Viên “gạch hồng” xây mái ấm

  • Cập nhật: Thứ sáu, 27/6/2014 | 3:03:05 PM

YBĐT - Hạnh phúc gia đình được xây dựng không phải từ những điều to tát, xa vời mà chỉ là những sinh hoạt chung đời thường, từ bữa cơm gia đình ấm áp.

"Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương"

Câu ca dao từ thuở nào vẫn mãi còn nguyên giá trị ấy không chỉ là một nỗi nhớ quê da diết, mà còn là nhớ đến bữa cơm giản dị ở quê nhà của một người con xa quê. Bữa cơm đạm bạc nuôi ta khôn lớn, nuôi dưỡng tâm hồn mỗi người bằng sự gắn kết chặt chẽ, bằng những yêu thương sẻ chia. Đó là hạnh phúc đơn sơ, mộc mạc nhưng vô cùng ấm áp và đáng quý biết bao, là viên "gạch hồng" xây dựng nên mái ấm gia đình.

Bữa cơm gia đình tưởng chừng như quá giản dị ấy lại có ý nghĩa vô cùng to lớn đối mỗi thành viên trong gia đình. Có rất nhiều người vì công việc nên thường xuyên có những bữa ăn ở nhà hàng với cao lương mỹ vị nhưng rồi vẫn phải thốt ra câu: "Tôi thèm một bữa cơm nhà". Một bữa cơm nhà đạm bạc, đơn sơ nhưng cơm dẻo canh ngọt phù hợp với nhu cầu, sở thích của từng thành viên.

Không cầu kỳ, đắt tiền nhưng người nấu chính là người mẹ, người vợ trong gia đình luôn quan tâm đến sở thích của chồng con. Đã thành một thói quen, một thói quen ăn sâu vào tiềm thức đến mức khiến chúng ta thấy hết sức bình thường, đó là mỗi ngày, những người vợ, người mẹ thường hỏi chồng, con: "Hôm nay thích ăn món gì?"; "Hôm nay nhà mình ăn gì nhỉ?". Không phải vì "bí"  không biết nấu món gì cho bữa cơm gia đình mà bởi người phụ nữ luôn muốn nấu cho chồng, cho con những món ăn hợp khẩu vị, ưa thích nhất và với họ, chỉ cần nhìn chồng, con ăn ngon thì đã là một hạnh phúc lớn lao lắm rồi. Người chồng, và những người con thì cảm ơn vợ, mẹ đã nấu một bữa cơm bằng hành động, cử chỉ yêu thương, vui vẻ kể chuyện công việc, học hành trong không khí bữa cơm ấm cúng, thân mật. Đó là sợi chỉ hồng vô hình gắn kết tình thân của các thành viên trong gia đình người Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác và đã thành tiềm thức trong mỗi người con đất Việt của nền văn minh lúa nước duy tình.

Anh Đức Huy (phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái) chia sẻ: "Tôi đã có lúc nghĩ hình như vợ mình không có sở thích gì vì ăn gì cũng phải hỏi chồng. Nhưng ngẫm ra, cô ấy luôn nấu những món ăn tôi thích. Sau một ngày làm việc mệt mỏi, trở về nhà bên những người thân yêu, được ăn món mình ưa thích thì quả là không còn điều gì hạnh phúc hơn". Vậy đó, hạnh phúc không chỉ được xây dựng từ những giá trị đạo đức rất đáng trân trọng như tình yêu, lòng chung thủy, tình nghĩa vợ chồng, lòng yêu thương, sự hy sinh, trách nhiệm... mà còn từ trong sinh hoạt hằng ngày, trong sự quan tâm nhau qua từng giấc ngủ, bữa ăn. Do vậy mà chúng ta không thể xem nhẹ ý nghĩa của bữa cơm hằng ngày đối với việc xây dựng hạnh phúc.

Cùng chuẩn bị bữa cơm gia đình.

Những bữa cơm giản dị, hạnh phúc ấy nuôi dưỡng mỗi người, rồi từ đó, những kỷ niệm về bữa cơm gia đình là hành trang mang theo của mỗi người, để khi khó khăn, mệt mỏi lại muốn quay về nhà. Là một người con phải công tác xa gia đình nhiều năm, chị Trần Thanh Dung (khu dân cư Cầu Đền, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái) chia sẻ: "Mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, tôi lại chỉ muốn về bên mẹ, để mẹ vỗ nhẹ vào lưng khi tôi gối lên chân mẹ, để được ăn món canh rau rút nấu thịt của mẹ, rồi mọi mệt mỏi sẽ tan biến".

Đó là tiềm thức của những người con đã được nuôi dưỡng bằng tình yêu, tình thân gia đình, bằng những bữa cơm gắn kết. Giảng viên tâm lý giáo dục Lê Ngọc Thuyết của Trường Cao đẳng Sư phạm Yên Bái lý giải: "Tâm lý giao tiếp là nhu cầu bản năng của con người và giao tiếp gia đình là quan trọng nhất bởi đó là mối quan hệ huyết thống. Giao tiếp gia đình vừa nghe thấy, nhìn thấy, chia sẻ cảm xúc, giải tỏa tâm lý mà không một mối quan hệ nào khác có thể làm con người thỏa mãn, bởi gia đình có sự gắn kết đặc biệt. Do đó, chỉ có trở về với gia đình thì mọi nhu cầu của con người mới được thỏa mãn, được tin tưởng, trân trọng, chia sẻ, đồng cảm. Sự giao tiếp đó tạo ra lợi ích chung cho cả gia đình, chứ không phải tạo ra lợi ích cho cá nhân ai. Điều đó cũng giúp củng cố sự bền vững gia đình".  

Không chỉ là nơi tụ họp gia đình, bữa cơm còn chính là nơi thể hiện giao tiếp ứng xử, là cách giáo dục đối nhân xử thế cho các thành viên trong gia đình rất nhân văn như "ăn trông nồi, ngồi trông hướng", "học ăn, học nói, học gói, học mở"... rồi sau đó tỏa rộng ra ngoài xã hội, cộng đồng.

Cuộc sống bận rộn hiện nay khiến nhiều gia đình đang xem nhẹ bữa cơm gia đình, điều đó ảnh hưởng rất lớn trong việc hình thành nhân cách con trẻ, khiến các thành viên trong gia đình xa rời nhau, không có sự gắn kết. Vấn đề này là rất nguy hại cho sự trưởng thành của con cái, hạnh phúc của gia đình và hơn cả là sự phát triển của xã hội. Vì vậy, các chuyên gia khuyên mỗi gia đình hãy bố trí ít nhất một bữa cơm gia đình trong ngày để gắn kết, chuyện trò, hàn huyên, con cái kể chuyện học hành, cha mẹ kể chuyện cơ quan... Bắt đầu câu chuyện rộn rã và sau bữa cơm lại là những câu chuyện dài hơn. Đôi khi, những công việc gia đình được đưa ra bàn bạc, hỏi ý kiến các thành viên. Các thành viên càng ý thức trách nhiệm của mình trong xây dựng, gìn giữ, gắn kết.

Hạnh phúc gia đình được xây dựng không phải từ những điều to tát, xa vời mà chỉ là những sinh hoạt chung đời thường, từ bữa cơm gia đình ấm áp. Và người phụ nữ ý thức rõ vai trò của mình trong chăm lo bữa cơm gia đình để nó ý nghĩa, chan chứa tình yêu thương, không chỉ cung cấp năng lượng vật chất cho sự sinh tồn, bồi dưỡng sức khỏe cho các thành viên, mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần, tâm lý, tình cảm sâu sắc. Đó là nền tảng xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc. Và gia đình bền vững, hạnh phúc là nền tảng cho sự phát triển của xã hội.

Thanh Ba

Các tin khác
Ông Hà Xuân Ngọ (bên phải) - người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số ở thôn 7, xã Quy Mông (Trấn Yên) đọc báo được phát theo quy định.

YBĐT - Năm nay, trên cơ sở kết quả bình xét, bầu chọn từ các thôn, bản, tổ dân phố, UBND tỉnh Yên Bái đã công nhận 1.170 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đông hơn cả là huyện Lục Yên 276 người, huyện Văn Chấn có 260 người, huyện Yên Bình có trên dưới 150 người, Trấn Yên có 90 người, Trạm Tấu 65 người...

Lãnh đạo Hội Nông dân xã Minh Chuẩn thường xuyên theo dõi sát sao hoạt động sản xuất nông nghiệp của địa phương.

YBĐT - Hội Nông dân xã Minh Chuẩn (Lục Yên) hiện có 467 hội viên, tham gia sinh hoạt ở 10 chi hội thôn, chiếm 75% số hộ làm nông - lâm nghiệp. Là tổ chức giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nhiều năm qua, Hội Nông dân xã đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương, giúp hội viên vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Ngày 26/6, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Đảo thanh niên toàn quốc giai đoạn 2013-2020.

Người dân tham gia BHYT khi đi khám chữa bệnh vẫn còn gặp nhiều phiền hà.

Chất lượng khám chữa bệnh còn hạn chế, thủ tục khám chữa bệnh BHYT còn rắc rối. Cùng với đó là tình trạng lạm dụng thuốc men, xét nghiệm, gian lận, trục lợi Quỹ BHYT… Đây là những vấn đề được các cơ quan chức năng thẳng thắn chỉ ra tại buổi mít tinh Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam (1-7) do Bộ Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 26-6.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục