"Nới tuổi nghỉ hưu: Đừng vì lợi ích nhóm"
- Cập nhật: Thứ sáu, 30/5/2014 | 8:16:35 AM
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, ĐBQH Đỗ Văn Đương cho rằng: "Xét tăng tuổi nghỉ hưu phải dành cho lao động chất lượng cao. Nếu xây dựng luật chỉ nhằm vào chuyện quỹ bảo hiểm có vỡ hay không cũng là nhóm lợi ích trong việc xây dựng chính sách pháp luật".
Điều người dân lo lắng nhất
Dường như dự thảo Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi lần này đang chịu sức ép rất lớn từ lo ngại vỡ quỹ BHXH?
Ông Đỗ Văn Đương: Đó là thực tế, chúng ta lo ngại đến năm 2014 quỹ BHXH sẽ vỡ khi lâm tình trạng thu không đủ chi. Nhưng giờ giải quyết vấn đề này như thế nào, thì phải có cách tính. Tôi cho rằng trước đây đóng BHXH 15 năm liên tục, giờ dự thảo đề nghị tăng lên thành 20 năm cũng là cần thiết. Rồi nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62, nữ lên 60 đối với đội ngũ công chức, viên chức hưởng lương ngân sách nhà nước cũng là cần thiết. Nhưng phải tính cụ thể hơn.
Dưới sức ép như thế, nhiều người lo ngại rằng, dự thảo Luật BHXH vô hình chung đang làm lợi cho một số nhóm lợi ích. Ông có đánh giá gì về nhận định này?
Ông Đỗ Văn Đương: Đúng là có suy nghĩ đó ở nhiều người. Và thực tế, trong xây dựng Luật hiện nay có sự cào bằng về chính sách. Cứ “tự động hóa” nâng tuổi nghỉ hưu đồng loạt nam 62, nữ 60 là không được.
Nếu xây dựng luật chỉ nhằm vào chuyện quỹ bảo hiểm có vỡ hay không cũng là nhóm lợi ích trong việc xây dựng chính sách pháp luật. Như vậy là không đặt trong vị trí tổng thể, chỉ thấy cây mà không thấy rừng. Cách làm luật như thế này sẽ dẫm nát hết các quan hệ xã hội, làm rối beng thêm tình hình, làm cho người lao động hoảng loạn về mặt tinh thần, nhưng ngược lại lại tạo ra động lớn cho những người có chức vụ.
Việc nâng tuổi lên là cần phải cân nhắc. Nếu là lao động “con tằm nhả tơ, con ong nhả mật” thì tiếp tục khai thác sử dụng. Phải là lao động chất lượng cao, làm việc thực sự chứ không phải những cán bộ, công chức "nói mồm, ăn bám". Giảm thiểu biên chế mà giờ lại phải cõng bộ máy này thì dân chết. Ngồi điều hòa, máy lạnh, rồi tham quyền cố vị. Đây chính là điều người dân lo lắng nhất.
"Người ta không vì đồng lương mà vì bổng lộc"
Cụ thể là thế nào thưa ông?
Ông Đỗ Văn Đương: Có thể hiểu đơn giản, việc tăng tuổi nghỉ hưu liên quan đến việc trả lương của ngân sách nhà nước chứ không chỉ tính đến việc thu bảo hiểm. Nếu công tác càng dài, thì trả lương hàng tháng càng cao. Nhất là đối với những người có chức vụ quyền hạn thì họ rất thích điều này.
Nhiều người giữ chức vụ, quyền hạn muốn giữ ghế. Người ta không vì đồng lương hay bảo hiểm mà là bổng lộc, thu nhập ngoài lương. Do đó, việc xây dựng Luật BHXH sửa đổi phải cố gắng để làm sao, với những công chức cần mẫn “như con tằm ăn phải nhả tơ, con ong phải nhả mật” thì tiếp tục dùng.
Những chuyên gia có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, 50-60 tuổi vẫn đang minh mẫn họ làm việc rất hiệu quả, mà về hưu thì lãng phí lớn nguồn lực chất lượng cao. Đặc biệt là những người làm công tác tư pháp, bởi “càng già thì càng giàu kinh nghiệm” trong xét xử, làm công tố.
Chuyện nâng tuổi nghỉ hưu phải đặt trong bối cảnh liên quan đến khai thác sử dụng lao động. Chứ không nhả mật, nhả tơ mà cứ lấy lấy mật, cắn tơ của người khác, của nhà nước đem xây tổ nhà mình thì cái đó không nên.
Cũng phải nói thêm, thoáng qua có thể thấy Luật BHXH sửa đổi này có một số điểm "đánh" vào người lao động. Từ nâng thời gian đóng BHXH liên tục từ 15 lên 20 năm liên tục mới được hưởng, rồi hưởng mức thấp hơn, nâng tuổi lao động đối với những người lao động nặng nhọc như công nhân trong hầm mỏ, ngành hóa chất độc hại thì người ta muốn nghỉ sớm chứ không muốn làm lâu đâu. Nhiều người chưa nhận sổ hưu đã chết rồi thì bảo hiểm cái gì?
Nguy cơ vỡ quỹ BHXH là chuyện có thể nhìn thấy ngay từ bây giờ. Nhưng tình trạng nợ đọng BHXH của các doanh nghiệp hiện nay rất lớn, tại sao lại có sự tréo nghoe đó thưa ông?
Hiện nay mới chỉ xử lý hành chính, rồi phạt với lãi suất thấp hơn lãi suất ngân hàng. Phạt thì thấp, số tiền chiếm đoạt lại lớn, đến lúc doanh nghiệp phá sản người lao động không biết dựa vào đâu cả, và nhà nước bị tổn thất. Suy cho cùng đó cũng là tiền của nhà nước, vì nhà nước vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội. Tiền nợ đọng bảo hiểm xã hội của các cơ quan doanh nghiệp tới 70% không được xử lý thỏa đáng. Tôi cho rằng đây thực sự là chiếm đoạt tiền bảo hiểm, tiền chiếm đoạt của người khác là phải truy tố hình sự.
(Theo Dân Trí)
Các tin khác
Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất tại các hội đồng thi cũng như hội đồng in sao đề thi, chấm thi đều đảm bảo theo đúng yêu cầu đề ra.
YBĐT - Nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Đoàn thanh niên Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Yên Bái đã tổ chức thăm hỏi tặng quà các cháu đang điều trị tại khoa nhi bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa thành phố.
YBĐT - Theo số liệu thống kê của Công an huyện Lục Yên, trong 6 tháng đầu năm, nhân dân các xã, thị trấn đã tự giác giao nộp 130 khẩu súng. Nhiều nhất là súng hơi và súng cồn bắn bằng bi xe đạp, dùng để săn bắn chim, đây là một loại vũ khí mới, có tính sát thương cao, do nhân dân tự chế.
YBĐT - Đến thời điểm này, Trường THPT và Trung tâm dạy nghề GDTX huyện Trạm Tấu đã kết thúc việc ôn tập trên lớp cho học sinh khối 12 và đang gấp rút chuẩn bị cho công tác tổ chức thi. Tại kỳ thi này, huyện Trạm Tấu đã hỗ trợ cho 55 thí sinh có điều kiện khó khăn dự thi tốt nghiệp THPT năm 2014.