Ngôi trường chắp cánh ước mơ
- Cập nhật: Thứ năm, 13/11/2014 | 2:50:55 PM
YBĐT - Phát huy truyền thống 15 năm vượt khó vươn lên, thầy và trò Trường THPT Hoàng Quốc Việt tự tin vững bước, quyết tâm thi đua dạy thật tốt - học thật tốt, chắp cánh ước mơ cho những học sinh nông thôn, góp phần quan trọng “Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực” cho địa phương.
Cô giáo Đỗ Thị Thanh Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Quốc Việt trao quà cho học sinh nghèo của nhà trường dịp tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014.
|
Với mục tiêu chiến lược của Đảng: "Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực" cho địa phương và đất nước, ngày 2/7/1999, thực hiện Quyết định số 162/1999/QĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái, Trường THPT Hoàng Quốc Việt được thành lập. 15 năm một chặng đường đủ để cho nhà trường khẳng định chất lượng giáo dục, là nơi đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương và đã chắp cánh cho bao ước mơ của các em học sinh vùng chiến khu cách mạng Việt Hồng, Việt Cường, Vân Hội đến các xã vùng sâu, vùng xa của huyện Trấn Yên, các xã ven thành phố Yên Bái.
Năm học 1999 - 2000, năm học đầu tiên của nhà trường chỉ có 5 lớp 10 với 221 học sinh và 13 cán bộ, giáo viên. Những ngày đầu ấy với muôn vàn thiếu thốn, 5 lớp học ở 5 gian nhà tranh tre, nứa lá, vách đất. Nông thôn thời kì này, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, ước mơ là điều gì đó rất xa vời với những học trò nơi đây. Thấu hiểu điều đó, các thầy cô giáo quyết tâm cùng với học trò và giúp các em lựa chọn mục tiêu, định hướng phấn đấu. Hết lòng vì học sinh thân yêu, thầy cô đã dành thời gian và công sức cho việc giảng dạy, đáp ứng niềm mong mỏi, tin tưởng của nhân dân. Đền đáp cho những nỗ lực, khắc phục khó khăn của thầy cô, ngay trong khóa học đầu tiên, nhà trường đã có học sinh giỏi cấp tỉnh môn Sinh học là em Nguyễn Tuấn Anh. Đặc biệt, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Trấn Yên cũng đã dành cho nhà trường sự quan tâm đúng mức.
Trong 9 năm trực thuộc huyện Trấn Yên (1999 - 2008), nhà trường từng bước khẳng định vị trí trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương. Quy mô không ngừng phát triển, năm học 2006 - 2007, toàn trường có 32 lớp với hơn 1.400 học sinh và tiếp tục đào tạo học sinh cho các xã thuộc huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ.
Năm 2008, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh địa giới hành chính, xã Giới Phiên thuộc về thành phố Yên Bái. Chứng kiến học trò phải đi học xa tới 15km, các thầy cô nghĩ ngay đến việc làm thế nào để vơi bớt khó khăn, vơi bớt gánh nặng cơm áo mà các em phải gánh chung với người lớn. Công đoàn nhà trường đã tổ chức căng-tin, vườn rau, ao cá, nuôi lợn, giúp các em an tâm trên con đường đến với ước mơ của mình. Không chỉ vậy, hàng năm, nhà trường lựa chọn những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để toàn thể Hội đồng sư phạm giúp đỡ.
Cuộc vận động "Thầy cô giáo Trường Hoàng Quốc Việt tất cả vì học sinh nghèo nông thôn" đã trở nên rất đỗi thân thuộc với thầy cô, học sinh và nhân dân trong vùng. Hàng tháng, thầy cô trích từ những đồng lương ít ỏi để giúp đỡ các em học sinh nghèo. Với số tiền 400.000 - 500.000 đồng một tháng cho mỗi em học sinh nghèo của nhà trường thì không còn đơn thuần chỉ là giá trị vật chất thông thường.
Trường THPT Hoàng Quốc Việt luôn chú trọng tổ chức hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho học sinh lớp 12.
Thạc sỹ Đỗ Thị Thanh Thủy - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Cuối năm học trước, giáo viên nhận thấy một học sinh ở xã Lương Thịnh có biểu hiện chán nản. Sau những lần giáo viên chủ nhiệm tiếp xúc, Đoàn thanh niên vận động thì em cho biết, đường đi học xa mà nhà nghèo quá, không có xe đạp. Thế là chúng tôi tổ chức cuộc vận động trong toàn trường mua tặng em một chiếc xe đạp cũ trị giá 700.000 đồng. Từ đó, em tích cực học tập hơn, tiến bộ rõ rệt. Khi con trẻ bớt nỗi lo cơm áo với người lớn thì động cơ học tập của các em cũng như sự phấn đấu vươn lên rất rõ ràng. Chúng tôi trân trọng điều đó và càng muốn giúp các em nhiều hơn nữa".
Mỗi năm, Trường lựa chọn khoảng 30 em để các thầy cô đỡ đầu. Ngoài hỗ trợ hàng tháng bằng tiền mặt, vào dịp tết Nguyên đán, các em còn được thầy cô mua cho gạo nếp và mùa đông được tặng áo ấm... Những tấm chân tình ấy đã vượt ra khỏi một phong trào, một cuộc vận động mà trở thành sự gắn kết tình cảm yêu thương học trò với thầy cô, tạo sức lan tỏa, thu hút được các tổ chức, cá nhân tham gia giúp đỡ các em học sinh nghèo của nhà trường.
Tưởng chừng như chuyện vận động học sinh ra lớp chỉ có những trường ở vùng cao, vùng sâu nhưng chính tại nơi đây các thầy cô đã vượt suối, đi bộ, ngồi thuyền hàng giờ đồng hồ để tới nhà vận động các em đến trường. Rồi để các em kiên trì hành trình tới ước mơ, các thầy cô luôn theo sát, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của học trò, đặc biệt là giữ mối liên hệ mật thiết với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương. Cô Đỗ Thị Thanh Thủy cho hay: "Mỗi khi có học sinh có dấu hiệu gì đó khác thường, bên cạnh việc các thầy cô quan tâm chia sẻ, nhà trường còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động.
Chúng tôi xác định làm giáo dục không thể đơn độc, xã hội hóa giáo dục không chỉ bằng nguồn lực mà còn là sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, chính quyền địa phương". Nhờ vậy, trong những năm qua, nhà trường đã hạn chế thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học và phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương, gia đình trong việc vận động, giáo dục, quản lý học sinh. Đến nay, nhà trường đã từng bước xây dựng được vị trí, lòng tin với nhân dân, đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết số 29, Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), trong thời gian tới, nhiệm vụ giáo dục của nhà trường còn nặng nề và phải tiếp tục vượt qua thử thách, khó khăn để có niềm tin bước tiếp. Chiến lược phát triển của nhà trường là tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng bền vững; xây dựng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn vững vàng, có lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm; giáo dục kĩ năng sống và năng lực hoạt động xã hội cho học sinh một cách năng động, sáng tạo, tiến tới xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia sau năm 2020.
Phát huy truyền thống 15 năm vượt khó vươn lên, thầy và trò Trường THPT Hoàng Quốc Việt tự tin vững bước, quyết tâm thi đua dạy thật tốt - học thật tốt, chắp cánh ước mơ cho những học sinh nông thôn, góp phần quan trọng “Nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực” cho địa phương.
15 năm qua, nhà trường đã đào tạo 3.229 học sinh của 15 xã, phường thuộc huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái; có 62 giải học sinh giỏi cấp tỉnh, 2 giải học sinh giỏi cấp quốc gia; tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hàng năm đạt 98%; tỷ lệ đỗ đại học, cao đẳng tăng từ 24% (năm 2012) lên 34% (năm 2014), có nhiều học sinh đỗ điểm cao vào các trường đại học danh tiếng và du học nước ngoài... C ũng trong 15 năm qua, 20 nhà giáo được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh, 12 nhà giáo đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, 16 cán bộ quản lý và nhà giáo được đào tạo trên chuẩn có trình độ tiến sỹ, thạc sỹ. Những tấm gương nhà giáo tâm huyết, cống hiến cho sự phát triển của nhà trường như: Nhà giáo ưu tú Phạm Văn Bình, cô giáo Mai Thị Hồng Vân, Nguyễn Thị Thu Huyền... |
Thanh Ba
Các tin khác
YBĐT - Chỉ thị 49CT/TW ngày 21/5/2005 của Ban Bí thư Trung ương khóa IX nêu rõ: "Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Sáng nay, 13-11, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã ký ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 38/2013/TT-BGTVT ngày 24- 10- 2013. Trong đó, nội dung sửa đổi quan trọng nhất là Giấy phép lái xe ô tô phải chuyển đổi từ loại cũ bằng giấy bìa sang loại mới bằng vật liệu PET trước ngày 31 -12 -2015, thay vì thời hạn cũ 31-12-2014.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các đơn vị tiếp tục nghiên cứu và thực hiện cải cách thủ tục hành chính về chính sách ưu đãi người có công.
YBĐT - Từ 27 cơ sở dạy nghề năm 2011, đến năm 2013, toàn tỉnh Yên Bái đã có 31 cơ sở dạy nghề. Năm 2014, do thực hiện sáp nhập các trung tâm dạy nghề với trung tâm giáo dục thường xuyên, toàn tỉnh còn 24 cơ sở dạy nghề.