Lập kế hoạch tổng thể phát triển bền vững vùng Tây Bắc
- Cập nhật: Thứ sáu, 28/3/2014 | 7:13:26 AM
Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về tình hình triển khai Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước Phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Chương trình do Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì thực hiện.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về tình hình triển khai
Chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp nhà nước
Phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
|
Theo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nhiều cố gắng, tích cực, trách nhiệm, chủ động phối hợp với Bộ, cơ quan liên quan và các tỉnh trong vùng Tây Bắc, triển khai Chương trình theo mục tiêu, nội dung đã được phê duyệt và các quy định hiện hành về triển khai chương trình khoa học công nghệ trọng điểm cấp nhà nước.
Tuy nhiên, một số đề tài nghiên cứu chưa thật rõ mục tiêu; còn chồng chéo, trùng lắp với các nhiệm vụ mà một số Bộ, ngành đã và đang triển khai; chưa bám sát nhu cầu thiết thực với cuộc sống của đồng bào Tây Bắc; chưa khai thác tốt tiềm năng của các địa phương để xác định nhiệm vụ ưu tiên cần tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tháo gỡ nhằm phát triển bền vững vùng Tây Bắc.
Phạm vi và nội dung nghiên cứu rộng lớn, toàn diện nhưng thời gian triển khai Chương trình còn ngắn; sự tham gia của các địa phương, sự phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan còn hạn chế; địa bàn Tây Bắc rộng lớn, nhiều khó khăn, phức tạp; cần nỗ lực huy động lực lượng nghiên cứu, đổi mới cách làm, phấn đấu hoàn thành tốt 4 mục tiêu nhiệm vụ Chương trình đã đề ra.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc khẩn trương xây dựng Kế hoạch triển khai tổng thể Chương trình trong cả giai đoạn 2013-2018 và nhiệm vụ cụ thể từng năm.
Trong quá trình triển khai nhiệm vụ, Đại học Quốc gia Hà Nội cần tích cực, chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Bộ, cơ quan liên quan và các tỉnh trong vùng; tham khảo kinh nghiệm triển khai của Chương trình Tây Nguyên 3 nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Định kỳ hàng năm, báo cáo Phó Thủ tướng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Tây Bắc tình hình và kết quả thực hiện.
Đại học Quốc gia Hà Nội tập trung rà soát, chọn lọc, tích hợp các nội dung nghiên cứu cần thiết, tránh trùng lắp với các nhiệm vụ đã được các Bộ, cơ quan thực hiện; bảo đảm yêu cầu thiết thực, khả thi và hiệu quả, đáp ứng các mục tiêu: Nâng cao đời sống nhân dân, thúc đẩy sản xuất phát triển, ổn định xã hội, giảm nghèo; khai thác hiệu quả tài nguyên, tiềm năng của vùng, gắn với bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng an ninh; phát triển nguồn nhân lực.
Đồng thời, kế hoạch triển khai tổng thể Chương trình phát triển bền vững vùng Tây Bắc cần kế thừa, tham khảo các kết quả nghiên cứu trước đó về vùng Tây Bắc. Có lộ trình triển khai cụ thể, ưu tiên các đề tài cấp thiết, bức xúc trước mắt về đời sống, sinh hoạt của người dân, về sinh kế và chuyển đổi mô hình sản xuất. Loại bỏ những đề tài nghiên cứu thuần túy, dàn trải, chưa thực sự cấp thiết, ít ứng dụng được vào sản xuất và cải thiện cuộc sống của đồng bào các dân tộc Tây Bắc.
(Theo VOV)
Các tin khác
YBĐT - Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2012 - 2020 tiếp tục được mở rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân, góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh ở cơ sở.
YBĐT - Ghi nhận những cống hiến, việc làm, kết quả tích cực bước đầu của các đội viên Dự án 600 phó chủ tịch xã ở Yên Bái nhưng tìm hiểu sâu chúng tôi thấy cũng còn những việc, những chuyện tạm gọi là "ngập ngừng"...
Chiều 26/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về giảm nghèo bền vững đã chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa đăng tải đã cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh Đại học, Cao đẳng năm 2014". Nhiều thông tin thay đổi đã được cập nhật đến ngày 06/3/2014 do các học viện, các trường đại học, cao đẳng cung cấp và chịu trách nhiệm. Thí sinh có thể tải miễn phí trên trang web của Bộ.