Trở lại chiến khu xưa
- Cập nhật: Thứ hai, 30/6/2014 | 2:50:33 PM
YBĐT - Khi nhắc đến phong trào cách mạng tiền khởi nghĩa, mỗi người dân Yên Bái không thể không nhắc tới Chiến khu Vần. Đây là một dấu ấn của sự kiện lịch sử Yên Bái có vai trò quyết định trong việc chuẩn bị lực lượng để đấu tranh giành chính quyền cách mạng ở hai tỉnh Phú Thọ - Yên Bái và huyện Phù Yên (Sơn La).
Đình làng Vần - nơi lực lượng vũ trang Yên Bái làm lễ tế cờ năm xưa.
|
Chiến khu Vần đồng thời cũng là căn cứ đảm bảo cho địa phương chuẩn bị đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp quyết liệt (1946- 1954), là nơi thành lập Ban cán sự Đảng liên tỉnh Yên Bái- Phú Thọ và là tiền thân ra đời của Đảng bộ hai tỉnh.
Trong cái nắng như đổ lửa của những ngày cuối tháng 6, chúng tôi về xã Việt Hồng - cái nôi của phong trào cách mạng tiền khởi nghĩa. Dọc hai bên đường từ xã Hợp Minh (thành phố Yên Bái) vào xã, nhân dân địa phương đang khẩn trương đổ ải, làm đất chuẩn bị cho một mùa vụ mới. Khi chúng tôi ngỏ lời muốn được nghe chuyện buổi đầu các bậc cha anh làm cách mạng thì ai nấy đều hào hứng.
Chiến khu Vần là một vùng đất khá rộng, nằm ở phía nam huyện Trấn Yên và đông nam huyện Văn Chấn. Trước năm 1945, Chiến khu Vần nằm trên địa bàn 3 tổng là Lương Ca, Giới Phiên (thuộc Trấn Yên) và Đại Lịch thuộc Văn Chấn, nay gồm 3 xã Việt Hồng, Việt Cường, Vân Hội, trong đó tiêu biểu là 2 điểm làng Vần, xã Việt Hồng (là trung tâm chỉ huy của chiến khu) và làng Đồng Yếng, xã Vân Hội, là trung tâm huấn luyện quân sự của căn cứ cách mạng Chiến khu. Sau khi nhận định tình hình, vị trí địa lý và tinh thần của nhân dân, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Xứ ủy Bắc Kỳ, Đội du kích Âu Cơ đã chuyển lên Đồng Yếng rồi vào làng Vần, lấy Vần làm trung tâm chỉ huy, lấy Đồng Yếng làm trung tâm huấn luyện quân sự cho hình thành Chiến khu.
Lúc đó, lãnh đạo Chiến khu gồm các đồng chí: Trần Quang Bình, Bình Phương, Ngô Minh Loan, Nguyễn Phúc, Trần Đức Sắc (tức GS Văn Tân). Ngày đó Chiến khu là nơi an toàn để đón các đồng chí cách mạng kiên trung vượt ngục nhà tù Sơn La về và một số hoạt động ở miền xuôi bị lộ lên tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Một sự kiện trọng đại đã diễn ra tại đây: ngày 30/6/1945 Ban cán sự Đảng liên tỉnh Phú - Yên (Phú Thọ - Yên Bái) được thành lập - một mốc lịch sử quan trọng đánh dấu sự hình thành Chiến khu do đồng chí Ngô Minh Loan làm Bí thư, lãnh đạo cách mạng tại hai tỉnh Yên Bái và Phú Thọ. Từ đây đã phát triển rộng lên Lào Cai và một phần Sơn La.
Tại đây, lực lượng Đảng hoạt động có tổ chức, có nền nếp, củng cố, phát triển mạnh nên lần lượt ra đời các tổ chức như: Cứu quốc của Việt Minh, Ủy ban Cách mạng lâm thời, Chiến khu được thành lập.
Đội du kích phát triển mạnh đã đánh cho chính quyền địch tan rã và đánh bại các cuộc tấn công của quân Nhật và bè lũ tay sai đồng thời đã giác ngộ được các chánh phó tổng đi theo và ủng hộ cách mạng, bảo vệ vững chắc an toàn căn cứ cách mạng Chiến khu. Khi thời cơ đến, từ Chiến khu, quân cách mạng đã tiến tỏa ra 3 hướng đi Phú Thọ, Yên Bái và Nghĩa Lộ để phá kho thóc Nhật chia cho nhân dân đang lúc đói khổ, một cổ hai tròng. Nhân dân càng tin tưởng đi theo cách mạng, đánh đổ chính quyền địch, giải phóng và lập nên chính quyền cách mạng ở Phú Thọ, Yên Bái và Phù Yên (Sơn La) góp phần tích cực vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc trong cuộc tổng khởi nghĩa có một không hai của lịch sử cách mạng - Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.
Một số địa điểm diễn ra sự kiện lịch sử quan trọng của Chiến khu được nhân dân trân trọng giữ gìn như: khu nhà của ông Trần Đình Khánh, cây vải của ông Đình Trung, đình làng Vần, cây gạo, cây sữa, hang Dơi, đình làng Dọc gắn với sự kiện ở làng Vần, Đồng Yếng, đình Vân Hội, thác Vân Hội (xã Vân Hội).
Để minh chứng cho những dấu ấn hào hùng của thế hệ cha ông, anh Nguyễn Tư Thoan - Chủ tịch UBND xã Việt Hồng dẫn chúng tôi đến đình làng Vần nằm trong sân Trường Tiểu học Việt Hồng. Vẫn còn đó cây vải năm nào đang tỏa bóng xum xuê che mát cho các em học sinh. Nơi đây, đầu tháng 7- 1945, lực lượng vũ trang Yên Bái đã làm lễ tế cờ, sau đó tiến về giải phóng Trấn Yên, Văn Chấn, Phù Yên, Than Uyên, Văn Bàn, góp phần thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945. Sau khi chiếm làng Vần, Pháp đã cho phá hủy ngôi đình, nay chỉ còn lại sân đình và cây vải. Ngày 4/9/1995 đình được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cách mạng nằm trong Cụm di tích Chiến khu Vần.
Cách đấy không xa là gia đình ông Trần Đình Khánh, dân tộc Tày, nhà ông trở thành sở chỉ huy của lực lượng vũ trang khởi nghĩa và là trụ sở đầu tiên của Ủy ban cách mạng lâm thời tỉnh Yên Bái. Năm 1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Tư Thoan phấn khởi cho biết thêm: Xã Việt Hồng hiện có 702 hộ với 2.428 nhân khẩu, trong đó dân tộc Tày chiếm đa số với 87%, còn lại là các dân tộc khác.
Được sinh ra trên quê hương cách mạng, lòng tự trọng, tự hào của người dân trên mảnh đất này là động lực để Việt Hồng đi lên. Nhân dân trong xã nỗ lực khai thác lợi thế về tài nguyên để mở mang các ngành nghề dịch vụ, đầu tư phát triển sản xuất. Minh chứng cho điều này, hàng trăm héc-ta rừng được người dân nhận khoán, những đồi, núi nhấp nhô đã được phủ một màu xanh của keo, mỡ, xoan.
Bên cạnh đó, địa phương còn phát triển mạnh đàn gia súc, gia cầm, tăng cường công tác phòng chống cháy rừng, duy trì khai thác mặt nước để nuôi trồng thủy sản… Cùng với việc tập trung mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ xã vẫn không ngừng chăm lo đời sống văn hóa, giáo dục truyền thống cách mạng, thường xuyên có những buổi sinh hoạt tập thể tuyên truyền cho thế hệ thanh thiếu niên địa phương hiểu hơn về lịch sử truyền thống của cha ông.
Rời Việt Hồng, chúng tôi đi trên những con đường làng được rải bê tông rộng rãi, phẳng phiu, hai bên đường là những ngôi nhà kiên cố, khang trang. Thời gian này, các trường học trên địa bàn đang được đầu tư sửa chữa lại để các em đón năm học mới. Chiến khu cánh mạng năm xưa hôm nay đang từng ngày đi lên trong truyền thống hào hùng của một vùng quê cách mạng.
Quang Thiều
Các tin khác
Bộ GD-ĐT vừa có thông báo tuyển sinh đào tạo tiến sĩ theo Đề án 911 cho năm 2014. Theo đó, Bộ GD-ĐT chủ trương gửi đi đào tạo ở tất cả các nước tiên tiến trên thế giới và tại những cơ sở đào tạo nước ngoài đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Bộ GD-ĐT với 1.200 chỉ tiêu.
Ngày 29/6, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố danh sách các trường THPT thuộc diện ưu tiên KV1. Theo đó, cả nước có 2.120 trường THPT thuộc diện ưu tiên này.
Từ năm học 2014-2015, HS các trường THCS, THPT có thể đăng ký học nghề theo danh mục quy định của chương trình giáo dục phổ thông tại các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trên địa bàn hoặc có thể lựa chọn học các kỹ năng nghề nghiệp khác theo nguyện vọng.
Mỗi tuần, Đài Phát thanh - Truyền hình Lai Châu sẽ cung cấp 5 chương trình thời sự để phát trên sóng vệ tinh VINASAT của Đài Lào Cai.