35 năm sau tìm lại một bài báo
- Cập nhật: Thứ sáu, 20/6/2014 | 2:55:28 PM
Điện thoại đổ chuông, tôi mở máy ra nghe, thấy số điện thoại lạ, không có trong danh bạ được lưu giữ trong máy.
Bài viết “Sống mãi với Đoàn 16” viết về Liệt sĩ Tô Quang Kim đăng trên Báo Hoàng Liên Sơn ngày 19/6/1979.
|
- Tôi nghe đây.
Một giọng nói từ tốn, rất dễ nghe từ máy bên kia:
- Dạ. Bác là nhà báo B.Đ đấy ạ.
- Vâng, tôi là B.Đ đây.
- Xin phép được nói chuyện cùng bác một chút. Trước hết xin được tự giới thiệu với bác, tôi là Tô Quang Thu - Phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, là em trai của liệt sỹ Tô Quang Kim - người chiến sỹ dũng cảm, ngoan cường, oanh liệt hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc tại mặt trận Lào Cai.
- Vâng. Tôi rất hân hạnh được tiếp chuyện người thân của liệt sỹ Tô Quang Kim. Có chuyện gì xin ông cứ nói!
- Sau 35 năm, bây giờ gia đình tôi mới có điều kiện để đi sưu tầm, hoàn thiện tư liệu về người thân của mình để ghi tạc vào truyền thống gia đình. Tôi đã đến Lào Cai nhưng không khai thác được nhiều vì lớp người làm báo thời đó đã chuyển đi nơi khác hoặc đã nghỉ chế độ. Nhưng cũng rất may mắn được nhiều người nhắc đến là có rất nhiều nhà báo đã có mặt trong cuộc chiến đấu ấy suốt từ đầu đến cuối, đã được chứng kiến tận mắt, ghi lại rất nhiều những tấm gương anh hùng, quả cảm của quân và dân ta, trong đó người ta nhắc nhiều đến tên bác - nhà báo B.Đ.
Nói chuyện với người thân của liệt sỹ Tô Quang Kim ngày 21.5.2014 qua điện thoại, lần lại ký ức những ngày làm phóng viên mặt trận trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc ở mặt trận Lào Cai, tôi nhớ lại từng bài viết ngay trong tầm pháo địch và trong khói lửa mịt mù của súng đạn, nhớ đến từng chi tiết, từng gương mặt của những chiến sỹ đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh giữ từng tấc đất biên giới thiêng liêng.
Tô Quang Kim cùng các chiến sỹ của đại đội 10 chốt giữ ở điểm cao 608. Đây là rừng núi đá thuộc xã Cốc San có vị trí hết sức quan trọng làm nhiệm vụ chặn đứng quân địch không cho chúng mở đường tiến đánh Sa Pa.
Khi quân địch đánh vào thị xã Lào Cai đã bị quân và dân ta đánh trả quyết liệt. Tiến đánh đến cầu sắt số 4, quân địch chia làm hai mũi: một mũi đánh vào hướng thị xã Cam Đường, một mũi tiến về phía Cốc San đánh lên Sa Pa. Nhưng đến Cốc San quân địch đã bị các chiến sỹ đại đội 10 của Tô Quang Kim ở chốt 608 đánh chặn quyết liệt. Ỷ thế đông người, chúng hò hét đánh lên nhưng mỗi lần như thế chúng đều bị thương vong nặng nề, quân lính kêu khóc, sợ hãi. Suốt 10 ngày đêm chúng mở nhiều đợt tấn công nhưng vẫn không vượt qua được chốt 608. Mỗi lần như thế chúng lại gọi pháo từ phía sau cấp tập nã đạn xuống điểm cao. Cây cối, đất đá tan hoang nhưng các chiến sỹ của ta vẫn giữ vững được trận địa. Một số cán bộ, chiến sỹ thương vong được chuyển về tuyến sau nhưng vũ khí đạn được để lại. Tô Quang Kim sử dụng thành thạo 6 loại vũ khí để đánh địch.
Được các chiến sỹ của Đại đội 1 và Đại đội 2 chi viện, nhiều lần quân địch vẫn ỷ thế đông người ồ ạt tiến lên, Tô Quang Kim cùng đồng đội đã đáp trả bằng đủ mọi thứ vũ khí. Thấy kẻ địch đông, anh dùng B40 rồi cả B41 bắn thẳng vào đội hình địch. Hàng chục tên địch gục ngã trước mũi súng của Tô Quang Kim. Và anh đã hy sinh trên điểm cao 608. Tấm gương quả cảm hy sinh của anh là nguồn sức mạnh khích lệ đồng đội chiến đấu anh dũng cho đến ngày chiến thắng.
- Vâng. Nếu có điều kiện tôi sẽ kể lại cho ông nghe tấm gương sống kiên cường, chết oanh liệt của anh trai ông ngày ấy. Cho đến nay đã 35 năm 3 tháng tôi vẫn nhớ đến từng chi tiết, từng hành động của người liệt sỹ ấy. Tôi đã có một tác phẩm viết về Tô Quang Kim ngay từ ngày khói đạn chưa tan trên bầu trời của vùng đất Lào Cai.
- Bác B.Đ ơi, nếu thế thì may mắn cho gia đình tôi quá. Bác còn nhớ tác phẩm ấy của bác viết và đăng báo ngày tháng nào không? Bác có lưu giữ được tác phẩm ấy?
- Tôi không lưu giữ và cũng không còn nhớ bài báo ấy đăng ngày nào nhưng ông hoàn toàn có thể tra khảo ở kho lưu trữ Báo Hoàng Liên Sơn. Khi ấy ba tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Nghĩa Lộ sáp nhập thành tỉnh Hoàng Liên Sơn, tờ báo của cơ quan Đảng bộ mang tên Báo Hoàng Liên Sơn. Tôi có thể kể lại một cách chi tiết và đầy đủ về những hành động quả cảm và những chiến công của liệt sỹ Tô Quang Kim nhưng không gì bằng tìm lại được bài báo, số báo đã đăng tác phẩm viết về Tô Quang Kim ngày ấy.
Đến lượt tôi lại chờ đợi. Chờ đợi xem ông Tô Quang Thu có tìm lại được bài báo ấy không.
Vào một buổi sáng hai ngày sau đó, máy điện thoại di động của tôi lại đổ chuông. Số máy gọi đến là số máy của ông Tô Quang Thu. Vẫn giọng nói từ tốn, nhỏ nhẹ, dễ nghe.
- Chào bác B.Đ, tôi xin được báo tin vui cho bác là tôi đã tìm lại được bài báo của bác trên Báo Hoàng Liên Sơn. Bài báo có nhan đề “Sống mãi với Đoàn 16” của tác giả B.Đ. Bài báo của bác, tờ báo Hoàng Liên Sơn ngày ấy là nhân chứng lịch sử của cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Bài báo rất chi tiết, đọc lại bài báo tôi xúc động như được gặp lại người anh của mình trong cuộc chiến đấu bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc.
Đọc lại bài báo tôi vô cùng tự hào về truyền thống của gia đình, đúng như bác đã viết ngày ấy: “Tô Quang Kim đã ngã xuống trên điểm cao 608 nhưng anh vẫn sống mãi trong lòng đồng đội, sống mãi với Đoàn 16, sống mãi với gia đình, với nhân dân và Tổ quốc”. Chị Quỳnh Liên - Phó tổng biên tập Báo Yên Bái cùng một số anh chị em cán bộ của Báo đã tận tình mở kho lưu trữ giúp tôi tìm lại được bài báo. Tôi đã phô tô bài báo của bác, photocopy số báo Hoàng Liên Sơn ngày ấy một cách quí trọng như một trang truyền thống vẻ vang của gia đình. Cảm ơn chị Quỳnh Liên và anh chị em cán bộ, biên tập viên Báo Yên Bái.
Đang nói chuyện thì máy điện thoại tự dưng ngắt máy không còn liên lạc được nữa. Có thể ông Thu xúc động mà lặng đi.
Tôi vẫn còn đang cầm điện thoại trên tay. Ông Thu gọi lại. Vẫn giọng nói chân tình, nhỏ nhẹ, dễ nghe:
- Tôi xin phép được thay mặt gia đình chân thành cảm ơn bác - nhà báo B.Đ đã ghi lại những tháng ngày hào hùng và oanh liệt của liệt sỹ Tô Quang Kim cách đây 35 năm để hôm nay gia đình chúng tôi tìm lại được. Cảm ơn các nhà báo và tờ báo Hoàng Liên Sơn!
Trong cuộc đời làm báo, tôi không ngờ được rằng có bài báo sau 35 năm còn được tìm lại. Tôi xúc động và tự hào về nghề viết báo. Nhưng tôi cũng phải nói lại với ông Tô Quang Thu, em trai của liệt sỹ Tô Quang Kim rằng: “Tôi xin được nhận những lời nói tốt đẹp và chân thành của gia đình đối với những người làm báo. Nhưng ông cũng cho tôi gửi lời cảm ơn từ đáy lòng của các nhà báo đối với gia đình vì đã sinh thành, dưỡng dục được người con đã dũng cảm chiến đấu, dám hy sinh thân mình cho nhân dân, cho Tổ quốc, để chúng tôi được thể hiện trong tác phẩm, trong trang báo của mình”.
Hải Đường (Tháng 6 năm 2014)
Các tin khác
YBĐT - Ai đó đã nói: Đường rẽ ngang của báo chí có rất nhiều tọa độ. Quả vậy, rất nhiều sinh viên các trường đại học đến với báo chí: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và đặc biệt là văn học. Rất nhiều sinh viên khoa Ngữ văn của các trường xã hội nhân văn hoặc sư phạm đã coi các cơ quan báo chí là chỗ đứng chân cho sự nghiệp của mình.
YBĐT - Từ đầu mùa hè đến nay, tại các bệnh viện tuyến trung ương như: Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhập gần chục trường hợp bị viêm não Nhật Bản B (VNNB-B), Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận 14 trường hợp…
Theo thông tin từ Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), theo thống kê đến hết quý 1 năm 2014, cả nước đã có 321.265 phụ nữ mang thai được tư vấn trước xét nghiệm HIV.
YBĐT - Với tâm huyết và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đội ngũ những người làm báo Yên Bái đã đem đến cho công chúng nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng cao, mới mẻ, bổ ích và tạo hiệu ứng xã hội tốt.