Hiệu quả từ Đề án 1816
- Cập nhật: Thứ tư, 2/4/2014 | 9:05:39 AM
YBĐT - Được triển khai tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Yên Bái từ tháng 9/2008, Đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh" (gọi tắt là Đề án 1816) đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giải quyết nhiều ca bệnh nặng, giảm tỉ lệ bệnh nhân chuyển tuyến.
Một ca thoát vị đĩa đệm được các y, bác sỹ Khoa Chấn thương - Chỉnh hình phẫu thuật thành công.
|
Người dân vùng sâu, vùng xa của tỉnh được hưởng lợi trực tiếp từ việc chuyển giao kỹ thuật chuyên môn, nhiều cán bộ y tế được đào tạo, tăng cường sự gắn bó, đoàn kết giữa y tế cơ sở với tuyến trên.
BVĐK tỉnh Yên Bái là một trong những bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện thành công Đề án 1816. Sau 5 năm triển khai, Bệnh viện đã đón 75 lượt cán bộ từ 6 bệnh viện tuyến trung ương gồm: Viện Huyết học và Truyền máu, Bạch Mai, Việt Đức, Răng - Hàm - Mặt, Mắt lên chuyển giao các lĩnh vực chuyên môn về hồi sức cấp cứu, nội - tiêu hóa, thần kinh, tiết niệu, hô hấp, truyền nhiễm, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, phẫu thuật Phacô, răng - hàm - mặt… Với phương thức "cầm tay chỉ việc", các cán bộ luân phiên tuyến trung ương đã hướng dẫn, chuyển giao trên 200 kỹ thuật chuyên môn cho hàng trăm lượt y, bác sĩ của Bệnh viện.
Bên cạnh đó, các bệnh viện tuyến trung ương đã tổ chức 424 lớp với trên 4 nghìn lượt học viên tham gia tập huấn, cán bộ luân phiên đã tiến hành khám, điều trị cho 7.871 lượt bệnh nhân, phẫu thuật 1.572 lượt, thủ thuật 3.731 lượt bệnh nhân…
Bác sĩ Cao Ngọc Thắng - Phó giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Các bác sĩ bệnh viện tuyến trên lên hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật đã giúp cán bộ, y, bác sỹ Bệnh viện học tập được nhiều kinh nghiệm chuyên môn. Đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật trong khám, điều trị bệnh, khám sàng lọc bệnh, hội chẩn trước khi phẫu thuật, kỹ năng phẫu thuật, cách chăm sóc bệnh nhân hậu phẫu thuật, giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe nhanh…”.
Được sự hỗ trợ từ các bệnh viện tuyến trên, BVĐK tỉnh đã từng bước nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Bệnh viện đã thực hiện thành công nhiều ca phẫu thuật phức tạp như: cắt toàn bộ đại tràng, dạ dày, cắt u giáp trạng, thay toàn bộ khớp háng, khớp gối, cắt phân thùy phổi qua nội soi… Hiện nay, cán bộ y, bác sĩ của Bệnh viện đã sử dụng thành thạo các trang thiết bị y tế hiện đại như: máy CT-Scanner, siêu âm màu 4D, siêu âm tim trẻ em, máy lọc máu, máy thở, đo lưu huyết não, phẫu thuật Phacô…
Đặc biệt, nhiều ca bệnh trước đây phải chuyển tuyến như: nhiễm khuẩn huyết, sốc tim trong nhồi máu cơ tim, sốc phản vệ thể tối cấp, phẫu thuật nội soi gan, mật, thận, gãy xương hàm - mặt, chấn thương sọ não, truyền hóa chất cho bệnh nhân ung thư… thì nay, các bác sĩ của Bệnh viện đã thực hiện hiệu quả.
Qua đó, giúp hàng nghìn lượt gia đình giảm chi phí chữa bệnh, không phải đưa bệnh nhân chuyển tuyến trên điều trị. Tỉ lệ bệnh nhân chuyển tuyến giảm 10% so với trước khi có cán bộ luân phiên. Nhằm chuyển giao kỹ thuật, nâng cao kiến thức và kỹ năng thực hành cho cán bộ tuyến dưới, tạo nguồn cán bộ tại chỗ có trình độ chuyên môn từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân địa phương.
Trong thời gian này, BVĐK tỉnh đã điều động 6 thạc sĩ, bác sĩ đa khoa, chuyên khoa cấp I luân phiên tại các bệnh viện đa khoa tuyến huyện như: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Lục Yên hỗ trợ triển khai các chuyên khoa: chấn thương, hồi sức cộng đồng, sản, cấp cứu, gây mê hồi sức… các kỹ thuật chuyển giao đã được các đơn vị tiếp nhận và thực hiện tương đối thành thạo. Cùng với đó, các lớp tập huấn, đào tạo tại chỗ do các cán bộ bệnh viện tuyến trên triển khai tại các huyện đạt được nhiều kết quả khả quan.
Đạt được những kết quả trên, ngay từ khi triển khai thực hiện Đề án, Bệnh viện đã chủ động phát động phong trào thi đua làm theo lời dạy của Bác Hồ, quán triệt nội dung Đề án 1816 cho đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức trong đơn vị, chỉ đạo cán bộ, y bác sỹ tại các khoa, phòng nghiêm túc thực hiện các quy định về đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời kịp thời khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án.
Bên cạnh đó, tranh thủ sự giúp đỡ của tỉnh, ngành trang bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên ngành phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án, Bệnh viện vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt về cán bộ y tế, nhất là cán bộ có trình độ đại học, cán bộ chuyên khoa sâu. Một số cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế còn thiếu và lạc hậu, mới đáp ứng một phần nhu cầu khám chữa bệnh thực tế, đã ảnh hưởng nhiều đến việc chuyển giao kỹ thuật.
Thời gian tới, để Đề án 1816 được triển khai hiệu quả tại Bệnh viện, rất cần sự quan tâm hơn nữa của tỉnh, ngành tạo mọi điều kiện về xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường các trang thiết bị chuyên ngành phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh nhân, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân, từng bước giải quyết những khó khăn về nguồn nhân lực cho ngành y tế.
Bích Thúy
Các tin khác
Bộ Ngoại giao cho rằng nếu phố Tôn Thất Đàm là tuyến phố đi bộ, các phương tiện sẽ không thể vào Bộ này, điều đó ảnh hưởng đến công tác đối ngoại và toàn bộ hoạt động của Bộ.
Sáng 1/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức thông báo hướng dẫn tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014.
YBĐT - Thư viện “xanh” đã mang đến cho các em học sinh của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học cơ sở (THCS) huyện Văn Chấn (Yên Bái) nguồn tri thức vô tận của nhân loại. Thư viện không chỉ khơi dậy niềm đam mê đọc sách báo, củng cố văn hóa đọc mà còn tạo cho khuôn viên trường xanh - sạch - đẹp.