Chủ động phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản B

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/6/2014 | 2:51:02 PM

YBĐT - Từ đầu mùa hè đến nay, tại các bệnh viện tuyến trung ương như: Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhập gần chục trường hợp bị viêm não Nhật Bản B (VNNB-B), Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 14 trường hợp…

Ngành y tế đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tác hại của bệnh viêm não Nhật Bản B.
Ngành y tế đã chủ động đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tác hại của bệnh viêm não Nhật Bản B.

Tại Yên Bái, mặc dù bệnh VNNB-B không phổ biến nhưng các ca mắc vẫn xảy ra rải rác ở các địa phương trong tỉnh. Với mức độ nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong, VNNB-B đã được Bộ Y tế triển khai tiêm phòng vắc - xin ở hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước, trong đó có Yên Bái.

Thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Mùa hè với khí hậu nắng nóng, mưa nhiều nên độ ẩm tăng, là điều kiện cho VNNB-B xuất hiện và có thể bùng phát thành dịch bệnh nguy hiểm. VNNB-B giống như các loại viêm não khác đều gây bệnh nhiễm trùng thần kinh cấp tính làm tổn thương nặng nề bộ não. Bệnh VNNB-B thuộc nhóm do siêu vi nhóm B của một loại siêu vi có tên là Arbovirus. Siêu vi VNNB-B sống trong thiên nhiên và tập trung chủ yếu ở miền Bắc nước ta. Loại muỗi gây bệnh VNNB-B cho người chủ yếu là muỗi có tên Culex Tritaeniorhycus…”.

Tại Yên Bái, năm 2013, ghi nhận 1 ca bị viêm não nghi VNNB-B tại thị xã Nghĩa Lộ. Sau khi xét nghiệm, trường hợp này âm tính với bệnh VNNB-B. Từ đầu năm 2014 đến nay, tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã có một trường hợp bị nghi nhiễm (hiện, viện đang theo dõi và kiểm tra xét nghiệm xem có bị VNNB-B hay không).

Bệnh VNNB-B chủ yếu xuất hiện ở trẻ em dưới 10 tuổi. Khi mắc bệnh, trẻ thường có những biểu hiện như: sốt cao 39 đến 40 độ C, xuất hiện những cơn co giật nửa người hoặc toàn thân theo kiểu động kinh nhiều lần trong ngày, mắt trợn ngược, thở khò khè, nhiều đờm nhớt, nôn mửa, mê man và sợ ánh sáng. Trẻ có thể bị tử vong do suy hô hấp, trụy tim mạch. Nếu được cứu chữa kịp thời và tích cực, trẻ có thể khỏi bệnh nhưng sẽ bị những di chứng với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau như: bại liệt, không nói được, mất trí nhớ, cử động dị thường ngoài ý muốn: run rẩy, gồng cứng người, động kinh… Tỷ lệ trẻ VNNB-B bị di chứng khá cao đến hơn 80% trẻ khỏi bệnh nhưng lại bị di chứng về thần kinh, tâm thần có khi vĩnh viễn. Thời kỳ ủ bệnh của VNNB-B thường kéo dài từ 5 đến 7 ngày, sau đó là thời kỳ phát bệnh.
Hiện nay, VNNB-B cũng như nhiều bệnh do siêu vi gây ra khác chưa có thuốc đặc trị. Điều trị chủ yếu vẫn là làm bớt đi phần nào các triệu chứng, cứu người bệnh qua khỏi cơn nguy kịch do suy hô hấp, trụy tim mạch, nhiễm trùng. Sau đó, điều trị những di chứng phục hồi vận động tầm thần nhưng kết quả điều trị rất hạn chế.

Trước những diễn biến cực kỳ phức tạp và nguy hiểm, đặc biệt mùa hè cũng là mùa của dịch VNNB-B xuất hiện, thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành y tế Yên Bái đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ra các văn bản chỉ đạo các ngành chức năng, các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thị, thành phố và đặc biệt là hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở cần đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tác hại của bệnh VNNB-B, nguy hiểm của muỗi và bọ gậy sống trong các vũng nước, cống rãnh và chum, vại chứa nước, phổ biến các biện pháp diệt bọ gậy và muỗi trưởng thành bằng hình thức: khơi thông hệ thống cống rãnh, lấp ao tù, đậy kín các chum, vại đựng nước, thay nước trong lọ cắm hoa thường ngày, tẩm màn và phun hóa chất diệt muỗi… cần phát hiện sớm bệnh nhân mắc bệnh VNNB-B để cách ly và cho bệnh nhân nằm màn tuyệt đối.

Theo Thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân, VNNB-B tuy rất nguy hiểm, đặc biệt có thể dẫn đến tử vong (hoặc có khỏi nhưng những di chứng của nó để lại rất đáng lo ngại), song chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm phòng vắc - xin. Hiện nay, Việt Nam đã có vắc - xin tiêm chủng ngừa VNNB-B do Viện Vệ sinh dịch tễ Hà Nội sản xuất.

Vắc - xin VNNB-B được điều trị như sau: khi cho trẻ tiêm phòng cần tiêm 2 mũi cách nhau từ 1 đến 2 tuần. Mũi thứ 3 cách mũi thứ nhất 1 năm. Sau đó, 4 năm tiến hành cho trẻ tiêm lại một lần. Các phản ứng nhẹ sau tiêm có thể sưng đỏ tại chỗ, đau, sốt, nhức đầu. Các dấu hiệu này sẽ tự hết sau vài ngày. Hầu như các phản ứng phụ nặng nề là rất hiếm gặp. Trẻ được tiêm chủng phải đúng lịch trình vì nếu không, hiệu lực của vắc - xin và khả năng tạo miễn dịch của trẻ sẽ giảm, đôi khi bị mất tác dụng…

Trần Ngọc

Các tin khác

Theo thông tin từ Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), theo thống kê đến hết quý 1 năm 2014, cả nước đã có 321.265 phụ nữ mang thai được tư vấn trước xét nghiệm HIV.

YBĐT - Với tâm huyết và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đội ngũ những người làm báo Yên Bái đã đem đến cho công chúng nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao, mới mẻ, bổ ích và tạo hiệu ứng xã hội tốt.

YBĐT - Với đặc thù riêng, sản phẩm báo chí phát thanh, truyền hình muốn đến được với người nghe, người xem phải thông qua công đoạn truyền dẫn phát sóng. Cùng với sự phát triển của đất nước, của tỉnh và sự tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, phát thanh - truyền hình (PT-TH) Yên Bái cũng từng bước trưởng thành.

Cán bộ Bưu điện tỉnh vận chuyển, phát hành báo Yên Bái vùng cao đến bạn đọc trong tỉnh.

YBĐT - Sau 19 năm, từ xuất bản 1 kỳ/tháng, số lượng phát hành 1.500 tờ/kỳ, lên 2 kỳ/tháng với số lượng phát hành trên 3.000 tờ/kỳ, Báo Yên Bái vùng cao đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và hình thức, trở thành cầu nối của Đảng bộ tỉnh với đồng bào các DTTS ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục