Phát huy hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở
- Cập nhật: Thứ năm, 27/2/2014 | 8:43:31 AM
YBĐT - Trong nhiều năm qua, trên địa bàn huyện Yên Bình (Yên Bái) không có dịch bệnh lớn xảy ra; các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai thực hiện rộng khắp và đạt hiệu quả cao như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống lao, sốt rét, suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em…
Phòng khám Đa khoa khu vực Cẩm Nhân
được xây dựng khang trang.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Huấn - Chủ tịch UBND xã Ngọc Chấn cho biết: “Năm 2009, Trạm Y tế xã Ngọc Chấn được xây dựng với tổng số vốn hơn 1,2 tỷ đồng. Hiện tại, Trạm có 5 cán bộ y tế, trong đó có 1 bác sỹ, 3 y sỹ, 1 nữ hộ sinh; có 6 giường bệnh và đầy đủ Phòng Khám, Phòng Điều trị, Phòng Sản, Nhà Truyền thông dân số - kế hoạch hóa gia đình. Những năm trước đây, do nhận thức của người dân cũng như Trạm Y tế xã hoạt động chưa thực sự hiệu quả nên nhiều người khi bị bệnh không đến cơ sở y tế để chữa trị mà mời thầy mo về cúng tại nhà. Có nhiều cách tuyên truyền, vận động như thông qua các hội nghị, họp thôn, sinh hoạt đoàn thể và hệ thống loa truyền thanh nên người dân đã nâng cao, thay đổi nhận thức và hành động. Hoạt động khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế xã tăng cả về số lượng và chất lượng, từng bước có được lòng tin của nhân dân”.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn được huyện coi trọng. Huyện đã đề ra nhiều biện pháp chỉ đạo tích cực trong việc huy động và tăng cường sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân trong công tác xã hội hóa xây dựng mạng lưới y tế cơ sở đồng thời đổi mới phương thức hoạt động của các ban chăm sóc sức khỏe nhân dân theo hướng tăng cường phối hợp liên ngành, lồng ghép với các chương trình mục tiêu.
Đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng theo hướng đồng bộ, từ năm 2002 đến nay, Yên Bình đã đầu tư hơn 100 tỷ đồng xây dựng mới 1 bệnh viện đa khoa, 3 phòng khám khu vực, 12 trạm y tế xã đồng thời sửa chữa, nâng cấp 14 trạm y tế cơ sở, trong đó nguồn ngân sách huyện huy động chiếm trên 15%. Huyện cũng đã đầu tư hơn 5 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh của người dân.
Hiện tại, toàn huyện có gần 300 cán bộ công tác trong ngành y tế gồm 38 bác sỹ, trong đó có 1 thạc sỹ, 7 bác sỹ chuyên khoa cấp 1, 2 dược sỹ đại học, 6 cử nhân điều dưỡng, 2 cử nhân y tế công cộng, 1 cử nhân nữ hộ sinh; trên 70% số cán bộ y tế thôn, bản đạt trình độ chuẩn; 100% số trạm y tế có y sỹ sản nhi và nữ hộ sinh; 12/26 trạm y tế có bác sỹ; số cán bộ, nhân viên y tế xã đạt tỷ lệ 6 cán bộ/trạm. Đã có 4 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí mới là: Thịnh Hưng, Xuân Lai, Ngọc Chấn, thị trấn Thác Bà. |
Trong nhiều năm qua, trên địa bàn huyện không có dịch bệnh lớn xảy ra; các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế được triển khai thực hiện rộng khắp và đạt hiệu quả cao như: tiêm chủng mở rộng, phòng chống lao, sốt rét, suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em…
Nhiều dịch bệnh nguy hiểm đã được khống chế, ngăn chặn và thanh toán khỏi đời sống cộng đồng. Các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu đã được cung cấp đến mọi người dân. Hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe tại cộng đồng đã và đang thu hút người dân vào cuộc một cách tích cực và chủ động hơn.
Trong công tác khám chữa bệnh, ngoài áp dụng công nghệ hiện đại, các cơ sở y tế trên địa bàn huyện đều phối hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại, phát huy được tính năng và hiệu quả của nhiều bài thuốc, phương thuốc dân gian. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa huyện và Phòng khám Đa khoa khu vực thị trấn Thác Bà đã có khoa và phòng chẩn trị y học cổ truyền; tất cả các trạm y tế xã, thị trấn đều có vườn thuốc nam. Riêng xã Phúc An vận động được trên 30% số hộ dân địa phương trồng cây thuốc nam tại gia đình, mỗi hộ trồng ít nhất từ 12 loài cây thuốc trở lên.
Đặc biệt, từ năm 2009 đến nay, có sự quan tâm của Hội Đông y tỉnh Yên Bái, Yên Bình có xã Cẩm Ân và Bảo Ái được tham gia Dự án Bảo tồn, phát triển cây thuốc bản địa với 240 hộ ở 12 thôn tham gia trồng 6 loại cây thuốc: gừng, kim tiền thảo, hoành sơn, ba kích… và xã Cẩm Ân cũng đã xây dựng được 1 cơ sở chế biến cây thuốc nam tại địa phương.
Song song, huyện chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế; chủ động bồi dưỡng, cử cán bộ đi học các lớp đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo nhiều hình thức và ưu tiên các đối tượng là người dân tộc thiểu số. Phát huy tính hiệu quả của hệ thống mạng lưới y tế cơ sở đã giúp cho Yên Bình khống chế và đẩy lùi nhiều dịch bệnh nguy hiểm. Các chỉ số sức khỏe của người dân đã được cải thiện đáng kể, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm xuống còn 19,8% và nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân đã dần được đáp ứng.
Kiều Mười
Các tin khác
Theo Bộ LĐTB-XH, Tuần lễ quốc gia an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ năm 2014 sẽ được Bộ LĐTB-XH khai mạc tại tỉnh Thừa Thiên - Huế vào ngày 16-3, mở đầu cho tuần lễ vì an toàn - vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ trong cả nước, kéo dài đến ngày 23-3.
YBĐT - Những năm gần đây, công tác dạy nghề ở Yên Bái đã có chuyển biến tích cực, nhiều ngành nghề đào tạo từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, quy mô dạy nghề được mở rộng, thực hiện dạy nghề theo 3 cấp trình độ: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp.
YBĐT - Thấm nhuần từ lờidạy của Bác Hồ "Lương y như từ mẫu",trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, chiến sỹ (CBCS) làm công tác y tế trong lực lượng công an tỉnh luôn luôn rèn luyện đạo đức lối sống, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng với yêu cầu công tác.