Văn học - báo chí: Miền giao thoa sáng tạo
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/6/2014 | 2:51:59 PM
YBĐT - Ai đó đã nói: Đường rẽ ngang của báo chí có rất nhiều tọa độ. Quả vậy, rất nhiều sinh viên các trường đại học đến với báo chí: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và đặc biệt là văn học. Rất nhiều sinh viên khoa Ngữ văn của các trường xã hội nhân văn hoặc sư phạm đã coi các cơ quan báo chí là chỗ đứng chân cho sự nghiệp của mình.
Vậy báo chí và văn học có sự giao thoa, tương tác nào để làm nên sự sáng tạo?
Với tôi, trước khi bước vào nghề báo, tôi đã học văn ở một trường đại học. Tình yêu văn chương đã giúp tôi có được những sáng tác. Khi trở thành nhà báo, tôi vẫn có thói quen đọc sách. Thư viện và hiệu sách là nơi tôi thường xuyên qua lại, tôi đã yêu sách đến mức “yêu” luôn cả ông giám đốc thư viện và ông giám đốc phát hành sách. Vì thế, suốt những năm 80- 90 của thế kỷ trước, lúc ấy ít có phương tiện nghe nhìn như bây giờ, trong lúc mọi người không kiếm đâu ra sách để đọc thì trên kệ sách của tôi vẫn đủ loại: tiểu thuyết Việt Nam, tiểu thuyết, truyện ngắn nước ngoài.
Cứ nghĩ chuyện ham đọc, say đọc chẳng để làm gì, hóa ra khi bước vào nghề báo, cái vốn sống từ sách đã giúp tôi có được một hành trang thật phong phú. Điều đó thể hiện mỗi khi tôi được Ban biên tập cử đi viết một bài ghi nhanh hay một phóng sự về việc khởi công khánh thành một công trình hay một tai họa của một thiên tai nào bất ngờ ập đến, khi đó tôi mới cảm thấy sự cần thiết của văn tường thuật, văn miêu tả, văn kể chuyện - thứ văn mà chúng tôi chỉ được học ở những năm cấp I, cấp II và sau này là sự học trong từng trang sách. Những phóng sự hay trong báo chí, nhất là báo viết hoặc phát thanh không thể thiếu yếu tố: tả, thuật, bình.
Cái duyên của người viết phóng sự hoặc ký báo chí không thể thiếu sự quan sát, trong đó vốn từ vựng để làm nên bức tranh toàn cảnh trong mỗi sự kiện dẫn dắt bạn đọc không thể thiếu chất văn học, tất nhiên không phải sự hư cấu mà đó là tính chân thực của sự kiện trong tư duy sáng tạo của người viết.
Trong cuộc đời làm báo của mình, tôi đã có gần 20 năm làm báo truyền hình, trong đó tôi đã dành khá nhiều tâm huyết cho thể loại phim tài liệu, có thể kể đến các phim đã phát sóng truyền hình Việt Nam: Mùa xuân Yên Bái, Vùng đảo chè, Người Mông với cây chè Suối Giàng, Gặp gỡ ở rừng. Với thể phim tài liệu, vai trò của kịch bản văn học hết sức quan trọng. Bộ phim có trở thành kịch bản hay của đạo diễn hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kịch bản văn học, mà kịch bản văn học là phải có yếu tố của văn tường thuật và miêu tả. Khá nhiều nhà báo có danh tiếng như: Phan Quang, Đỗ Doãn Hoàng, Huỳnh Dũng Nhân, Vũ Hữu Sự, Minh Chuyên đều là những người viết văn và làm báo. ở Yên Bái với các nhà báo viết văn: Dương Soái, Thái Sinh, Hoàng Thế Sinh, Thế Quynh... dấu ấn mỗi trang viết của họ cũng đem đến cho độc giả nhiều ấn tượng.
Nói như vậy, tôi không hề có ý đề cao nghề văn, mà ngược lại, nghề báo ở một góc nhìn biện chứng cũng giúp cho người làm văn phương pháp khai thác thông tin, khai thác tâm lý nhân vật để mổ xẻ phân tích, điển hình hóa có tính phổ quát cao trong mỗi tác phẩm của mình. Người viết văn mà thiếu cách nhìn sắc sảo, minh triết của người làm báo đôi lúc khó có thể nhận diện cuộc sống một cách biện chứng, lý giải sự vận động của các mối quan hệ xã hội một cách đầy đủ.
Sự đam mê của nghề văn cộng với lý trí tỉnh táo của người làm báo luôn bổ sung cho nhau để làm nên tác phẩm báo chí và văn học hướng thiện, có tác động xã hội sâu sắc.
Sự kiện trong báo và chi tiết trong văn là hai mặt của một thực thể thống nhất và không đồng nhất.
Văn học - báo chí trong một con người chính là: Miền giao thoa sáng tạo.
Ngọc Chấn
Các tin khác
YBĐT - Từ đầu mùa hè đến nay, tại các bệnh viện tuyến trung ương như: Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhập gần chục trường hợp bị viêm não Nhật Bản B (VNNB-B), Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 14 trường hợp…
Theo thông tin từ Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), theo thống kê đến hết quý 1 năm 2014, cả nước đã có 321.265 phụ nữ mang thai được tư vấn trước xét nghiệm HIV.
YBĐT - Với tâm huyết và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đội ngũ những người làm báo Yên Bái đã đem đến cho công chúng nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao, mới mẻ, bổ ích và tạo hiệu ứng xã hội tốt.
YBĐT - Với đặc thù riêng, sản phẩm báo chí phát thanh, truyền hình muốn đến được với người nghe, người xem phải thông qua công đoạn truyền dẫn phát sóng. Cùng với sự phát triển của đất nước, của tỉnh và sự tiến bộ không ngừng của khoa học kỹ thuật, phát thanh - truyền hình (PT-TH) Yên Bái cũng từng bước trưởng thành.