Náo nức ngày hội toàn dân
- Cập nhật: Thứ hai, 17/11/2014 | 10:04:56 AM
YBĐT - Những ngày này, cùng với cả nước, hàng nghìn khu dân cư từ vùng thấp đến vùng cao trên địa bàn tỉnh Yên Bái đang tưng bừng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (ĐĐKTDT), kỷ niệm 84 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam (18/11/1930 - 18/11/2014).
Tiết mục biểu diễn văn nghệ chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư thôn Khe Hùm, xã Trung Tâm, huyện Lục Yên.
|
Với nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực, Ngày hội năm nay đã thực sự đem đến một không khí vui tươi, phấn khởi ở các khu dân cư, thắt chặt hơn tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, cùng nhau chung sức xây dựng tỉnh Yên Bái ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.
Có mặt tại thôn Hồng Lâu, xã Hồng Ca (Trấn Yên) - một trong những thôn vùng xa của tỉnh với trên 90% đồng bào Mông sinh sống mới thấy hết ý nghĩa của Ngày hội ĐĐKTDT và tinh thần đoàn kết của đồng bào. Ngay từ sáng sớm, bà con trong thôn, người già, trẻ nhỏ, ai nấy đều có mặt đông đủ, diện trên mình bộ trang phục truyền thống đẹp nhất, thể hiện rõ bản sắc văn hóa của dân tộc Mông. Vinh dự được chọn là nơi tổ chức điểm theo chỉ đạo của tỉnh nên năm nay, Ngày hội ĐĐKTDT đã được chính quyền địa phương và bà con thôn Hồng Lâu tổ chức rất trang trọng.
Sau phần lễ, bà con cùng nhau ôn lại truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam, điểm lại những thành tựu nổi bật của đất nước trong thời kỳ đổi mới và đánh giá kết quả 1 năm thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua ở khu dân cư. Sôi nổi và thu hút sự quan tâm nhiều nhất của bà con trong thôn chính là lúc trao đổi, đóng góp ý kiến nâng cao chất lượng, hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới”; tôn vinh những cá nhân, gia đình có nhiều đóng góp cho địa phương; tặng quà cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn… Sang phần hội - đây là phần được nhiều người háo hức mong đợi nên ngay sau khi tiếng trống hội vang lên, tất cả đều hòa mình vào các điệu múa, tiếng khèn, trò chơi dân gian truyền thống một cách say sưa, nhiệt tình.
Anh Tráng A Ký - người dân thôn Hồng Lâu phấn khởi bày tỏ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày này là cả thôn lại vui như tết. Bà con quanh năm lao động vất vả nên chẳng mấy khi tụ hội đông đủ để được cùng nhau hàn huyên câu chuyện, uống với chén rượu vui, trao nhau những lời ca tiếng hát ân tình. Vì thế, chúng tôi luôn coi đây là dịp để mọi người xích lại gần nhau hơn, gắn bó với nhau hơn”.
Cũng trong không khí vui tươi, phấn khởi, có mặt tại xã Thanh Lương (Văn Chấn) khi các hoạt động văn hóa, văn nghệ của Ngày hội ĐĐKTDT diễn ra sôi nổi, chúng tôi lại có cơ hội được đắm mình vào những điệu xòe nồng say của bà con người Thái, người Mường khu vực phía tây của tỉnh. Như tâm sự của bà con xã Thanh Lương thì từ lâu, Ngày hội đã trở thành một ngày rất đáng nhớ.
Đây không chỉ là thời điểm để mọi người gặp gỡ, trao đổi, vui chơi, thắt chặt thêm khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà còn là dịp để nhìn nhận, đánh giá lại những gì đã làm được và chưa làm được sau một năm cố gắng, phấn đấu; nói lên những tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Đảng, chính quyền địa phương. Thanh Lương có 7/7 thôn, bản đã được công nhận thôn bản văn hóa; số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa chiếm tỷ lệ 75%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 42%; 100% số trẻ trong độ tuổi ra lớp được tới trường; duy trì phổ cập tiểu học và trung học cơ sở; số trẻ bị suy dinh dưỡng giảm còn dưới 22%...
Ông Đinh Văn Thập - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã khẳng định: “Có thể nói, Ngày hội ĐĐKTDT đã thực sự trở thành Ngày hội của toàn dân, là ngày có ý nghĩa không nhỏ đối đời sống tinh thần của nhân dân. Bởi vậy, việc duy trì và nhân rộng tổ chức Ngày hội này ở các khu dân cư là một việc làm hết sức cần thiết, góp phần tích cực xây dựng tình đoàn kết cộng đồng ngày càng khăng khít, bền chặt”.
Nhân dân xã Quy Mông (Trấn Yên) thi kéo co trong Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.
Thực tế đã chứng minh, những năm qua, nhờ phát huy tốt tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng thực hiện các chủ trương, chính sách Đảng, pháp luật của Nhà nước, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội mà tới nay, đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có những chuyển biển tích cực. Đồng bào Mông ở các huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã xóa bỏ được nhiều hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và ăn chung một tết với đồng bào cả nước, tích cực cho con em tới trường, chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, không để đất trống, đồi núi trọc...
Người dân các xã vùng thấp đã chủ động phát triển kinh tế, làm giàu, xây dựng được nhiều mô hình trang trại VAC, VRC cho thu nhập cao. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 3,5% - 4%/năm, thu nhập bình quân đạt 23 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa chiếm gần 70%, số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt tỷ lệ 80%, số hộ được nghe đài, xem ti vi tăng lên trên 90%...
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành cũng như sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo tỉnh, sở, ban, ngành, đoàn thể tới chung vui cùng nhân dân các địa phương, Ngày hội ĐĐKTDT năm nay tiếp tục để lại những dấu ấn khó phai trong lòng mỗi người.
Đồng chí Sùng A Lâu - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu:
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được cấp ủy và chính quyền xã quan tâm, chỉ đạo sát sao. Đồng bào cũng rất háo hức, phấn khởi bởi đây là dịp để gặp gỡ, hỏi thăm nhau sau những tháng ngày tích cực lao động sản xuất. Bên cạnh đó, các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao trong Ngày hội cũng nhận được sự tham gia rất nhiệt tình, sôi nổi của bà con, góp phần đẩy mạnh mối giao lưu, đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.
Bà Đỗ Thị Lý - Tổ 8, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái:
|
Hồng Oanh
Các tin khác
YBĐT - Dự án đái tháo đường được triển khai tại Yên Bái từ cuối năm 2009 đến nay, đã điều tra sàng lọc tại 6/9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh với tổng số khám trên 3.500 lượt người, trong đó phát hiện 234 người mắc ĐTĐ và 843 người đang trong giai đoạn tiền ĐTĐ. Tại Bệnh viện Nội tiết tỉnh từ đầu năm 2014 đến nay, đã điều trị trên 10 nghìn lượt bệnh nhân ĐTĐ. Trong đó: ngoại trú trên 9.900 lượt bệnh nhân, điều trị nội trú trên 400 bệnh nhân.
Bộ GD&ĐT vừa có văn bản gửi các bộ, ngành; các đoàn thể Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ quan thông tấn, báo chí; các đại học; học viện, viện; các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; các Sở GD&ĐT thông báo không tiếp khách nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
Tối 16/11, tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 210 năm đô thị tỉnh lỵ, 20 năm thành lập TP. Thanh Hóa, đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP. Thanh Hóa là đô thị loại I.
Trong nhiều hội thảo trước đây liên quan đến việc tổ chức một kỳ thi, đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng sẽ có một phần mềm tuyển sinh giải quyết tình trạng hồ sơ ảo và để thí sinh đăng ký dự thi.