Yên Bình tăng nguồn lực đầu tư nhờ xã hội hóa

  • Cập nhật: Thứ năm, 11/12/2014 | 9:55:10 AM

YBĐT - Tuy không phải là huyện vùng cao nhưng Yên Bình cũng gặp nhiều khó khăn trong bố trí mặt bằng xây dựng, mở rộng trường, lớp học, nhất là ở các xã vùng đông hồ Thác Bà, dọc quốc lộ 70...

Phòng học kiên cố hóa tạo thuận lợi cho thầy và trò Trường THPT Cảm Nhân (Yên Bình) nâng cao chất lượng dạy và học.
Phòng học kiên cố hóa tạo thuận lợi cho thầy và trò Trường THPT Cảm Nhân (Yên Bình) nâng cao chất lượng dạy và học.

Ông Nguyễn Kim Sơn - Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Yên Bình trao đổi: “Nhà nước đã rất quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng phòng học, nhà công vụ, các công trình phụ trợ và trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục nhưng với một huyện còn nhiều vùng khó khăn, đông đồng bào dân tộc nếu chỉ trông vào nguồn đầu tư từ ngân sách khó có thể đáp ứng những yêu cầu cấp thiết về cơ sở vật chất cho giáo dục hiện nay”.

Năm học 2013 - 2014, các cơ sở giáo dục ở Yên Bình đón trên 21.290 học sinh, trong đó giáo dục mầm non trên 6.000 cháu, tiểu học 9.180 học sinh, trung học cơ sở trên 6.000 học sinh. Toàn huyện có 73 trường học, 715 phòng học, còn tới gần 80 phòng học nhờ. Để giảm một phần gánh nặng đầu tư cho ngân sách và thúc đẩy nhanh hơn tiến độ đầu tư cho cơ sở vật chất giáo dục, lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo đã chủ động tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện lãnh đạo, chỉ đạo công tác xã hội hóa nguồn lực.

Tuy không phải là huyện vùng cao nhưng Yên Bình cũng gặp nhiều khó khăn trong bố trí mặt bằng xây dựng, mở rộng trường, lớp học, nhất là ở các xã vùng đông hồ Thác Bà, dọc quốc lộ 70. Những xã này không chỉ khó khăn trong huy động nguồn lực xã hội hóa mà rất khó khăn trong tìm và bố trí mặt bằng. Trên cơ sở quy mô phát triển giáo dục đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, Phòng đã chỉ đạo các đơn vị trường còn thiếu quỹ đất theo Điều lệ trường học tham mưu cho UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch bổ sung đủ diện tích theo quy định, tạo điều kiện thuận lợi để triển khai các nguồn lực đầu tư.

Trong số đó, có Trường Mầm non Mông Sơn đã bổ sung được 750m2 diện tích, bảo đảm theo yêu cầu của Điều lệ trường học. Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành, thời gian qua, Yên Bình đã thu hút một nguồn lực đáng kể từ xã hội hóa đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học.

Ngay đầu năm học 2014 - 2015, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà đã đầu tư xây dựng 8 phòng học kiên cố cho Trường Trung học cơ sở xã Yên Bình. Kinh phí có được từ xã hội hóa cũng đã đầu tư xây dựng mới 3 công trình nước sạch và vệ sinh đạt chuẩn theo quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo cho các trường: Trung học cơ sở Thịnh Hưng, Tiểu học Đại Đồng, Tiểu học Ngọc Chấn; 2 bếp ăn tập thể Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phúc Ninh, Trường Tiểu học số 1 Yên Thành. Các đơn vị trường học cũng huy động xây dựng 470m tường rào kiên cố, bê tông hóa 1.000m2 sân trường.

Được sự quan tâm của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp, 18 trường mầm non được đầu tư 11 bộ thiết bị đồ dùng trong lớp, 11 bộ thiết bị dùng chung, 7 bộ thiết bị đồ chơi học liệu, 4 phòng làm quen máy tính, 4 bộ thiết bị đồ chơi ngoài trời. Năm học 2013 - 2014, đã có 25 trường phổ thông được đầu tư 19 bộ thiết bị dạy học lớp 8, 2 bộ thiết bị dạy học ngoại ngữ, 384 bộ bàn ghế học sinh, 20 bộ bàn ghế giáo viên và bổ sung nhiều thiết bị dạy học khác. Nguồn lực từ xã hội hóa cùng với đầu tư của huyện trên 1,1 tỷ đồng cho sửa chữa, cải tạo cơ sở vật chất đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, giảm học sinh bỏ học, duy trì và giữ vững 100% số xã, thị trấn đạt phổ cập giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, mầm non và xây dựng trường chuẩn quốc gia theo lộ trình, kế hoạch đã đề ra.        

T.A

Các tin khác
Đường đi và vị trí của bão số 5

Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 20km.

Học viên lớp Điện dân dụng, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái trong giờ thực hành.

YBĐT - Tính đến hết tháng 10 năm 2014, toàn tỉnh đã tuyển mới đào tạo nghề cho 12.640/13.920 người, đạt 90,8% kế hoạch. Trong đó, trình độ cao đẳng nghề 869 người, trình độ trung cấp nghề 1.385 người, trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng 10.386 người.

YBĐT - Cũng thời gian này, cách đây 3 năm, lên các thôn, bản, các xã vùng cao của huyện Mù Cang Chải, bà con tất bật mua sắm, dọn dẹp nhà cửa để ăn tết theo phong tục của người Mông kéo dài gần cả tháng (trước tết Nguyên đán 1 tháng), gây nhiều tốn kém, lãng phí thời gian và tiền của. Nhưng 2 năm trở lại đây, thực hiện kế hoạch, chủ trương của tỉnh về vận động đồng bào Mông ăn chung một tết vào dịp tết Nguyên đán, cũng thời điểm này, lại là không khí lao động, sản xuất đúng thời vụ của bà con các khắp thôn, bản.

Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Bộ GTVT; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chủ động phòng, chống bệnh dịch hạch.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục