Một số vấn đề trong phát triển dược liệu, cây thuốc tại Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 14/2/2014 | 2:30:49 PM

YBĐT - Thực hiện chương trình phát động thi đua trồng cây thuốc đầu xuân Giáp Ngọ của Tỉnh hội Đông y Yên Bái, thiết thực hành động thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá X) về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, Chương trình hành động số 61- CTr/TU ngày 2/12/2008 của Tỉnh ủy Yên Bái.

Lãnh đạo Hội Đông y tỉnh tham gia trồng cây thuốc nam với học sinh Trường THCS Yên Thịnh (TP Yên Bái).
Lãnh đạo Hội Đông y tỉnh tham gia trồng cây thuốc nam với học sinh Trường THCS Yên Thịnh (TP Yên Bái).

Để hưởng ứng phong trào trồng cây thuốc nam hàng năm. Để phong trào trồng cây thuốc có giá trị tích cực, trước hết, phải có sự đánh giá đúng mức về quan điểm trồng, thu hái, chế biến và sử dụng thuốc nam hiện nay.

Thứ nhất, phải có quan điểm, chính sách cụ thể bảo hộ với từng địa phương để phát triển dược liệu. Nhận thức đúng về giá trị kinh tế của dược liệu và cây thuốc không chỉ phục vụ cho sản xuất thuốc chữa bệnh, còn là một loại cây trồng có khả năng tham gia chuyển dịch cơ cấu cây trồng, sản xuất hàng hoá nâng cao giá trị kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, phát triển bền vững.

Do năng lực tự tìm kiếm thị trường, hướng đi của người vùng cao trong sản xuất hàng hoá còn rất hạn chế, vì vậy vai trò điều tiết của “bốn nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông), trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ yếu, có chính sách bảo hộ, khuyến khích phát triển dược liệu của từng địa phương là rất cần thiết.

Hiện tại chúng ta đang thực hiện một cơ chế chung đấu thầu mua thuốc YHCT, do vậy, việc thu mua thanh toán bằng bảo hiểm y tế với thuốc YHCT, đặc biệt là các vị thuốc sử dụng trong các bài thuốc của YHCT còn nhiều bất cập, khó khăn, các cơ sở y tế không thu mua được dược liệu tại địa phương để bào chế sử dụng tại chỗ, mà phải mua qua cơ chế như hiện nay thì khó có thể khuyến khích phát triển dược liệu.

Trong khi đó, hiện nay, dược liệu làm thuốc YHCT của các địa phương lại phải mua đi bán lại vòng vo qua nhiều công đoạn, để rồi cơ sở y tế điều trị tại các địa phương phải mua với giá thuốc cao hơn nhiều nguồn gốc giá trị của thuốc sinh ra.

Thứ hai, để phát triển được dược liệu, thuốc YHCT cần có chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp dược trong và ngoài tỉnh để phát huy lợi thế của một tỉnh miền núi còn nhiều tiềm năng về rừng và đất rừng trong hoạt động bảo tồn khoanh nuôi, trồng và thu hái, chế biến dược liệu, sản xuất hàng hoá dược liệu và thuốc YHCT tại Yên Bái. Rừng và đất rừng của Yên Bái có đủ các lâm sản quý hiếm, các cây thuốc bản địa thuộc dược liệu quý hiếm như: sa nhân, thảo quả, toả dương, ba kích, hà thủ ô đỏ…

Một số cây thuốc có thể phát triển đại trà ở các vùng như: sơn tra, y dĩ, cẩu tích, lá khôi, kim tiền thảo... là những cây có thể được xác định là cây bản địa có mọc tự nhiên ở đất rừng Yên Bái, hiện đang khai thác sử dụng trên thị trường, cần bảo tồn và phát triển. Ngoài ra, còn nhiều cây thuốc bản địa khác do đồng bào các dân tộc miền núi thu hái, khai thác sử dụng theo kinh nghiệm trong cộng đồng dân cư chưa được khảo sát điều tra nghiên cứu đầy đủ.

Thứ ba, điều tra đánh giá đúng thực trạng sử dụng tài nguyên rừng và đất rừng Yên Bái để có chính sách cụ thể phát triển theo vùng dược liệu, cây thuốc nam của Yên Bái.

Việc trồng rừng và khai thác tài nguyên rừng, cũng như trồng khai thác tài nguyên dược liệu làm thuốc YHCT, cần có tri thức sử dụng cả về tri thức hàn lâm và tri thức bản địa của người dân sống ngàn đời với rừng. Cần có sự đánh giá, điều tra thực trạng về tài nguyên dược liệu, cây thuốc tại Yên Bái một cách tổng thể về trữ lượng, khả năng bảo tồn và phát triển của các vùng dược liệu trong tỉnh, đánh giá thực trạng việc khai thác,thu hái chế biến và sử dụng thuốc bản địa (thuốc nam) tại Yên Bái. Từ đó, sẽ có những chính sách khuyến khích phát triển phù hợp.

Thứ tư, phát triển cây thuốc nam cần tìm hiểu rõ đặc thù văn hoá, đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc vùng cao ở nơi còn có rừng, đặc biệt là rừng nguyên sinh. Do điều kiện, người dân chủ yếu khai thác cây thuốc theo cách tự nhiên. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác dược liệu bừa bãi, thiếu quy hoạch quản lý bảo tồn… khiến nguồn dược liệu quý hiếm có nguy cơ cạn kiệt, tuyệt chủng.

Cơ chế thị trường đang phá dần kiến thức bản địa thân thiện với rừng của đồng bào vùng cao. Cần có chiến lược bảo tồn văn hoá thân thiện với rừng của đồng bào vùng cao để bảo tồn phát triển sinh thái rừng, làm môi trường cây thuốc phát triển bền vững. Như vậy, chỉ có thể tác động dựa vào đồng bào vùng cao để bảo vệ rừng tự nhiên và bảo tồn phát triển cây thuốc trong trật tự sinh thái tự nhiên ấy.

Thứ năm, muốn phát triển được cây thuốc nam bền vững, còn phải tìm hiểu về tri thức bản địa sử dụng cây thuốc bản địa của đồng bào vùng cao. Cần dựa vào cộng đồng các dân tộc vùng cao, sống giữa vùng núi cao, thời tiết khắc nghiệt, mức sống của nhân dân còn thấp và những cây, bài thuốc nam được truyền theo kinh nghiệm lâu đời rất quan trọng trong chăm sóc sức khoẻ tại cộng đồng, lực lượng này chủ yếu là các ông lang, bà mế sử dụng cây thuốc, bài thuốc theo kinh nghiệm bản thân.

Cần có chính sách, mục tiêu cụ thể để họ có thể yên tâm, tin tưởng sống bằng nghề thuốc nam của mình. Đây chính là lực lượng tiêu dùng tại chỗ thiết thực nhất về cây thuốc nam, cây thuốc cổ truyền, giúp cho người dân được chăm sóc sức khoẻ, thân thiện với môi trường và chi phí khám chữa bệnh rẻ nhất.

Như vậy, phải có chiến lược nghiên cứu khoa học đầy đủ, để bảo tồn và phát triển nguồn cây thuốc quý và bảo vệ nguồn gen, biết tác động đúng tránh tình trạng cây thuốc dân tộc còn, nhưng tri thức bản địa sử dụng bị mai một dần đi và ngược lại, tri thức bản địa còn, nhưng cây thuốc đã tuyệt chủng có thể xảy ra. Đó là vấn để cần quan tâm để hoạch định chiến lược phát triển dược liệu.

Trồng và chế biến các sản phẩm dược liệu sẽ tạo ra các sản phẩm đặc trưng vùng miền, góp phần ổn định đời sống, tạo công ăn việc làm cho người dân, đồng thời phát huy thế mạnh của tỉnh và bảo tồn được những loài dược liệu quý. Đây là hướng đi đúng, có tính khả thi trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng nhằm đem lại lợi nhuận cao, tăng tính ổn định bền vững sinh thái rừng, không làm ảnh hưởng đến quỹ đất của cây trồng khác. Muốn phát triển được cây thuốc nam tại Yên Bái cần có chính sách thu hút đầu tư của các doanh nghiệp dược trong và ngoài tỉnh, cần có bước đi thích hợp, từng bước tuyên truyền làm thay đổi thói quen, hành vi sử dụng cây thuốc thu hái tự nhiên như hiện nay.

Thực hành sản xuất thuốc tốt (GMP-WHO) mới chỉ là phần ngọn, vấn đề là phải có chương trình thực hành tốt trồng và thu hái cây thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (GACP-WHO). Có như vậy mới đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất tốt, phát triển dược liệu sạch từ cây thuốc nam là cơ sở nguyên liệu đầu vào cho thực hành sản xuất thuốc tốt.

Dược sỹ Chuyên khoa I Trương Văn Hướng (Phó giám đốc Bệnh viện Y học
cổ truyền  Yên Bái)

Các tin khác

YB ĐT - Thực hiện các nghị quyết của Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của ngành về cải cách tư pháp, nhằm nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dân sự.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Ngoại ngữ cần được xếp công bằng với các môn khác, nếu không thi bắt buộc thì phải là môn thi tự chọn. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo về giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 13-2.

Sáng 13/2, nhiệt độ tại chùa Đồng – Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) ở mức 0 độ C, băng tuyết đã xuất hiện.

Công an xã Viễn Sơn (Văn Yên) nắm bắt tình hình ANTT tại cơ sở.

YBĐT - Xã An Bình, cách trung tâm huyện Văn Yên 18km, nằm dọc theo sông Hồng, có đường sắt, 2 tỉnh lộ và nhiều tuyến đường liên thôn, xã nối liền, hàng ngày có khá nhiều người qua lại địa bàn xã giao thương trao đổi hàng hóa nên cũng có nhiều phức tạp về an ninh trật tự (ANTT).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục