Đề nghị ngoại ngữ là môn thi tốt nghiệp tự chọn
- Cập nhật: Thứ sáu, 14/2/2014 | 2:08:37 PM
Ngoại ngữ cần được xếp công bằng với các môn khác, nếu không thi bắt buộc thì phải là môn thi tự chọn. Đây là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo về giáo dục phổ thông do Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 13-2.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
|
Trong khi nhiều học sinh lớp 12 hồi hộp đợi quyết định từ Bộ GD-ĐT về đổi mới thi và xét tốt nghiệp THPT năm nay thì tại hội thảo này, những điểm dự kiến đổi mới vẫn được thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến trái chiều.
Môn ngoại ngữ: bộ tiếp tục lắng nghe
Nhiều phương án xét tốt nghiệp Đồng tình với việc xét tốt nghiệp trên cơ sở điểm thi và kết quả đánh giá quá trình, nhưng nhiều ý kiến cho rằng cần phải lấy kết quả đánh giá học sinh cả ba năm học mới chính xác. Một vài ý kiến cho rằng chỉ nên xét tốt nghiệp trên cơ sở bốn môn thi, trong đó hai môn thi bắt buộc sẽ nhân hệ số 2. |
Trong những điểm dự kiến đổi mới của Bộ GD-ĐT đã công bố, môn ngoại ngữ được quan tâm và nhận được nhiều ý kiến phản hồi nhất trong thời gian qua.
Tại hội nghị ngày 13-2, Bộ GD-ĐT không đưa ra hai phương án đối với môn ngoại ngữ như đã công bố trước đó mà chỉ có một phương án duy nhất: “môn ngoại ngữ là môn thi khuyến khích bên cạnh hai môn thi bắt buộc và hai môn thi tự chọn”.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển lý giải: “Do điều kiện khó khăn khách quan nên việc dạy học môn ngoại ngữ ở trường phổ thông rất khác nhau giữa các vùng miền. Bộ đề xuất phương án môn ngoại ngữ là môn thi khuyến khích”. Nhưng trước nhiều ý kiến cho rằng ngoại ngữ nếu không thi bắt buộc thì phải là môn thi tự chọn, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết tiếp tục lắng nghe thêm ý kiến về việc này.
Ông Lê Văn Quý, giám đốc Sở GD-ĐT Điện Biên, là một trong số ít người ủng hộ phương án của Bộ GD-ĐT. Ông Quý cho biết: “Năm 2010 Sở GD-ĐT Điện Biên đã mời ĐH Quốc gia Hà Nội lên khảo sát trình độ ngoại ngữ của giáo viên, kết quả giáo viên đạt yêu cầu rất thấp. Học sinh Điện Biên là người dân tộc thiểu số khá nhiều, đối với các em học tiếng Việt cũng giống như học ngoại ngữ rồi nên thêm một ngoại ngữ nữa rất khó khăn”.
Trong khi đó ông Nguyễn Tấn Thắng, giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Nam, cho biết Quảng Nam có 14 trường miền núi nhưng năm trước chỉ có 5% số trường xin thi môn thay thế môn ngoại ngữ. Điều này chứng tỏ ngoại ngữ hoàn toàn có thể trở thành môn thi bắt buộc.
Đại diện nhiều sở GD-ĐT cũng đề nghị môn ngoại ngữ là môn thi tự chọn, vì đây là cách để tiếp tục duy trì chất lượng dạy học ngoại ngữ để kết hợp các giải pháp khác nhằm cải thiện trình độ ngoại ngữ của học sinh phổ thông.
Ủng hộ phương án thi bốn môn
Ông |
Với dự thảo quy định thi tốt nghiệp THPT bốn môn (thay cho sáu môn các năm trước), trong đó môn văn, toán thi bắt buộc, hai môn còn lại thí sinh chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, Bộ GD-ĐT nhận được sự ủng hộ cao từ các nhà quản lý giáo dục, giáo viên cả nước. Theo Bộ GD-ĐT, “trong số 45 sở GD-ĐT được hỏi ý kiến thì có 42 ý kiến ủng h
ộ việc thi bốn môn, chỉ có hai ý kiến đề nghị duy trì thi sáu môn”.
Tại hội nghị ngày 13-2, hầu hết các ý kiến phát biểu trực tiếp cũng ủng hộ việc giảm số môn thi tốt nghiệp. Ông Nguyễn Sỹ Thư, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kon Tum, cho rằng: “Việc giảm môn thi, trong đó có những môn thi tự chọn tiếp cận được với hướng đổi mới giáo dục phổ thông, giúp học sinh giảm bớt căng thẳng nặng nề không cần thiết, có thời gian học sâu những môn gần với lĩnh vực ngành nghề lựa chọn trong tương lai”.
Cũng thể hiện sự “ủng hộ cao với việc thi bốn môn”, ông Nguyễn Văn Tuấn, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Nam Định - một tỉnh có nhiều năm trong tốp đầu về tỉ lệ tốt nghiệp THPT, cho rằng “bốn môn thi là phù hợp vì với những vấn đề còn bất cập hiện nay đối với giáo dục phổ thông, việc quy định cứng thi sáu môn không giải quyết được mục tiêu “giáo dục toàn diện” mà khiến học sinh căng thẳng, có tư tưởng đối phó”.
Tuy nhiên, vẫn còn một số lãnh đạo các sở GD-ĐT bày tỏ băn khoăn. Ông Mai Văn Long, giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, chia sẻ quan điểm ủng hộ thi bốn môn nhưng “với hai môn tự chọn nên có thêm quy định thí sinh phải chọn một môn khoa học tự nhiên và một môn khoa học xã hội để tránh việc thí sinh học lệch hẳn về một lĩnh vực”. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế băn khoăn về việc “ta tổ chức thi tự chọn nhưng chưa triển khai dạy học tự chọn, như thế là chưa đồng bộ”. Một số ý kiến của các tỉnh, thành cũng cho rằng việc “cho học sinh tự chọn” sẽ khiến việc tổ chức thi rất phức tạp, dễ xảy ra sai sót, nhất là việc in sao, bảo quản đề thi.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng: “Chúng ta phải cân nhắc lựa chọn phương án nào có lợi nhất cho học sinh, cho mục tiêu học thật, thi thật, hướng tới xa hơn là chất lượng nguồn nhân lực. Nếu phương án đó có khiến ngành GD-ĐT phải thêm công việc khó khăn, phức tạp cũng phải quyết tâm làm”.
Tại sao phải miễn thi 20%?
Theo ông Nguyễn Văn Tuấn - giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định, “việc miễn thi 20% số học sinh giỏi theo dự thảo quy định mới là không cần thiết vì với số miễn thi này không làm giảm đáng kể việc tốn kém, căng thẳng của kỳ thi, trong khi đó sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, thậm chí tiêu cực trong quá trình xem xét miễn thi của các địa phương”.
Đại diện nhiều sở GD-ĐT cho rằng việc xét miễn thi cần có tiêu chí chung trên toàn quốc và được cụ thể hóa. Một số sở GD-ĐT ủng hộ miễn thi 20% cho rằng Bộ
GD-ĐT cần có giải pháp kiểm soát tiêu cực và “chỉ nên thành lập hội đồng xét miễn thi cấp tỉnh, không nên cho phép mỗi trường một hội đồng xét miễn thi dễ nảy sinh sơ hở, tiêu cực”.
Chia sẻ về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: Đổi mới thi phải làm cho các kỳ thi không nặng nề trên mức cần thiết. Các kỳ thi trước đã có tới 98% đỗ tốt nghiệp thì tại sao phải đặt ra việc miễn thi 20%? Nếu mục tiêu đổi mới để kỳ thi tốt nghiệp THPT nhẹ nhàng hơn thì không cần thiết phải miễn thi cho bất cứ trường hợp nào, trừ những học sinh không thể dự thi do bị ốm đau đột xuất. Trong khi đó, lãnh đạo Bộ GD-ĐT vẫn bảo lưu quan điểm “việc miễn thi 20% sẽ góp phần tạo động lực cho học sinh phấn đấu, rèn luyện toàn diện trong quá trình học tập”.
Ông Phạm Vũ Luận cho biết sẽ tiếp thu ý kiến để tiếp tục cân nhắc hoàn thiện phương án đảm bảo yêu cầu như chỉ đạo của Phó thủ tướng là “giữ ổn định và duy trì cho tới khi có học sinh đầu tiên học chương trình mới thi tốt nghiệp THPT”.
Nội dung thi tốt nghiệp bám sát chương trình lớp 12 Theo dự kiến của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn diễn ra vào các ngày 2, 3 và 4-6. Bộ GD-ĐT sẽ ban hành quy chế thi tốt nghiệp sửa đổi, bổ sung, quy định tỉ lệ miễn thi chung toàn quốc, phương án miễn thi (nếu việc này được quyết định) vào tháng 2 và tháng 3-2014. Hình thức các môn thi tự luận và trắc nghiệm vẫn giữ nguyên như các năm trước. Định hướng ra đề thi về cơ bản không thay đổi so với các năm trước, bám sát chương trình - sách giáo khoa THPT chủ yếu lớp 12. |
(Theo TTO)
Các tin khác
Sáng 13/2, nhiệt độ tại chùa Đồng – Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) ở mức 0 độ C, băng tuyết đã xuất hiện.
YBĐT - Xã An Bình, cách trung tâm huyện Văn Yên 18km, nằm dọc theo sông Hồng, có đường sắt, 2 tỉnh lộ và nhiều tuyến đường liên thôn, xã nối liền, hàng ngày có khá nhiều người qua lại địa bàn xã giao thương trao đổi hàng hóa nên cũng có nhiều phức tạp về an ninh trật tự (ANTT).
YBĐT - Lâu nay quan điểm "con gái là con người ta" đã ăn sâu vào trong tiềm thức của người Việt nói chung. Theo đó, nhiều người coi con trai là sự tiếp nối của mình để tiếp tục cuộc sống.
Phương án miễn thi tốt nghiệp THPT cho 20% học sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nhận được nhiều phản hồi về tính khả thi từ các địa phương.