Bước phát triển vượt bậc
- Cập nhật: Thứ năm, 13/11/2014 | 9:08:20 AM
YBĐT - Từ 27 cơ sở dạy nghề năm 2011, đến năm 2013, toàn tỉnh Yên Bái đã có 31 cơ sở dạy nghề. Năm 2014, do thực hiện sáp nhập các trung tâm dạy nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên, toàn tỉnh còn 24 cơ sở dạy nghề.
Các cơ sở dạy nghề được đầu tư trang thiết bị dạy học hiện đại, góp phần nâng cao tay nghề cho người lao động.
|
Cuối thế kỷ 19, nước ta đã hình thành tổ chức đào tạo chính quy tại một số trường dạy nghề như: Trường Kỹ nghệ thực hành tại Hà Nội (năm 1898), Trường Kỹ nghệ thực hành Huế (năm 1889) và Trường Bá nghệ Sài Gòn (năm 1889)... Đầu thế kỷ 20, những cơ sở dạy nghề đầu tiên được thành lập với nhiều loại hình khác nhau như: lớp dạy nghề tại xí nghiệp, trường nghề… Thời kỳ này, số lượng học sinh rất ít, chỉ đủ cung cấp cho những ngành công nghiệp nhẹ, công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp khai thác tài nguyên... Từ năm 1955 đến nay, ngành dạy nghề trải qua nhiều giai đoạn phát triển. Giai đoạn từnăm 1955 - 1969, Vụ Quản lý nhân công thành lập trực thuộc Bộ Lao động, có 30 trường, quy mô đào tạo 14.000 học sinh/năm.
Giai đoạn từ năm 1969 - 1978, thành lập Tổng cục Đào tạo công nhân kỹ thuật trực thuộc Bộ Lao động, có 159 trường, quy mô đào tạo 48.000 học sinh/năm. Giai đoạn từ năm 1978 - 1987, các cơ sở dạy nghề phát triển mạnh mẽ, đa dạng. Cả nước có 366 trường dạy nghề, 212 trung tâm dạy nghề, toàn ngành có 9.833 giáo viên và quy mô đào tạo ở giai đoạn này trung bình 176.000 học sinh/năm, hình thành hệ thống trung tâm dạy nghề ở các quận, huyện, thị xã, đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động theo phương châm “Nhà nước, tập thể và người dân cùng chăm lo sự nghiệp dạy nghề” và là ngành đầu tiên trong hệ thống giáo dục quốc dân thực hiện xã hội hóa, phá thế bao cấp trong đào tạo, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Giai đoạn từ năm 1987 - 1998, hệ thống dạy nghề còn 129 trường, quy mô đào tạo 55.000 học sinh/năm.
Từ năm 1998 đến nay, trước nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nhân lực trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Chính phủ đã thành lập Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Đến tháng 5/2014, cả nước có 1.340 cơ sở dạy nghề, trong đó có 165 trường cao đẳng nghề, 301 trường trung cấp nghề, 874 trung tâm dạy nghề và hơn 700 cơ sở khác tham gia dạy nghề.
Đội ngũ giáo viên trong các trường nghề gần 4.000 người, trình độ trên đại học 17%, đại học 62,41%... cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học từng bước nâng lên. Vì vậy, từ năm 2009 - 2013, các trường đã tuyển mới gần 8,5 triệu học viên, trong đó, cao đẳng nghề, trung cấp nghề trên 1,2 triệu người, sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng chiếm 85,6%, thực hiện Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã đào tạo 1,6 triệu người.
Đối với Yên Bái, công tác dạy nghề đã được các cấp, các ngành chú trọng quan tâm. Nhiều năm qua, tỉnh ban hành nhiều văn bản liên quan đến hoạt động dạy nghề, đặc biệt Quyết định số 122/2000/QĐ-UB của UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt kế hoạch phát triển đào tạo và dạy nghề tỉnh Yên Bái đến năm 2010, Quyết định số 494/QĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái về quy hoạch phát triển đào tạo nghề tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011 – 2020...
Đến nay, 100% huyện, thị xã, thành phố đều có trung tâm dạy nghề, đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của lực lượng lao động, giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo. Từ 27 cơ sở dạy nghề năm 2011, đến năm 2013, toàn tỉnh đã có 31 cơ sở dạy nghề. Năm 2014, do thực hiện sáp nhập các trung tâm dạy nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên, toàn tỉnh còn 24 cơ sở dạy nghề. Dự kiến, năm 2015, toàn tỉnh sẽ có 25 cơ sở dạy nghề gồm: 2 trường cao đẳng nghề (1 trường tư thục), 3 trường trung cấp nghề, 11 trung tâm dạy nghề (1 trung tâm dạy nghề tư thục), 9 cơ sở có tham gia dạy nghề, trong đó, có 2 trường chuyên nghiệp.
Hệ thống cơ sở dạy nghề của tỉnh đã phân bố hợp lý theo địa bàn, đáp ứng nhu cầu học nghề và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các cơ sở đã tổ chức các lớp dạy nghề đến 90% số xã và trên 60% số xã vùng cao, vùng khó khăn. Từ năm 2011 - 2013, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 30.440 người.
Từ những kết quả đạt được, những người làm công tác dạy nghề Yên Bái đang ra sức thi đua, nỗ lực thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và Quyết định số 630 ngày 29/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 - 2020.
Từ nay đến năm 2020, ngành dạy nghề Yên Bái quyết tâm phấn đấu “đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…” như mục tiêu đã đề ra.
Trần Minh
Các tin khác
YBĐT - Pang Cáng là thôn đông dân nhất của xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn (Yên Bái) với 132 hộ, 648 nhân khẩu, 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Nhận thức của bà con nơi đây còn nhiều hạn chế, tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao.
YBĐT - Thời gian qua, phòng giáo dục và đào tạo huyện Văn Yên đã thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện ở tất cả các mặt như cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương pháp quản lý, dạy học…. Mỗi đơn vị trường trên địa bàn huyện đã thực hiện các nội dung phù hợp với tình hình thực tế và đạt hiệu quả cao nhất.
Sinh viên là người dân tộc thiểu số học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sẽ được nhận mức hỗ trợ chi phí học tập bằng 60% mức lương cơ sở.
Chế độ bảo hiểm hiện nay chưa hướng mạnh đến phòng ngừa rủi ro cho người lao động, chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động.