự hiếu thảo cũng là mang ý nghĩa ra mắt của cô dâu mới về xin được nhận làm con cháu trong gia đình. Nhìn vào những nét hoa văn trên đó, họ có thể đánh giá được cô gái ấy có là người chăm chỉ, khéo léo hay không. Những sản phẩm dệt, thêu truyền thống của người con gái Thái có mặt trong tất cả những ngày lễ lớn và trọng đại của dân tộc. Điều đó cho thấy vị trí quan trọng của nghề dệt trong đời sống của đồng bào Thái.
Trăn trở khi thấy nghề dệt truyền thống của dân tộc đang dần bị mai một trước sự thay đổi của xã hội, chị Lò Thị Tuyên đã mở cơ sở sản xuất với gần chục máy dệt để thu hút chị em, vừa để tạo công ăn việc làm cho chị em nhưng cũng là góp phần giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc. Giữ được nghề dệt chính là giữ được những nét văn hóa cổ truyền của người Thái - Ý thức rõ điều đó nên chị rất mong muốn lớp trẻ phải giữ được hồn cốt của dân tộc. Cơ sở của chị hiện đang thu hút rất nhiều bạn trẻ tham gia học thêu.
Em Hà Thị Thoa năm nay 16 tuổi đang tỉ mỉ để thêu hình hoa văn quả trám lên tấm vải gối, em cho biết thấy mẹ ngồi thêu em cũng rất thích và được mẹ dạy thêu từ năm 9 tuổi. Lúc đầu em chỉ thêu được những đường thẳng hay họa tiết hoa văn đơn giản nhưng giờ có thể thêu được những hoa văn khó hơn. Điều em thấy thú vị nhất ở nghề dệt này là luôn được sáng tạo ra những hoa văn, họa tiết mới để làm nên một sản phẩm mang đặc trưng riêng.
Hiện nay, rất nhiều hộ gia đình người Thái đã mạnh dạn đầu tư làm du lịch cộng đồng để thu hút du khách trong và ngoài nước đến với các bản làng, tìm hiểu về phong tục, tập quán cũng như những nét đẹp văn hóa của người Thái Mường Lò. Cùng với thế mạnh về sản vật của địa phương hay những sinh hoạt văn hóa thường ngày thì dệt thổ cẩm cũng là một trong những nét độc đáo được du khách yêu thích.
Chị Quách Thị Thu Nga - Trưởng phòng Văn hóa thị xã Nghĩa Lộ cho biết: "Để giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm của người Thái, những năm qua, đặc biệt là trong tiến trình xây dựng thị xã văn hóa Nghĩa Lộ, cấp ủy, chính quyền thị xã cũng như các ngành, đoàn thể đã quan tâm đến việc lãnh, chỉ đạo, trước hết là vận động, tuyên truyền để duy trì và khôi phục nghề dệt thổ cẩm, đồng thời có nhiều cơ chế như cho các hộ làm nghề dệt vay vốn với lãi suất ưu đãi, tạo đầu ra cho các sản phẩm bằng cách giới thiệu sản phẩm nghề dệt thổ cẩm thông qua các kênh, các chương trình du lịch. Chính vì vậy, đến nay, hầu hết các xã, phường trên địa bàn thị xã đều duy trì được nghề dệt”.
Mùa xuân này, thị xã Nghĩa Lộ vui hơn vì màn đại xòe cổ lớn nhất Việt Nam đã đi vào kỷ lục Guiness, người dân phấn khởi vì lượng khách du lịch sẽ đến với Nghĩa Lộ nhiều hơn trong nay mai, đồng nghĩa với việc sẽ mở ra nhiều cơ hội cho người dân trong việc quảng bá các sản phẩm thổ cẩm đến với du khách trong và ngoài nước.
Thanh Chi
Các tin khác
YBĐT- Không ai biết đích xác tục mừng tuổi đầu xuân có ở nước ta tự bao giờ. Song, cứ mỗi dịp tết đến, xuân về mọi người trong gia đình, người thân, bạn bè gặp gỡ, đoàn tụ trong niềm hân hoan, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp và mừng tuổi đầu năm đã trở thành một nét đẹp của phong tục truyền thống dân tộc Việt Nam.
YBĐT- Nam giới thường chọn cho mình những công việc như: luật sư, bác sỹ, kỹ sư, ít ai chọn làm giáo viên mầm non suốt ngày hát, múa và dỗ dành trẻ nhỏ. Ấy vậy, ngày nối ngày, những thầy giáo dạy mầm non ở xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải vẫn miệt mài vượt dốc đến từng nhà vận động trẻ ra lớp.
YBĐT - Ngày 16/5/2013, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng có thư khen Đảng bộ và nhân dân xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu. Đồng chí rất vui mừng trước những thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng phong trào, xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở một xã thuộc huyện đặc biệt khó khăn...
YBĐT - Người Mông ở tỉnh Yên Bái có gần 82.000 người, cư trú chủ yếu ở vùng cao, miền núi nên nhà ở của đồng bào luôn được thiết kế thấp với cấu trúc phù hợp với môi trường sống nơi có địa hình phức tạp, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt của vùng cao. Tuy nhiên, cũng từ tập quán đó đã tạo nên nét độc đáo riêng về ngôi nhà của người Mông.