Giỗ Tổ Hùng Vương - linh thiêng nguồn cội

Thành kính tri ân các Vua Hùng

  • Cập nhật: Thứ ba, 8/4/2014 | 8:53:52 AM

YBĐT - Sau khi được UNESCO vinh danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc tổ chức trang trọng, thành kính giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng lại càng có một ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống đạo lý dân tộc “Uống nước nhớ nguồn” và lòng tự hào về dòng giống Tiên Rồng.

Hành hương về đất Tổ. Ảnh: Trần Văn Quang
Hành hương về đất Tổ. Ảnh: Trần Văn Quang

Năm nay - 2014, ngay từ những ngày tháng 2, tỉnh Phú Thọ đã có kế hoạch tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương. Đây là năm lẻ Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội đền Hùng do UBND tỉnh Phú Thọ chủ trì và có sự tham gia của 4 tỉnh: Bắc Ninh, Quảng Bình, Long An và Vĩnh Long theo Đề án Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm đã được Chính phủ phê duyệt.

Các hoạt động phần lễ và hội được tổ chức trang trọng, thành kính, tiết kiệm diễn ra trong 5 ngày từ 6/3-10/3 Âm lịch (tức 5-9/4/2014), tổ chức trong phạm vi khu Di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và các xã, phường vùng ven đền Hùng; các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, trong đó Khu di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì làm trung tâm. Có 7 xã, phường vùng ven Khu di tích tổ chức rước kiệu về Đền Hùng.

Trong ngày 5/3 Âm lịch, UBND thành phố Việt Trì tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại đền Thượng; ngày 6/3 âm lịch, tổ chức lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Trước ngày khai hội, tỉnh Phú Thọ tổ chức các hoạt động: hội thi gói bánh chưng, giã bánh dày lần thứ 2 tại Bảo tàng Hùng Vương; triển lãm sách, tư liệu với chủ đề “Từ đền Hùng  nhìn ra cả nước, cả nước hướng về Đền Hùng” tại Thư viện tỉnh.

Hoạt động trong các ngày hội được tổ chức tại thành phố Việt Trì, Khu di tích lịch sử Đền Hùng, với nhiều hoạt động đặc sắc như: biểu diễn nghệ thuật với chủ đề “Về miền di sản cội nguồn dân tộc Việt Nam” tại quảng trường Hùng Vương; triển lãm ảnh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - Cội nguồn đất Tổ” tại Bảo tàng Hùng Vương; triển lãm  các tác phẩm ảnh nghệ thuật tiêu biểu về quê hương, con người Phú Thọ tại nhà trưng bày các tác phẩm nghệ thuật - Khu Di tích lịch sử đền Hùng; đánh trống đồng, múa sư tử  tại khu vực nhà Công quán; biểu diễn rối nước của một số phường múa rối Nam Định tại nhà thủy đình; hội trại văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản vật và văn hóa ẩm thực của 13 huyện, thị, thành trong tỉnh; các hoạt động thể thao và các hoạt động dịch vụ, du lịch; triển lãm trưng bày hiện vật, trưng bày triển lãm mô hình kiến trúc tháp Hùng Vương; liên hoan hát Xoan…

 

Tri ân các Vua Hùng.

Để việc tổ chức lễ hội được chu đáo, trang trọng, tạo ấn tượng sâu đậm với đồng bào về dự hội, Ban tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương tỉnh Phú Thọ đã lựa chọn tổ chức các hoạt động văn hóa có sự kết hợp hài hòa giữa dân tộc và hiện đại, sự giao lưu giữa Phú Thọ với nhiều vùng miền khác.

Tại thành phố Việt Trì và các huyện lân cận, bố trí nhiều địa điểm giới thiệu văn hóa vùng đất Tổ thông qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian tiêu biểu: đánh trống đồng, đâm đuống, biểu diễn cồng chiêng, hát Xoan, ghẹo, diễn xướng dân gian các dân tộc..., đồng thời tổ chức các tour du lịch trong chương trình du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng…

Cùng với tổ chức trang trọng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng, Phú Thọ đã đưa nội dung “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” vào chương trình giáo dục đào tạo trong các trường học phổ thông gắn với phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” để tổ chức cho các em học sinh chăm sóc, bảo vệ di tích lịch sử văn hóa nói chung, di tích thờ cúng Hùng Vương nói riêng ở các huyện, thị, thành.

Đặc biệt, Phú Thọ quan tâm đến công tác nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng các nghi thức thờ cúng Hùng Vương để truyền dạy cho những người thực hành di sản ở lứa tuổi trẻ sáng tạo, tiếp nối và duy trì nghi lễ thờ cúng Hùng Vương trong cuộc sống đương đại.

UBND tỉnh đã phê duyệt Đề tài khoa học “Điều tra, nghiên cứu phục dựng và chuẩn hóa nghi lễ thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các cấp, các ngành tiến hành kiểm kê, đánh giá hiện trạng các di tích thờ cúng Hùng Vương trong tỉnh và một số tỉnh bạn có liên quan để đề xuất các giải pháp khôi phục, tôn tạo các di tích thờ tự là “không gian thiêng” cho nhân dân thực hành thờ cúng Hùng Vương.

Tin rằng, với sự chuẩn bị chu đáo trên nhiều phương diện, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2014 sẽ là lễ hội có quy mô tổ chức hoành tráng, xứng đáng với tầm vóc là lễ hội quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam.

Trần Văn Quang (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ)

Các tin khác
Ảnh minh họa

Để nâng cao hiệu quả hoạt động bền vững các công trình cấp nước tập trung nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Chỉ thị về việc tăng cường quản lý, vận hành khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn.

Lực lượng công an Phú Thọ trực chiến 100% để đảm bảo cho lễ hội đền Hùng.

Từ nay đến ngày giỗ Tổ, lực lượng Công an Phú Thọ đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm đảm bảo an toàn.

YBĐT - Mới đây, Nhà thiếu nhi tỉnh Yên Bái đã phối hợp với nhóm thiện nguyện The Great Pens – Hà Nội tổ chức chương trình “ Nét bút tuổi thơ - Sao vàng Tây Bắc ” lần thứ 4 tại Trường Bán trú tiểu học và trung học cơ sở xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu .

YBĐT - Qua hai tháng cao điểm thực hiện tiêm vac xin sởi bổ sung, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành tiêm bổ sung 98% số đối tượng tại 5 huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Yên Bình, Lục Yên và Trấn Yên; thực hiện tiêm vét 100% đối tượng còn lại ở các xã đã triển khai tiêm trong năm 2013 ở Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Yên và Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục