Nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa của kiểm sát viên

  • Cập nhật: Thứ ba, 9/12/2014 | 9:21:10 AM

YBĐT - Những năm gần đây, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Yên Bái đã tổ chức tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa, đáp ứng tốt yêu cầu cải cách tư pháp và thực thi Hiến pháp năm 2013. Phóng viên YBĐT đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Lương Văn Thức - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Viện trưởng Viện KSND tỉnh về vấn đề này.

Đồng chí Lương Văn Thức (đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ thực hiện quyền công tố với các kiểm sát viên.
Đồng chí Lương Văn Thức (đứng giữa) trao đổi nghiệp vụ thực hiện quyền công tố với các kiểm sát viên.

PV: Xin đồng chí cho biết, những giải pháp nâng cao năng lực tranh tụng của kiểm sát viên, bảo đảm tranh tụng dân chủ tại các phiên tòa?

Đồng chí Lương Văn Thức: Hoạt động tranh tụng tại phiên tòa không chỉ đánh giá kết quả hoạt động của các giai đoạn điều tra, truy tố mà còn tác động đến giai đoạn xét xử, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bị cáo và những người liên quan, bảo đảm việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Ngành kiểm sát Yên Bái xác định, việc nâng cao năng lực tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử các vụ án hình sự là một nội dung quan trọng trong quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố.

Từ đó, đề ra các giải pháp như: tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo Viện Kiểm sát; nâng cao nhận thức cho kiểm sát viên; bồi dưỡng, hướng dẫn kỹ năng tranh tụng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất, tinh thần trách nhiệm của kiểm sát viên; tổ chức các cuộc thi viết cáo trạng, luận tội; phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh lựa chọn các vụ án để xét xử rút kinh nghiệm về kỹ năng thực hành quyền công tố, nhất là kỹ năng tranh tụng tại phiên tòa cho kiểm sát viên.

Viện kiểm sát hai cấp đã triển khai tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm từ năm 2012 trở lại đây. Mỗi kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự phải thực hiện ít nhất một phiên tòa rút kinh nghiệm/năm. Mỗi năm, tổ chức khoảng 50 phiên tòa rút kinh nghiệm. Hầu hết các phiên tòa này đều có lãnh đạo Viện KSND tỉnh tham dự và rút kinh nghiệm. Hầu hết các kiểm sát viên đã thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ tại phiên tòa, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng, bảo đảm các bản án, quyết định đúng pháp luật.

PV: Đồng chí có thể cho biết những kết quả đạt được trong việc nâng cao hiệu quả, chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự trong năm 2014? 

Đồng chí Lương Văn Thức: Năm 2014, Viện kiểm sát hai cấp đã thực hiện nghiêm túc các nghị quyết của Quốc hội, chỉ thị của Viện KSND Tối cao, tổ chức thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giải quyết án hình sự; thực hiện đồng bộ các khâu công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử. Chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự được nâng lên; các quyết định truy tố của Viện Kiểm sát đều bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật; không có án Viện Kiểm sát truy tố nhưng Tòa án xét xử tuyên bị cáo không phạm tội; số lượng án bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy, sửa đều giảm so với năm trước.

Công tác kháng nghị được quan tâm, số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm của Viện Kiểm sát vượt chỉ tiêu của ngành. Ngành kiểm sát cũng đã phối hợp tốt với ngành tòa án tổ chức các phiên tòa lưu động, xét xử các vụ án trọng điểm, góp phần tích cực vào công tác phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm, tội phạm; công tác phối hợp tổ chức các phiên tòa để rút kinh nghiệm được chú trọng để nâng cao chất lượng công tác kiểm sát xét xử; tăng số kiến nghị yêu cầu khắc phục, phòng ngừa và thông báo rút kinh nghiệm vi phạm trong hoạt động điều tra, xét xử.

Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng được duy trì có hiệu quả, các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, án điểm, dư luận xã hội quan tâm đều được tập trung giải quyết nhanh, kịp thời, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.

PV: Để bảo đảm thực thi nguyên tắc tranh tụng, Hiến pháp năm 2013 đã hoàn thiện đáng kể quy định về quyền bào chữa, quyền bảo vệ và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong các quá trình tố tụng. Viện KSND tỉnh có những giải pháp gì để thực hiện tốt yêu cầu mới của Hiến pháp?

Đồng chí  Lương Văn Thức: Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc bảo đảm tranh tụng trong xét xử đã đặt ra yêu cầu cao hơn đối với ngành  KSND. Tại các phiên tòa hình sự, kiểm sát viên vừa là chủ thể trực tiếp thực hiện việc tranh tụng vừa có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử để nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm. Vì vậy, Viện KSND tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để triển khai thi hành hiệu quả nguyên tắc này.

Trước hết, Viện KSND tỉnh đã tổ chức học tập, quán triệt các nội dung quy định về quyền bào chữa, quyền bảo vệ lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo quy định của Hiến pháp 2013; tăng cường cán bộ có năng lực, kinh nghiệm làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự; thực hiện thông khâu kiểm sát điều tra - kiểm sát xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự để kiểm sát viên nắm chắc hồ sơ, chủ động hơn trong việc xét hỏi và tranh luận tại tòa; đề cao trách nhiệm của kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố trước tòa.

Trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, Viện Kiểm sát đã bảo đảm các bị can có quyền được thuê luật sư bào chữa, quyền tự bào chữa; các trường hợp bắt buộc phải có luật sư, người bào chữa (như bị can phạm tội có khung cao nhất đến tử hình, người vị thành niên). Khi không thuê luật sư, cơ quan tiến hành tố tụng phải yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh cử luật sư, người bào chữa kịp thời theo luật định.

Năm 2014, Viện  KSND tỉnh cũng đã ký Quy chế phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh trong việc truy tố, xét xử sơ thẩm, phúc thẩm và tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm; thực hiện tốt việc chủ động tham gia xét hỏi và thẩm tra tài liệu, chứng cứ để buộc tội và gỡ tội; xây dựng luận tội có căn cứ thuyết phục; đối đáp đầy đủ ý kiến của luật sư và những người tham gia tố tụng khác nhằm làm sáng tỏ nội dung, bản chất của vụ án, góp phần nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cá nhân, tổ chức trong quá trình tố tụng.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Quỳnh Nga (thực hiện)

Các tin khác

Bộ GD-ĐT vừa ban hành văn bản hợp nhất quy định về điều kiện, hồ sơ, quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN).

Đường đi và vị trí của cơn bão. (Ảnh: Trung tâm KTTV Trung ương)

Dự báo trong 24 giờ tới, bão Hagupit di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15km. Khoảng sáng sớm 9/12, bão sẽ đi vào khu vực phía Đông Biển Đông.

Tháp truyền hình cao nhất thế giới ở Tokyo (Nhật Bản).

Dự kiến Tháp truyền hình Việt Nam sẽ được xây dựng trên khu đất diện tích hơn 14 ha tại Khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây.

Cô và trò Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Lành trong một giờ học.

YBĐT - Ông Bùi Văn Chinh - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Lành kiêm Phó chủ tịch Hội Khuyến học xã là người đã nhiều năm công tác tại các địa phương vùng cao của huyện Văn Chấn chia sẻ, Nậm Lành thực sự là một địa phương điển hình quan tâm đến sự nghiệp giáo dục...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục