Nậm Lành hướng tới tương lai

  • Cập nhật: Thứ hai, 8/12/2014 | 2:59:57 PM

YBĐT - Ông Bùi Văn Chinh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Lành kiêm Phó chủ tịch Hội Khuyến học xã là người đã nhiều năm công tác tại các địa phương vùng cao của huyện Văn Chấn chia sẻ, Nậm Lành thực sự là một địa phương điển hình quan tâm đến sự nghiệp giáo dục...

Cô và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Lành trong một giờ học.
Cô và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Lành trong một giờ học.

Xã Nậm Lành (Văn Chấn) hầu hết là người Dao sinh sống. Cách đây trên dưới ba chục năm, những gia đình chỉ đẻ hai con, có lẽ chỉ có ông Bàn Hữu Hín, thậm chí kể cả người Kinh hay một số dân tộc khác trong vùng cũng hiếm. “Đẻ ít con thì cuộc sống mới đỡ vất vả” là suy nghĩ của ông Hín chứ lúc đấy chưa có chủ trương tuyên truyền về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Sau này làm Bí thư Đảng ủy xã, ông Hín luôn luôn vận động bà con ngoài việc đẻ ít còn phải cố gắng cho con học tập thật tốt thì cuộc sống mới đi lên.

Ông Trần Huy Sơn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề huyện Văn Chấn trước đây là giáo viên đã nhiều năm quen biết ông Bàn Hữu Hín. Điều ông Sơn tâm đắc nhất ở con người này là luôn đau đáu chăm lo sự học cho người dân trong xã nên mỗi khi có cơ hội tiếp xúc với bà con là ông Hín đều kết hợp phân tích tuyên truyền và vận động: “Thời buổi hiện đại, con em người Dao mình phải cố gắng học tập tốt thì mới tiếp cận được khoa học công nghệ. Thậm chí, làm ruộng, làm nương, lớp trẻ cũng cần phải có trình độ văn hóa cao thì mới biết tính toán làm ăn và đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Còn nếu ai học được cao hơn mà trở thành cán bộ thì càng đáng quý!”.

Ông Bàn Hữu Hín - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Nậm Lành:

“Thời buổi hiện đại, con em người Dao mình phải cố gắng học tập tốt thì mới tiếp cận được khoa học công nghệ. Thậm chí, làm ruộng, làm nương, lớp trẻ cũng cần phải có trình độ văn hóa cao thì mới biết tính toán làm ăn và đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Còn nếu ai học được cao hơn mà trở thành cán bộ thì càng đáng quý!”.

Nói về tinh thần học tập của người Dao đỏ ở Nậm Lành, ông Lý Kim Kinh - Chủ tịch UBND xã cho rằng, lợi thế lớn là bà con người Dao có truyền thống học chữ nôm Dao từ xa xưa. Học chữ nôm Dao cũng rất khó và đòi hỏi kiên trì từ nhỏ nhưng theo phong tục của người Dao, đàn ông nếu được coi là đã trưởng thành thì phải qua nghi lễ cấp sắc. Và muốn thực hiện nghi lễ này, người đàn ông đó phải biết chữ nôm Dao để học thuộc kinh sách dạy luân lý, phong tục, tập quán, kinh nghiệm canh nông… Còn đối với những người muốn cấp sắc để làm thầy cúng còn phải học dày công hơn nữa các kinh điển cổ của người Dao về pháp thuật, thiên văn, địa lý, nghi lễ để hành lễ và bảo đảm năng lực giải thích các hiện tượng tự nhiên, xã hội cho cộng đồng theo thế giới quan từ cổ xưa của tổ tiên. Từ sự kiên trì học chữ nôm Dao đã tạo nên hiệu ứng tự nhiên là người đàn ông Dao đỏ khá siêng năng ngay cả khi học phổ thông.

Ông Lý Kim Kinh cũng nhận định, việc học chữ nôm Dao để làm nghi lễ cấp sắc mang lại ý nghĩa rất lớn là người Dao bảo tồn được văn hóa, đạo lý truyền thống. Còn việc học phổ thông, học chuyên nghiệp mang ý nghĩa vượt xa hơn là giúp con người làm chủ cuộc sống. Với nhận thức ấy nên không phải bây giờ mà từ trước đây, sự nghiệp giáo dục ở Nậm Lành vẫn là điểm sáng của Văn Chấn. Đến nay, địa phương chưa làm thống kê đầy đủ nhưng đã có khá nhiều người thoát ly làm giáo viên, sỹ quan quân đội, thầy thuốc. Đặc biệt, đã có những phụ nữ Dao trở thành thạc sỹ, đại biểu Quốc hội như  Lý Thị Diện. Còn Bàn Thị Náy là trường hợp khá hiếm trong số những phụ nữ dân tộc thiểu số ở Văn Chấn, tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng đã đảm nhiệm chức vụ Phó chủ tịch UBND xã.

Ông Bùi Văn Chinh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Lành kiêm Phó chủ tịch Hội Khuyến học xã là người đã nhiều năm công tác tại các địa phương vùng cao của huyện Văn Chấn chia sẻ, Nậm Lành thực sự là một địa phương điển hình quan tâm đến sự nghiệp giáo dục. Cách đây mấy năm, khi bắt đầu triển khai mô hình trường tiểu học, trung học cơ sở bán trú, khó khăn nhất là mặt bằng xây dựng trường lớp, nhà ở bán trú cho học sinh vì trường phải đặt ở nơi trung tâm. Trong khi đó, nơi trung tâm đất đai thường chật hẹp. Tuy vậy, khi được vận động, có những đảng viên như Bàn Thừa Chiêu đã sẵn sàng hiến tới gần 500m2 đất cho trường. Đảng viên gương mẫu đi đầu nên nhiều hộ dân khác như: Đặng Văn Thăng, Hoàng Phúc Thanh… cũng tự nguyện hiến đất xây dựng trường mầm non và tiểu học. Bếp ăn bán trú thiếu bàn ghế, người dân dùng gỗ quế để đóng tặng nhà trường. Quỹ Khuyến học của xã năm nào cũng có khoảng 25 triệu đồng trở lên để khen thưởng cho các học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó, học sinh gặp rủi ro trong cuộc sống và động viên các thầy, cô giáo trong dịp lễ, tết.

Tăng gia cải thiện bữa ăn cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Lành.

Mối quan tâm của chính quyền, người dân ở cơ sở, nhà trường và sự đầu tư của Nhà nước đã và đang tạo nên diện mạo mới cho sự nghiệp giáo dục ở Nậm Lành. Hệ thống trường học từ mầm non đến trung học cơ sở ở khu trung tâm xã khang trang không kém trường học ở miền xuôi. Gần 300 cháu của 5/7 thôn đang được hưởng chính sách học bán trú đã bớt đi phần nào gánh nặng của người dân, nhất là các thôn Nậm Tộc, Nậm Cài cách trung tâm xã đến 17km. Việc cải thiện bữa ăn cho học sinh cũng thật hiếm có trường nào làm được như Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Lành. Nhà trường đã tận dụng nước rác, cọng rau, thức ăn thừa để chăn nuôi gần tấn lợn mỗi năm và còn làm được cả hầm biogas để tránh ô nhiễm môi trường cũng như không phải chi tiền mua củi đốt. Rau xanh do bộ phận dinh dưỡng và học sinh tự trồng cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng.

Thành quả của những nỗ lực từ nhiều phía đã đưa tỷ lệ chuyên cần, tỷ lệ học sinh ra lớp ở các cấp học lên tới 99% và tỷ lệ học sinh khá, giỏi cũng tăng khá qua mỗi năm. Trong 3 năm gần đây, số học sinh đi học cấp III luôn ổn định ở mức 22% và nếu tính cả học sinh học bổ túc tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Dạy nghề huyện Văn Chấn, Trường Trung cấp Nghề Nghĩa Lộ thì đạt tới 80%. Nhiều em học giỏi được tuyển thẳng vào Trường Nội trú Vùng cao Việt Bắc, trong đó có em Bàn Tòn Nhất ở thôn Tà Lành - một thôn chưa hề có ai làm cán bộ xã. Khi được học bán trú, em Nhất đã trở thành học sinh giỏi toàn diện, nhất là môn Tiếng Anh. Ngày Nhất liên hoan đi học, Ban giám hiệu nhà trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã đều đến nhà chúc mừng. Gia đình em cùng bà con trong họ, trong thôn ai cũng tự hào và coi Nhất là tấm gương cho con cháu noi theo.

Điều mong muốn nhất của cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Nậm Lành là nếu có một phân hiệu trường trung học phổ thông cho cụm 5 xã: Nậm Lành, Sơn Lương, Nậm Mười, Sùng Đô, An Lương thì việc học cấp III của con em nhân dân địa phương sẽ thuận lợi hơn nhiều. Bởi vì nếu phải học cấp III ở Nghĩa Lộ như hiện tại thì từ trung tâm xã đến trường đã hơn chục cây số chứ chưa nói đến những thôn xa hơn, trong khi đó không phải nhà nào cũng có điều kiện cho con đi trọ học. Điều mong mỏi ấy thật đáng trân trọng khi tất cả người Dao nơi đây đang quyết tâm hướng tới tương lai!

Hoàng Nhâm

Các tin khác
Các học viên thi kiểm tra vấn đáp tiếng Mông.

YBĐT - Thực hiện chủ trương của Bộ Quốc phòng và Quân khu II về tổ chức lớp bồi dưỡng tiếng Mông cho cán bộ, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh đã làm tốt công tác chuẩn bị, triển khai thực hiện chương trình đạt hiệu quả.

Tàu thuyền tại miền Trung đang khẩn trương về bờ để tránh trú bão

Thông tin từ Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão (PCLB) khu vực miền Trung-Tây Nguyên cho biết, tính đến 6 giờ sáng 8/12, các địa phương khu vực miền Trung đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho tổng số 32.451 phương tiện với 140.251 lao động biết về diễn biến của bão Hagupit để chủ động phòng tránh.

Đại biểu thanh niên 3 nước Việt Nam-Lào-Campuchia.

60 đại biểu thanh niên 3 nước đã tham dự Hội nghị hợp tác thanh niên Việt Nam-Lào-Campuchia 2014 từ 8-10/12/2004.

Tháng 3 - 2015, thí sinh bắt đầu đăng ký môn thi cho kỳ thi quốc gia THPT 2015.

Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, dự kiến trong tháng 3 – 2015, thí sinh sẽ bắt đầu đăng ký môn thi trong kỳ thi THPT quốc gia. Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ thí sinh phải thi 4 môn bắt buộc như đã thông báo.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục