Yên Bái phấn đấu hoàn thành mục tiêu “90 - 90 - 90” vào năm 2020

  • Cập nhật: Thứ ba, 2/12/2014 | 8:41:41 AM

YBĐT - Từ đầu vụ dịch cho đến ngày 30/9/2014, theo số liệu giám sát của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, Yên Bái có số người nhiễm HIV đã được phát hiện là 4.992 người, trong đó 1.445 người đã chết, số người nhiễm HIV hiện còn sống là 3.547 người. Toàn quốc mới chỉ phát hiện được dưới 50% số người thực nhiễm HIV trong cộng đồng, Yên Bái cũng không ngoại lệ.

Cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái tư vấn cho người dân.
Cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái tư vấn cho người dân.

 Hiện Yên Bái là tỉnh trọng điểm về lây nhiễm HIV, đứng tốp 10 về số người nhiễm và tốp 5 về tỷ lệ nhiễm trên dân số (0,45%). Đối tượng nguy cơ cao là người nghiện ma túy, phụ nữ bán dâm ở Yên Bái theo điều tra IBBS có tỷ lệ nhiễm HIV rất cao so với cả nước.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng cùng sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, chính quyền các cấp cũng như sự vào cuộc của các ngành, đoàn thể và sự tham gia của mọi người dân, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả bước đầu đáng khích lệ. Trong 4 năm trở lại đây, Yên Bái đã dần kiểm soát được HIV/AIDS trên các phương diện: giảm số người nhiễm mới HIV (tỷ lệ xét nghiệm dương tính HIV giảm từ 3,5% năm 2011 xuống còn 3,1% năm 2012 và 1,6% năm 2013); giảm số người tử vong do AIDS (năm 2008, có 163 bệnh nhân tử vong do AIDS, năm 2013 là 8 bệnh nhân).

Các chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai trong toàn tỉnh: 100% huyện, thị xã, phường triển khai chương trình truyền thông phòng, chống HIV/AIDS; 100% huyện, thị có điểm điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS (đang điều trị cho trên 1.200 bệnh nhân AIDS - điều trị kéo dài và suốt đời người bệnh); 100% huyện, thị triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại - trao đổi bơm kim tiêm sạch cho người nghiện chích ma túy (NCMT), đặc biệt là chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone đang điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân NCMT và tiếp tục được đầu tư mở rộng tại 9/9 huyện, thị vào các năm tiếp theo (kế hoạch 2015 sẽ điều trị cho khoảng 1.200 - 1.500 bệnh nhân NCMT). Như vậy sẽ tiết kiệm cho các gia đình và xã hội hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, điều quan trọng nữa là phòng tránh được lây nhiễm HIV, các bệnh lây truyền qua đường máu khác đồng thời góp phần tích cực bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra, hàng năm, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Sở Y tế, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đã triển khai chỉ đạo và trực tiếp xét nghiệm phát hiện HIV, xét nghiệm tế bào CD4 cho trên 20.000 lượt người; hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức tập huấn, xây dựng quy trình chuẩn cho tất cả các cơ sở điều trị cũng như xét nghiệm trên toàn tỉnh. Tuy nhiên, tình hình lây nhiễm HIV vẫn có nhiều diễn biến phức tạp.

Nếu chúng ta bằng lòng với kết quả đạt được, coi HIV/AIDS không còn là vấn đề quan trọng, không tiếp tục triển khai quyết liệt hơn nữa thì dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Cứ mỗi ngày trôi qua, Yên Bái lại phát hiện thêm 1 người nhiễm HIV. Dịch tiếp tục lan rộng về địa dư, chuyển dịch đường lây, có xu hướng lan ra những nhóm người được coi là có hành vi nguy cơ thấp như: phụ nữ, trẻ em, sinh viên, học sinh...

Bên cạnh đó, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù gần như 100% dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đã được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh nhưng mức độ bao phủ tới đối tượng đích còn thấp. Chương trình “Bơm kim tiêm sạch” mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu; chương trình điều trị Methadone mới chỉ đáp ứng khoảng 40% (nếu đạt chỉ tiêu 1.200 bệnh nhân điều trị vào năm 2015); điều trị bằng ARV mới chỉ đáp ứng khoảng 31% số người nhiễm HIV hiện còn sống.

Nhu cầu tăng đầu tư cho duy trì, mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS có hiệu quả cao nhất như: công tác truyền thông, phát bơm kim tiêm sạch, phát bao cao su, mở rộng điều trị Methadone, tăng cường xét nghiệm, phát hiện nhiễm HIV, tăng số lượng điều trị ARV, phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con có nhu cầu ngày càng tăng cao nhưng hiện nay, kinh phí cho công tác phòng, chống HIV/AIDS từ các dự án quốc tế đã giảm mạnh và sau năm 2015 có thể sẽ không còn chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS. Đây là khó khăn, thách thức không nhỏ đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

Dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh có thể bùng phát mạnh mẽ, khó kiểm soát nếu không có đầu tư thích đáng và can thiệp mạnh mẽ. Đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS trong khi dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh còn đang ở giai đoạn tập trung là việc cần làm, càng đầu tư sớm thì hiệu quả càng cao vì đầu tư 1 USD cho phòng chống HIV/AIDS sẽ tiết kiệm được cho ngân sách Nhà nước cũng như xã hội từ 7 - 10 USD. Để đạt được mục tiêu khống chế dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh và góp phần đạt được mục tiêu kết thúc đại dịch vào năm 2030 của Chính phủ, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh cần:

Thứ nhất, bảo đảm nguồn tài chính bền vững cho công tác phòng, chống HIV/AIDS: tăng chi ngân sách của tỉnh cho công tác phòng, chống HIV/AIDS; tiếp tục đưa nội dung phòng, chống HIV/AIDS vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đồng thời kêu gọi, thu hút các nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp tư nhân, từng bước xã hội hóa công tác phòng chống HIV/AIDS.

Thứ hai, củng cố và kiện toàn mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS: bổ sung mới chức năng, nhiệm vụ điều trị Methadone cho Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS; tăng cường vai trò chỉ đạo chuyên môn của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cũng như mở rộng triển khai, đa dạng hóa các dịch vụ: tư vấn xét nghiệm (VCT), phòng khám ngoại trú (OPC - điều trị ARV cho bệnh nhân), điều trị Methadone tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS. Đối với trung tâm y tế huyện, thị, thành lập các phòng khám chuyên khoa HIV/AIDS.

Thứ ba, tập trung duy trì và mở rộng những can thiệp hiệu quả: chương trình can thiệp giảm hại (bơm kim tiêm, bao cao su, điều trị Methadone), điều trị ARV, dự phòng lây truyền mẹ con, tích cực xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV/AIDS.
Thứ tư, lựa chọn đầu tư tập trung cho các địa phương trọng điểm về công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh và các nhóm đối tượng nguy cơ cao để mang lại hiệu quả cao nhất.

Với những giải pháp tích cực như vậy, tin rằng, mục tiêu 90 - 90 - 90 (đến năm 2020, 90% người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục, 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi-rút ổn định dưới ngưỡng ức chế) sẽ hoàn thành để có thể kết thúc dịch AIDS vào năm 2030 theo mục tiêu của Liên hiệp quốc đã được Thủ tướng Chính phủ phát động tại Việt Nam vào tháng 10/2014.

 Bác sỹ Chuyên khoa II Phan Duy Tiêu - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Yên Bái

Các tin khác
Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) tổ chức Ngày vi chất dinh dưỡng 2014.

Chiều 1/12, tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế) tổ chức triển khai Ngày vi chất dinh dưỡng năm 2014 nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ngăn ngừa thiếu hụt vi chất dinh dưỡng cho trẻ em dưới 5 tuổi và triển khai cho trẻ uống vitamin A đợt 2 (từ ngày 1-2/12).

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ chiều nay 1.12, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ thống nhất phương án nghỉ Tết âm lịch 2015 với thời gian 9 ngày.

Sau khi bão số 4 đi qua, theo thông tin từ các đài khí tượng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương, hiện ở ngoài khơi xa thuộc phía Đông Philippines vừa xuất hiện một cơn bão lớn có tên quốc tế là Hagupit.

Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) vừa ban hành 2 quyết định (QĐ) xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thiết lập trang thông tin điện tử và mạng xã hội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục