Hương vùng cao

  • Cập nhật: Chủ nhật, 2/2/2014 | 8:09:42 AM

YBĐT - Ngay từ nhỏ, trong câu chuyện về đặc sản quê hương, tôi đã thường nghe mẹ kể về gạo nếp Tú Lệ. Lớn lên, đi nhiều mới thấy câu ca “Nếp Tú Lệ, tẻ Mường Lò” của dân tộc Thái từ lâu không chỉ được truyền tụng ở vùng Tây Bắc mà còn bay xa khắp mọi miền đất nước.

Cốm Tú Lệ.
(Ảnh: Bùi Xuân Đông)
Cốm Tú Lệ. (Ảnh: Bùi Xuân Đông)

Náo nức trong tâm hồn của kẻ lữ hành ưa khám phá, từ Nghĩa Lộ, theo Quốc lộ 32, tôi lên với Tú Lệ. Qua dốc Ba Tầng, Tú Lệ đột ngột hiện ra với những cánh đồng lúa mê mải được ôm trọn bởi ba dãy núi, giữa đồng, một dòng suối mênh mang tinh khiết uốn lượn chảy xuôi. Những mái nhà lợp gỗ nằm san sát trong bản, ngoài cánh đồng, lúa rập rờn cánh sóng.

Đẹp vậy nhưng khi gặp tôi, Phó Chủ tịch UBND Tú Lệ Sầm Văn Mới vẫn xuýt xoa: “Giá anh lên sớm hơn thì sẽ cảm nhận được cái đẹp tuyệt vời của ngày mùa nơi đây, cả thung lũng ngập tràn hương thơm của lúa, của đất. Cùng chung niềm vui được mùa, anh sẽ bắt gặp cảnh những thiếu nữ Thái da trắng hồng mịn màng, mái tóc đen suôn mềm mại ngồi giã cốm, đồ xôi ngũ sắc, thổi cơm lam trong nếp nhà sàn!”.

Dù không gặp Tú Lệ vào mùa  đẹp nhất nhưng đối với tôi, Tú Lệ đã đẹp lắm rồi. Đẹp ngay từ dốc Ba Tầng nơi bắt đầu địa giới của vùng cao ngất trời mây bên vách đá chênh vênh, núi rừng hoang dại và đầy vẻ kiêu kì, bí ẩn. Đẹp từ những mảnh ruộng nằm lẻ loi trên sườn núi đá, những ngôi nhà nhỏ bằng gỗ cheo leo thoáng ẩn thoáng hiện giữa lưng chừng núi.

Đêm, Tú Lệ bừng ánh điện sáng cả một vùng rừng núi. Trung tâm xã giờ đã mang dáng dấp của một thị tứ hiện đại với nhà cửa, phố xá đông đúc, trong đó có nhiều nhà nghỉ tiện nghi. Có được sự phồn thịnh này, chắc hẳn nếp Tú Lệ đã góp phần không nhỏ vì chỉ quan sát thôi cũng thấy hầu hết các nhà hàng, khách sạn, điểm bán hàng ăn uống dù đủ các món nhưng không biển hiệu quảng cáo nào thiếu danh từ “nếp Tú Lệ”. Sức hút của nếp Tú Lệ đã làm du khách qua lại không thể cưỡng được, phải dừng chân để thưởng thức loại đặc sản quý hiếm cùng chiêm ngưỡng cảnh sắc non cao và cảm nhận sự hiếu khách của con người nơi đây.

May mắn, chúng tôi  lên Tú Lệ lần này được gặp anh Phạm Trung Hiếu - một thương lái buôn gạo nhiều năm nay. Anh cho biết: “Nếp Tú Lệ hạt to và tròn, trăm ngàn hạt đều như nhau, có mùi thơm rất lạ mà không loại nếp nào có được. Mỗi khi nhà nào đồ xôi, đổ cơm ra chiếc mẹt quạt cho bớt hơi nước trước khi cho vào coóng khẩu thì cả bản đều biết. Nếp Tú Lệ có thể gieo trồng cả một vùng từ Nậm Chậu, Sài Lương, bản Tun của Nậm Búng đến bản Thái, bản Lìm của Nậm Có… nhưng ngon nhất vẫn là khu vực trung tâm của Tú Lệ với bản Phạ Trên, Phạ Dưới”.

Là người năng động, sau mỗi vụ thu hoạch, anh Hiếu và nhiều thương lái khác đánh xe ô tô vào tận bản mua gạo tích trữ để chờ đến tết Nguyên Đán mới đem ra bán. Trung bình khoảng 20 ngàn đồng một kg thóc, càng gần tết giá sẽ cao hơn, khoảng 30, 40 ngàn. Mỗi năm anh cũng kiếm được vài chục triệu. Chẳng vậy mà khoảng thời gian ở Tú  Lệ, tôi luôn bắt gặp cảnh xe ô tô từ khắp mọi miền đất nước lên đây mua gạo nếp về phục vụ gói bánh chưng, thổi xôi thờ cúng tổ tiên và đãi khách trong ba ngày tết.

Để hiểu rõ về loại đặc sản nức tiếng, chúng tôi vào bản Phạ Trên. Trưởng bản Lò Văn Quy bảo: “Vì cấy loại nếp này mỗi năm chỉ làm được một vụ nên mỗi nhà chỉ dành một phần diện tích đất để cấy phục vụ nhu cầu gia đình. Trước khi mùa gặt đến, bà con thường chọn những bông lúa to, hạt mẩy làm cốm, đồ lên làm thóc đồ, bà con mổ gà vịt làm lễ cúng cơm mới để tạ ơn trời đất đã cho người dân Tú Lệ giống lúa thơm ngon nổi tiếng và cầu cho mùa vụ tốt tươi. Ngày tết nhà nào cũng làm vài hũ rượu cần để mời bà con thôn bản ăn tết. Rượu cần làm bằng nếp Tú Lệ thì không thứ rượu nào sánh nổi!”.

Người già ở Tú Lệ vẫn kể cho con cháu nghe giai thoại về giống nếp Tan lả này, rằng có một tộc người Thái được Tiên ông hiện ra cho một coóng thóc quý và dặn phải tìm được mảnh đất thích hợp thì thóc quý mới mọc thành cây lúa và cho nhiều hạt gạo dẻo thơm. Vâng lời Tiên dạy, tộc người Thái đi khắp vùng Tây Bắc, đến đâu thấy đất tốt cũng gieo trồng thử nhưng nơi thì hạt gạo không nảy mầm, chỗ thì lúa không trổ bông hoặc có hạt thì gạo chẳng dẻo thơm như lời Tiên bảo.

Một ngày kia, đoàn người Thái tới chân đèo Khau Phạ, dừng chân xuống suối Mường Lùng uống nước, thấy dòng nước mát trong và ngọt lịm, ngẩng mặt lên là thung lũng tươi tốt. Già làng của tộc người Thái đã quyết định ở lại đây vỡ ruộng trồng lúa. Quả nhiên thóc tiên gieo xuống đã nhanh nảy mầm, ngay từ khi lúa còn con gái đã tỏa ra một hương thơm tinh khiết, đến cuối vụ bông nào cũng to như cái đuôi trâu, đem ra cối giã thấy trắng trong và thơm phức, nếu cho vào chõ gỗ mà đồ thì dẻo thơm lạ kỳ.

Từ đó nếp Tan lả gắn bó với người Thái Tú Lệ và nhờ có hạt nếp dẻo thơm này mà con trai bản khỏe mạnh, dẻo dai, làm ruộng nương không biết mệt, bước chân băng rừng, lội suối không biết mỏi, tiếng khèn làm say lòng gái bản; còn các cô gái Thái thắt đáy lưng ong, nước da trắng hồng mịn màng, mái tóc đen nhánh suôn dài mềm mại, quay xa dệt vải, hoa văn như có hồn, làm trai bản ngẩn ngơ, thổn thức.

Nhưng kỳ lạ, giống Tan lả quý ấy mà mang đi nơi khác trồng thì không còn giữ được hương vị tuyệt hảo đặc trưng dù vẫn làm cho thực khách gật gù thán phục. Người sành điệu còn khẳng định rằng, chỉ ăn nếp Tan lả nấu với nước suối Mường Lùng mới thấy hết được cái thơm ngon tinh túy của hồn đất trời hòa quyện. Vì vậy, nhiều khách sành ăn ở Hà Nội mua gạo Tú Lệ mang can nhựa để lấy cả nước về.

Truyền tích là vậy nhưng dưới góc độ khoa học, kỹ sư Đinh Khắc Tiến  công tác tại Sở Khoa học - Công nghệ Yên Bái - người đã tham gia Dự án “Phục tráng giống lúa nếp đặc sản bằng công nghệ sinh học” của Viện Công nghệ sinh học Trung ương cho biết, gạo nếp Tú Lệ dẻo, thơm, ngon là bởi được gieo trồng trên một nền đất hiếm (với các nguyên tố như molybden, bo, kẽm), tầng phong hóa mỏng, nồng độ kali trên phiến thạch mica lớn.

Thung lũng Tú Lệ nằm gọn giữa ba ngọn núi cao là Khau Phạ, Khau Thán và Khau Song nên biên độ dao động của nhiệt độ trong ngày lớn, thời gian đêm dài hơn ngày. Đây là những yếu tố khiến mạch tinh bột amino-pectin lớn (lượng mạch tinh bột amino-pectin quyết định sự dẻo thơm của hạt gạo). Thêm một yếu tố nữa là do cấu tượng của đất Tú Lệ tơi xốp, dễ ngấm nước và khí hậu ở Tú Lệ trong lành nên sản xuất lúa ở Tú Lệ ít phải thâm canh, vì vậy gạo ở Tú Lệ là gạo sạch.

Nếp Tú Lệ đã nức tiếng khắp vùng, giá trị của nó không phải bàn cãi. Theo tính toán, trung bình 1kg thóc nếp bằng 3kg thóc tẻ, đặc biệt trong dịp Tuần văn hóa Lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải, 1kg cốm có giá đến vài trăm ngàn, gạo thóc không có mà bán, thế nên thật đáng tiếc khi việc sản xuất nếp Tú Lệ hiện nay chưa mang tính hàng hóa lớn để đem lại thu nhập cao cho bà con nơi đây.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Sầm Văn Mới thì toàn xã có 172ha ruộng nhưng sản lượng thóc nếp chưa năm nào vượt qua con số 250 tấn, sản lượng này phục vụ nhu cầu nội tại là chính. Lý do vì phải  đảm bảo an ninh lương thực, cây lúa nếp chỉ cấy một vụ nên một thương hiệu cho hạt nếp Tú Lệ vẫn chưa được xây dựng. Trước đây, huyện Văn Chấn đã có chương trình phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tiến hành phục tráng cho cây nếp Tú Lệ nhằm tạo ra hạt giống có chất lượng cao, sạch bệnh. Và cách đây mấy năm, có một hợp tác xã ra đời để thu mua, tiêu thụ sản phẩm nhưng tiếc rằng vì nhiều nguyên nhân mà điều ấy chưa thành hiện thực. Vì vậy, trong chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đưa nếp Tú Lệ vào loại cây trồng nâng cao thu nhập cho người dân.

Chia tay Tú Lệ, hương vị của loại đặc sản “có một không hai” khiến lòng người cứ vấn vương, đúng như câu ca “Ai đi đến đó lòng không muốn về”.

Nguyễn Đình

Các tin khác

Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, trong tháng 2/2014, các tỉnh phía Bắc có khả năng tiếp tục chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh có cường độ mạnh, gây gió mạnh trên Biển Đông và các đợt rét đậm, rét hại tại Bắc Bộ (nhiệt độ trung bình ngày tại các tỉnh đồng bằng xuống dưới 15 độ C).

Dự báo đường đi của bão Kajiki

Hồi 13 giờ chiều nay (1/2), vị trí tâm bão Kajiki ở vào khoảng 11,2 độ Vĩ Bắc; 120,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc biển Xu-lu (Philippin). Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.

Công an huyện Yên Bình bàn phương án đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm trên địa bàn.

YBĐT- Vui tết đón xuân Giáp Ngọ năm nay, cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (CSĐTTPVMT), Công an tỉnh đều vui mừng, phấn khởi về những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tội phạm về ma túy năm qua.

YBĐT - Tôi tìm đến gia đình chị Lò Thị Tuyên ở phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, được giới thiệu là nơi tụ hội rất nhiều bàn tay khéo léo trong nghề dệt thổ cẩm của đất Mường Lò.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục