Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở thị xã văn hóa

  • Cập nhật: Thứ năm, 4/12/2014 | 2:28:12 PM

YBĐT - Sau 10 năm nỗ lực thực hiện Đề án xây dựng thị xã văn hóa (2003 – 2013) thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều đổi thay tích cực từ đô thị đến nông thôn. Năm 2013, thị xã lại vinh dự được chọn để thực hiện Đề án "Xây dựng thị xã văn hóa – du lịch Nghĩa Lộ, giai đoạn 2013 - 2020". Đây là giai đoạn phát triển mới của việc xây dựng thị xã văn hóa với những đổi mới từ tư duy đến cách làm.

Một buổi sinh hoạt truyền thống tại Khu di tích lịch sử Căng - Đồn Nghĩa Lộ.
Một buổi sinh hoạt truyền thống tại Khu di tích lịch sử Căng - Đồn Nghĩa Lộ.

Đề án do UBND tỉnh trực tiếp xây dựng và phê duyệt với việc xác định đầu tư phát triển song song hai lĩnh vực văn hóa và du lịch đồng thời có các cơ chế, chính sách cụ thể để phát huy nội lực trong nhân dân và thu hút các nguồn lực xã hội từ bên ngoài. Tiến trình xây dựng thị xã văn hóa - du lịch đòi hỏi sự đồng tâm hợp lực của Đảng bộ, chính quyền và tất cả các tầng lớp nhân dân Nghĩa Lộ, trong đó có thế hệ trẻ. Đây vừa là đối tượng, vừa là lực lượng quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy truyền thống của quê hương Nghĩa Lộ - Mường Lò và đưa hình ảnh của mảnh đất, con người Nghĩa Lộ nói riêng, mảnh đất và con người Yên Bái nói chung ra với bạn bè. Trong những năm qua, vấn đề này đã nhận được sự quan tâm của tất cả các cấp, các ngành trên địa bàn thị xã.

Trong số các mục tiêu đã được đề ra trong Đề án thì mục tiêu tập trung nâng cao đời sống văn hóa, bảo tồn, giữ gìn, phát huy truyền thống, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số được xác định là một trong những mục tiêu quan trọng cần được tập trung thực hiện. Trong tiến trình thực hiện Đề án, việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thị xã sẽ bảo đảm xây dựng nguồn nhân lực trẻ phát triển toàn diện cả về trí và lực, có khả năng kế thừa và phát huy những giá trị tốt đẹp về văn hóa, lịch sử của quê hương Nghĩa Lộ - Mường Lò và phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản như: loại bỏ những yếu tố tiêu cực, phản tiến bộ (những hủ tục lạc hậu, tâm lý sản xuất nhỏ, manh mún...); giữ lại những yếu tố tích cực, tiến bộ (tinh thần yêu nước, đoàn kết giữa các dân tộc, thái độ lao động cần cù sáng tạo, tình yêu thương con người, yêu thiên nhiên...); cải biến các yếu tố tích cực, tiến bộ cho phù hợp với điều kiện mới, hoàn cảnh mới; thế hệ trẻ phải tích cực, chủ động sáng tạo ra những yếu tố hoàn toàn mới mà các thế hệ cha anh hoặc không có khả năng hoặc không có điều kiện để thực hiện. Vậy, nội dung cơ bản của vấn đề giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trong tiến trình xây dựng thị xã văn hóa – du lịch ở Nghĩa Lộ bao gồm những vấn đề gì?

Là một thị xã miền núi, miền đất, con người Nghĩa Lộ mang trong mình một bản sắc văn hóa đậm đà, riêng có. Đặc biệt, với một tiềm năng về văn hóa dân gian đậm đà bản sắc, các loại hình nghệ thuật đặc sắc ở Nghĩa Lộ mang giá trị nghệ thuật đích thực như: xòe Thái, hội Hạn Khuống - một hình thức sân khấu sơ khai đang được các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, lễ hội hoa ban, lễ hội "Lồng tồng" (hội xuống đồng), lễ hội "Xên hưỡn - xên bản - xên mường" (lễ hội cúng nhà - cúng bản - cúng mường), các trò chơi truyền thống như kéo co, đẩy gậy, ném còn, tó mắc lẹ, đánh yến, đu chà...; một kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian phong phú với nhiều thần thoại, truyền thuyết, truyện thơ, sử thi, ca dao... (Xống chụ xôn xao, Cầm Hánh đánh giặc Cờ Vàng, Táy pú sắc...), các làn điệu dân ca như khắp, then, lượn... và các loại nhạc cụ như pí, khèn, chũm chọe...

Mỗi dân tộc ở Nghĩa Lộ có một bản sắc văn hóa riêng, độc đáo nhưng luôn song hành, hòa quyện với nhau tạo nên sự đặc sắc mà ít vùng đất nào có được. Trong tiến trình xây dựng thị xã văn hóa – du lịch, các giá trị truyền thống văn hóa đó luôn được bảo tồn, giữ gìn và phát huy. Thị xã Nghĩa Lộ đã chủ động tổ chức xây dựng nhiều phong trào văn hóa, văn nghệ, xây dựng các đội văn nghệ quần chúng, khôi phục các lễ hội, đưa phong trào văn hóa văn nghệ về tận cơ sở... Trong các hoạt động đó, thế hệ trẻ là đối tượng được đặc biệt chú trọng với các nội dung cụ thể như bảo tồn nghề truyền thống cho lao động trẻ, bảo tồn văn hóa dân gian như trang phục, nhà ở, chữ viết, ẩm thực, nhạc cụ, ca vũ truyền thống...

Bên cạnh việc giáo dục truyền thống văn hóa thì giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ ở Nghĩa Lộ cũng là một nội dung cần được chú trọng. Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, với một vị trí chiến lược khá quan trọng trong khu vực Tây Bắc của Tổ quốc, mảnh đất Nghĩa Lộ đã bị nhiều thế lực phong kiến, thực dân, đế quốc nhiều lần xâm chiếm. Nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ đã đoàn kết chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước. Trong tiến trình xây dựng thị xã văn hóa - du lịch Nghĩa Lộ, sự đóng góp của thế hệ trẻ trước hết chính là sự hiểu biết sâu sắc về truyền thống lịch sử quê hương mình. Từ đó biết trân trọng quá khứ, biết phấn đấu trong hiện tại và tương lai. Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần thúc đẩy du lịch thị xã phát triển, vì mỗi bạn trẻ khi được trang bị đầy đủ kiến thức và kỹ năng cũng có thể trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Vậy, thế hệ trẻ Nghĩa Lộ cần hiểu gì về lịch sử quê hương mình?

Lịch sử mảnh đất Nghĩa Lộ đã ghi lại nhiều dấu mốc quan trọng như: cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống của nhiều dân binh Nghĩa Lộ năm 1075; cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên – Mông sang xâm lược lần thứ nhất năm 1258 của nhân dân Nghĩa Lộ - Mường Lò dưới sự chỉ huy của lãnh binh Hà Chương, Hà Bổng; sự giúp đỡ, ủng hộ của nhân dân đối với đạo quân của tướng Trần Nhật Duật chống quân Nguyên – Mông xâm lược lần thứ hai năm 1285; cuộc chiến đấu chống giặc Cờ Vàng dưới sự chỉ huy của thủ lĩnh Cầm Hánh năm 1872, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược...

Ở Nghĩa Lộ còn có Khu di tích lịch sử văn hóa Căng – Đồn Nghĩa Lộ là di tích lịch sử cấp quốc gia ghi dấu sự kiện phá Căng vượt ngục của các chiến sỹ tù chính trị ngày 17/3/1945 và ghi dấu chiến thắng Nghĩa Lộ 18/10/1952. Đây có thể coi là một trong những biểu tượng cho một Nghĩa Lộ bất khuất trước kẻ thù xâm lược và là biểu hiện cho sức sống mãnh liệt của người dân Nghĩa Lộ - Mường Lò.

Ở thị xã miền tây nhỏ bé này còn có Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ - Chi nhánh duy nhất của Bảo tàng Hồ Chí Minh ở khu vực Tây Bắc Tổ quốc và là công trình tưởng niệm thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", lòng biết ơn sâu sắc của đồng bào các dân tộc Nghĩa Lộ - Văn Chấn đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Đây được coi là địa chỉ đỏ trong việc tuyên truyền, giáo dục về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho cán bộ đảng viên và nhân dân các dân tộc trong khu vực, đặc biệt là cho thế hệ trẻ của thị xã Nghĩa Lộ đồng thời cũng là điểm đến không thể thiếu của du khách gần xa khi đến với Nghĩa Lộ.

Trong những năm qua, công tác phối hợp giữa Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với Phòng Giáo dục - Đào tạo và các trường học trong việc tuyên truyền, giáo dục về Chủ tịch Hồ Chí Minh cho học sinh trên địa bàn thị xã đã và đang đạt được những kết quả nhất định. Con số trên 4.200 lượt học sinh tham gia các chương trình ngoại khóa về Bác Hồ mỗi năm đã phần nào khẳng định vai trò của Khu tưởng niệm trong việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ thị xã.

Theo chị Phạm Thị Duyên - cán bộ tuyên truyền của Khu tưởng niệm, người đã có nhiều kinh nghiệm tổ chức các hoạt động này cho biết, trong thời gian tới, việc phối hợp tổ chức các chương trình ngoại khóa, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ ở Nghĩa Lộ sẽ được đơn vị chú trọng đổi mới cả về nội dung và hình thức nhằm đạt hiệu quả cao nhất do đơn vị đã có thêm nhiều trang thiết bị mới phục vụ cho công tác tuyên truyền.

Thiết nghĩ, con đường xây dựng thị xã văn hóa – du lịch đối với Nghĩa Lộ là một con đường dài, cần một sự nỗ lực không ngừng để có thể mang đến sự đổi thay cả về "lượng" và "chất". Trong quá trình đó, thế hệ trẻ Nghĩa Lộ ngoài việc được tiếp xúc với nhiều nét văn hóa khác nhau còn phải có ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình. Trong niềm tự hào chung về truyền thống lịch sử đấu tranh kiên cường để giữ gìn quê hương, chúng ta có thể tin tưởng rằng, dẫu ở "mặt trận" nào thì thế hệ trẻ Nghĩa Lộ cũng vẫn luôn rèn luyện, tu dưỡng để xứng đáng là lực lượng tiên phong không chỉ trong tiến trình xây dựng thị xã văn hóa – du lịch giai đoạn 2013 – 2020 mà còn trong một tương lai xa hơn nữa và vững vàng hơn nữa.

Nguyễn Thu Phong (Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ)

Các tin khác
Báo Yên Bái vùng cao song ngữ Việt - Mông đến với đồng bào Mông xã Suối Giàng (Văn Chấn).

YBĐT - Là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc cùng chung sống, để từng bước nâng cao dân trí và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, những năm qua, Yên Bái đã thực hiện tốt việc đưa thông tin và các ấn phẩm báo chí đến với đồng bào trong toàn tỉnh. Trong đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến đồng bào ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng xa, vùng sâu và vùng cao.

YBĐT - Thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”, Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Mù Cang Chải đã phát động nhiều phong trào thi đua hiệu quả.

Không khí lạnh tăng cường khiến các địa phương miền Bắc có nơi rét đậm. Tại miền Trung không khí lạnh gây mưa lớn, một số địa phương đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT) vừa có văn bản gửi các trường dự bị đại học, trường đại học có khoa dự bị đại học và Trường phổ thông vùng cao Việt Bắc hướng dẫn phân bổ học sinh hoàn thành chương trình dự bị đại học năm học 2014 - 2015.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục