Câu chuyện tháng Tư

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/4/2014 | 9:37:50 AM

YBĐT - Câu chuyện về ông - một đại tá về hưu giữa những ngày tháng 4 lịch sử này là một mảnh ghép nhỏ về ký ức chiến tranh. Đó cũng là cơ hội để mỗi người trong chúng ta - thế hệ sinh ra sau chiến tranh biết trân trọng, tự hào và suy nghĩ về trách nhiệm của mình với cuộc sống hòa bình, độc lập hôm nay.

Đại tá Nguyễn Mạnh Đức giữa đời thường.
Đại tá Nguyễn Mạnh Đức giữa đời thường.

Biết ông đã rất lâu, ngày ông còn làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh rồi Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái khóa XI nhưng tôi nhớ và ấn tượng sâu sắc về ông là từ cuộc gặp mặt kỷ niệm 68 năm Ngày Quốc hội Việt Nam tổ chức đầu tháng 1 năm 2014 này.

Hôm ấy, ông phát biểu, cả hội trường chùng xuống bởi những lời nói thật, bởi những đau đáu của một người lính dù đã về nghỉ nhưng vẫn luôn canh cánh nỗi niềm thế sự... Rồi những vần thơ tâm huyết ông đã đọc trong rưng rưng xúc động về chiến tranh khốc liệt, về hy sinh của những người lính như nhắc nhớ cái giá của hạnh phúc, của hòa bình, của độc lập hôm nay...

Có lẽ chính vì thế mà trong thời điểm này, giữa những dấu mốc kỷ niệm thiêng liêng của cả dân tộc: ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tôi lại nhớ đến ông - một người lính, một cựu chiến binh thẳng thắn và khí khái - Đại tá Nguyễn Mạnh Đức.

Khi được ông nhận lời, tôi tìm đến ngôi nhà số 48, đường Lương Văn Can, phường Yên Thịnh (thành phố Yên Bái). Trông ông chẳng khác nhiều so với ngày còn công tác dù năm nay đã bước vào tuổi 70. Với người lính đã từng vào sinh ra tử thì những kỷ niệm chiến trường là điều thiêng liêng nhất, tự hào nhất trong sâu thẳm. Năm 1963, ông lên đường nhập ngũ ở tuổi 18. Năm 1964, ông sang Lào tham gia Chiến dịch Mường Sủi - cánh đồng Chum - Xiêng Khoảng...

Rồi cứ thế, kỷ niệm về những trận đánh, về đồng đội, về những khóa huấn luyện, đào tạo sĩ quan pháo cao xạ phục vụ chiến trường, ngày ông hân hoan được phong quân hàm chuẩn úy... như những mạch nguồn được ông kể say sưa. Trong một trận đánh ở nước bạn Lào, ở vị trí Đại đội trưởng, ông bị thương vào đầu và sườn với thương tật 31%.

Với những thành tích trong chiến đấu, tháng 5/1972, Tiểu đoàn 16 thuộc Sư đoàn 312 của ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Ông bảo, đó là niềm vinh dự vô cùng lớn lao vì Sư đoàn có gần 20 tiểu đoàn nhưng chỉ tiểu đoàn ông được phong danh hiệu Anh hùng.

Rồi ông kể về những ngày tháng ác liệt ở Quảng Trị khi được giao nhiệm vụ bảo vệ bộ binh, giữ các chốt vòng ngoài bảo vệ Thành cổ.

Có ngày, chỉ một vị trí đại đội trưởng mà có đến 5 lượt đồng chí thay nhau bởi cứ thay rồi lại hy sinh... Cũng có khi, sáng ra đơn vị là con số 120 nhưng tối về chỉ còn 30 người. Là những ngày đơn vị đóng bên bờ sông Thạch Hãn, đồng chí, đồng đội hy sinh nhiều nhưng tất cả vẫn kiên quyết bám trụ và nằm lòng khẩu hiệu "một tấc không đi, một li không rời". Trong khi đó, anh em, đồng chí chỉ ăn lương khô ngày qua ngày rồi uống nước lã pha thuốc Cloxit chống đau bụng để chiến đấu.

Còn những điều ước chẳng phải gì cao sang mà đơn giản chỉ là thèm được nói to, được hát vang một bài hát yêu thích, được thắp bùng lên ánh lửa để xua đêm tối giữa rừng, thèm được nghe tiếng một người con gái mà thôi… Có khi đang trên đường hành quân, chợt nghe, chợt gặp người con gái giao liên hay thanh niên xung phong là cả đoàn quân cứ xôn xao xúc động, ai cũng mừng như gặp người thân yêu của mình... Có lẽ chính những ao ước đời thường ấy càng khiến các ông quyết tâm hơn, ý chí hơn và vững niềm tin tất thắng ngày mai...

Ngừng lời sau một chuỗi những kỷ niệm chiến trường, ông nhấp ngụm nước rồi nhìn xa xăm: "Chiến tranh là như thế, có trải qua rồi mới càng thấy giá trị của hòa bình, của những ngày hôm nay thiêng liêng, quý giá lắm cháu ạ! Trở lại chiến trường xưa thì thương tiếc những đồng chí, đồng đội đã thiệt thòi hy sinh. Còn trong thực tại thì lại thấy buồn vì nhiều đồng chí, đồng đội của mình vẫn còn khổ quá. Chiến tranh đã khổ, hòa bình vẫn chưa hết khổ".

Rồi ông nói về những day dứt, trăn trở đối với những người lính bị nhiễm chất độc màu da cam. Đây đã là lần thứ hai tôi nghe ông nói về nạn nhân chất độc da cam rằng đó là những người cùng khổ nhất trong những người khổ nhất.

Ông dẫn chứng trường hợp gia đình ông Lương Thanh Xuân ở thôn Hồng Quang, xã Động Quan (Lục Yên). Hai vợ chồng ông Xuân có 3 người con nhiễm chất độc da cam dẫn đến bại liệt, đặt đâu ngồi đấy. Giờ hai vợ chồng già nghèo khổ, đau ốm không nuôi nổi con...

Và còn nhiều những trường hợp khác nữa. Điều này ông đã từng phát biểu trước Quốc hội và sau này, cùng với sự tác động cũng như tiếng nói của nhiều bộ, ngành, các nạn nhân chất độc da cam đã được hưởng trợ cấp dù ít ỏi.

Hiện nay, Yên Bái có khoảng 1.385 nạn nhân chất độc da cam nhưng ông vẫn canh cánh tự hỏi tại sao Yên Bái chưa thành lập được Hội Nạn nhân chất độc da cam? Ông thông tin, tháng 12/2013, Đại hội Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã có 59/63 tỉnh, thành có tổ chức hội và ông cũng đã có kiến nghị với các đồng chí lãnh đạo tỉnh.

Ông bảo: "Nghe đâu, Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng đã có văn bản về việc này nhưng không hiểu còn mắc ở khâu nào... Có thành lập được Hội thì mới có sự quan tâm tốt hơn nữa đến nạn nhân chất độc da cam, rồi có kêu gọi giúp đỡ, tài trợ mới thuận lợi và hiệu quả". 

Ông còn trăn trở nhiều lắm về cái nghèo, cái khó của đồng bào vùng cao. Cái chính là phải thí điểm cây gì, con gì cho hiệu quả kinh tế cao gắn với sản xuất hàng hóa thì đồng bào mới có cơ hội thoát nghèo bền vững và bứt phá. Quan ngại về tình trạng học sinh, sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều, theo ông, tỉnh nên khảo sát một lực lượng nhất định đưa về làm cán bộ cơ sở, nhất là vùng cao, vùng sâu hiện đang thiếu cán bộ có trình độ thì có thể sẽ giải quyết một công đôi việc. Và thật sự, nếu được như vậy thì rất đáng quý...

Tôi ra về khi nghe ông đọc hết những vần thơ tâm huyết: "… Thế hệ chúng tôi thế hệ chiến tranh/ Hoa lau trắng những ngày tiễn biệt/… Thế hệ chúng tôi đã hát/ Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh/ Bài hát ấy đã là lẽ sống/ Đến bây giờ vẫn hát các chiến binh".

Câu chuyện về ông - một đại tá về hưu giữa những ngày tháng 4 lịch sử này là một mảnh ghép nhỏ về ký ức chiến tranh. Đó cũng là cơ hội để mỗi người trong chúng ta - thế hệ sinh ra sau chiến tranh biết trân trọng, tự hào và suy nghĩ về trách nhiệm của mình với cuộc sống hòa bình, độc lập hôm nay. Mong cho những điều ông trăn trở sẽ được tỉnh lưu tâm giải quyết để vợi bớt khó khăn cho những đồng chí, đồng đội của ông đang còn phải mang gánh nặng do di chứng của chiến tranh để lại!

Ngọc Tú

Các tin khác
Tỷ lệ sinh cao, nhiều trẻ em ở Mù Cang Chải sẽ khó được chăm sóc tốt.

YBĐT - Với nhiều nỗ lực trong công tác DS-KHHGĐ, năm 2012, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở Mù Cang Chải là 1,86%, giảm 0,2% so với năm 2011, sang năm 2013, tỷ lệ này là 1,74%. Những con số sinh con thứ 3 trở lên, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm là tín hiệu vui, mở ra hy vọng mới cho công cuộc giảm sinh ở Mù Cang Chải.

Đông đảo người dân đến dự lễ an táng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa- Đảo Yến ngày 13/10/2013.

Sau một thời gian khẩn trương thi công, việc rải thảm bêtông nhựa 800m cuối cùng tuyến đường nối Quốc lộ 1A vào mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa-Đảo Yến, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch đã hoàn thành.

Để chủ động phòng chống lây nhiễm dịch sởi trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2014, Bộ Y tế đã đưa khuyến cáo đến người dân.

Toàn xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên có 45 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng, 5 nhà bị sập hoàn toàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục